Người Quảng làm báo ở Sài Gòn

LÊ PHẠM SƠN HẢI 19/06/2015 14:19

Chưa có một thống kê chính thức về nhà báo người Quảng Nam đang làm việc tại  Sài Gòn nhưng chắc số lượng không hề nhỏ. Cuộc sống năng động ở thành phố phương Nam đầy nắng gió là “mảnh đất lành” cho những cánh chim xứ “Ngũ phụng tề phi” bay vào “an cư lạc nghiệp”… Và nghĩa tình của người làm báo Quảng Nam tại TP.Hồ Chí Minh cