Cuộc sống thường ngày

Người Quảng hun hút trăm năm

Ký sự của LÊ VĂN CHƯƠNG 19/05/2024 09:41

Đảo Phú Quý (tỉnh Bình Thuận) nằm ở vùng biển sóng gió hiểm trở. Điều đặc biệt, có rất nhiều địa danh trùng hợp với Quảng Nam - Đà Nẵng. Đó là xã Tam Thanh, Hội An, Mỹ Khê, Hải Châu, An Hòa.... Người dân địa phương vẫn luôn đau đáu nhắc về nguồn gốc xứ Quảng của mình.

1-cong-truong-tam-thanh.jpg
Cổng Trường THCS Tam Thanh, huyện đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Văn Chương

Còn nhớ cuối năm 2022, chuyến tàu chở đoàn công tác ra thăm đảo Phú Quý giữa sóng gió mịt mù. Phải vượt quãng đường xa xôi 53 hải lý (gần gấp 4 lần từ đất liền ra đảo Cù Lao Chàm), nhưng con tàu phải quay trở lại TP.Phan Thiết, đành hẹn vài ngày sau tiếp tục ra đảo.

Có gì đó quen thuộc đến giật mình. Tôi chột dạ khi nhìn thấy tấm bảng UBND xã Tam Thanh. Linh cảm về một vùng đất Quảng giữa trùng khơi đã níu tôi vài lần trở lại nơi này tác nghiệp, kết hợp với việc khảo cứu, tìm nguồn tư liệu.

Vùng đất có nhiều đặc trưng của người Quảng

Tuyến đường từ cảng neo đậu vào đảo khoảng 1km, đã bắt gặp đến 2 lần địa danh Tam Thanh, từ UBND xã Tam Thanh cho đến Trường Tiểu học Tam Thanh. Tôi cố gắng căng mọi giác quan để quan sát, cảm nhận những nét đặc trưng của người Quảng Nam, rồi hỏi thăm vài người già qua đường.

“Quảng Nam hả con? Cha ông mình thời trước phân biệt dân Quảng Nam, Quảng Ngãi, nhưng quá lâu rồi nên người ta chỉ còn nói mình là người gốc Quảng”. Đây là câu trả lời tôi nhận được từ khá nhiều người.

Trước cổng UBND xã Tam Thanh đặt một tấm bảng chỉ tiêu kế hoạch. Tôi chưa từng bắt gặp tấm bảng này ở bất cứ địa phương nào. Nhưng ở đây, từ UBND huyện cho đến các xã, trong đó có xã Tam Thanh, luôn có bảng chỉ tiêu gắn ngay trước cổng để người dân hàng ngày có thể đọc. Riêng xã Tam Thanh đặt chỉ tiêu khai thác thủy sản đạt 30.000 tấn/năm, tổng thu ngân sách 23 tỷ/năm.

Ông Huỳnh Do, sinh năm 1943, nhà ở xã Tam Thanh, nguyên Chủ tịch UBND huyện đảo Phú Quý vồn vã tiếp tôi trong ngôi nhà cổ. Ông nói, ngôi nhà này được xây dựng cách đây 200 năm, phong cách trang trí, câu đối, thanh xà nhà… đều thiết kế theo kiểu người ở xứ Quảng.

Chất Quảng ở trong con người ông là tính tình cởi mở. Ông Do thắp hương trước bàn thờ báo cáo với tiên linh, ông bà với giọng run run “lạy ông bà, hôm nay có người ở xứ Quảng ra thăm...”.

2-ong-huynh-do.jpg
Ông Huỳnh Do, nguyên Chủ tịch UBND huyện đảo Phú Quý vui mừng và luôn nhận người xứ Quảng là đồng hương. Ảnh: Văn Chương

Thời nhỏ, cậu bé Do ngồi chống cằm nghe cha, ông nội kể về gốc gác từ đất liền ra đảo, đó là những ngư dân đi làm nghề lưới chuồn bị trôi vô cù lao Khoai Xứ. Các ngư dân mang theo lương thực để ăn là củ khoai lang.

Năm sau, khi chiếc thuyền tiếp tục bị gió đẩy ra cù lao Khoai Xứ, mọi người giật mình vì những mẩu củ khoai lang bỏ lại đã mọc thành những bụi lang. Củ lang bén rễ trên mảnh đất núi lửa nên hương vị bùi, thơm, ngon hơn hẳn đất liền.

Ông Do tâm tình, hồi xưa ông bà mình ở địa phương nào trong đất liền ra đây lập nghiệp thì đặt tên làng, xã theo địa phương nơi mình đã ra đi. Ví dụ như Tam Thanh, Hội An, Mỹ Khê là vùng của Quảng Nam - Đà Nẵng. Một số làng thuộc 2 tỉnh Phú Yên và Bình Định cũng có tên ở đảo.

Hồn bia mộ

Trong cuốn Địa chí tỉnh Bình Thuận chỉ nêu nguồn gốc cư dân ở ngoài đảo Phú Quý là người xứ Đàng Ngoài ra đảo định cư, khai phá từ năm 1844 và đặt tên là cù lao Khoai Xứ.

Nhưng cũng có nội dung ghi “thời kỳ Trịnh - Nguyễn phân tranh (1627-1672), nhiều nhóm ngư dân duyên hải miền Trung tránh loạn lạc đã đến đảo Phú Quý ẩn náu, mưu sinh. Họ là tổ tiên của ngư dân lập vạn An Thạnh thờ thần Nam Hải tại làng Triều Dương năm Tân Sửu 1781”.

3-moi-cuc-da-la-mot-ngoi-mo.jpg
Mỗi cục đá ở nghĩa địa Tam Thanh là một ngôi mộ cổ. Ảnh: Văn Chương

Cuốn địa chí cũng đề cập rằng, trước đó người Chăm đã cư trú ở đảo, là công chúa Bàn Tranh bị lưu đày. Đến thế kỷ 17, nhiều người Hoa chạy trốn triều đình nhà Thanh và được chúa Nguyễn cho phép nên đã vào đảo sinh sống, mở mang nhiều ngành nghề. Sau đó, họ rời đảo để định cư trong đất liền.

Trong đề tài nghiên cứu của ông Nguyễn Xuân Lý - nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bình Thuận đề cập, dưới triều nhà Lê, dân số ở đảo Phú Quý đã có 14 làng 1 ấp, dân số không đông, có làng chỉ một nhóm ngư dân.

Người dân ở đảo có gốc gác từ các tỉnh Phú Yên, Bình Định, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Bình. Ông cũng phân tích cặn kẽ tiếng nói của người dân, chữ “trong” phát âm thành “tlong”...

Trong tài liệu dịch từ văn bản Hán Nôm được các tộc họ lưu giữ, vào năm Cảnh Hưng 27 (1766), dân ấp Thanh Hồ, làng Thương Hải có làm đơn trình xin được tách bộ để lập lân (xóm) Quý Thạnh và nộp sưu thuế riêng.

Đơn trình được chấp thuận nhưng đến năm Nhâm Tý (1792), quân Tây Sơn tới đảo và thu nạp dân lân Quý Thạnh lập đội thủy binh. Dân chúng hoảng sợ bỏ xóm chạy tán loạn vì vậy chính quyền cứ chiếu theo sổ bộ cũ của làng Thương Hải mà thu thuế. Làng An Hòa lúc đó được ghi là “Đông giáp biển, Tây giáp làng Thới An, Nam giáp làng Hương Lăng và Bắc giáp làng Phú Ninh”.

Khá nhiều cụ già trên đảo nhắc tới nguồn gốc mình là dân xứ Quảng. Nhưng vị tiền hiền khai ấp lập làng từ năm nào thì họ nói, ước chừng trước thời điểm lập vạn An Thạnh (1781).

Những cụ già nói thêm, bây giờ người ta đã bớt nhắc chuyện nguồn gốc, còn đời ông, đời cha trước đây thì cứ luôn nhắc về gốc gác cho con cháu biết.

Trước khi rời đảo tôi đứng trước tấm bảng có đề dòng chữ “Nghĩa địa Tam Thanh”. Rất có thể nơi cuối cùng này sẽ giúp tôi tìm ra được ngày tháng năm sinh, mất của các bậc tiền hiền ra cù lao Khoai Xứ.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, sinh năm 1961, là người quản trang tỏ vẻ khá bất ngờ vì bầu trời đã ngả màu lam, nhưng vẫn có người dám đi vào nghĩa địa. Ông Sơn cho biết, có nghe nhiều cụ già nhắc tới gốc gác ở Quảng Nam, Quảng Ngãi.

Nghĩa trang Tam Thanh nằm trên một trảng cát trắng. Ngay điểm đầu tiên của con đường ra vào là những ngôi mộ trông rất lạ, giống ngôi mộ quy tập hài cốt ông bà tại làng chài Chí Công (huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận).

Mỗi phần mộ ở nghĩa địa Tam Thanh được đánh dấu như một chiếc nẹp to bằng 2 ngón tay. Mộ nằm chi chít sát nhau trong một khoảnh đất hẹp.

Ông Sơn dẫn tôi ra một trảng cát rộng, nhìn xuống chỉ thấy cỏ cây, chi chít viên đá nham thạch núi lửa. Ông Sơn khoát một lớp cát mỏng, tôi giật mình vì dưới bãi cát trắng là trùng trùng mộ cổ, mỗi ngôi mộ là một cục đá. Đảo Phú Quý vốn là đảo núi lửa phun trào hình thành, trên đảo không có các loại đá tốt như đá ở Non Nước để khắc tên tuổi, lưu lại trăm năm.

Tôi mang trong mình nỗi buồn vương vất. Thế hệ người Quảng đầu tiên đến đảo Phú Quý này, lẽ giờ đây mịt mù trong cát bụi...

Tại xã Tam Thanh có chùa Linh Quang, xây dựng năm 1747, do thiền sư Nguyễn Cánh tạo dựng. Vua Gia Long từng vào chùa lánh khi bị quân Tây Sơn truy đuổi. Bên Hòn Tranh còn có giếng Gia Long. Sau này lên ngôi, Gia Long đã viết 4 câu thơ: “Gia Long bôn tẩu thời quốc nạn. Cặp đảo mai danh đáo Linh Quang. Ngắm nhìn đoài, chấn phùng thánh địa. Đặt hướng Tây canh dựng đại môn”. Ngôi chùa này còn lưu 5 sắc phong của các vị vua, được Bộ VHTT& DL xếp hạng thắng cảnh cấp quốc gia. Trong chùa có những pho tượng được giới khảo cổ đặt câu hỏi liên quan tới Quảng Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Người Quảng hun hút trăm năm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO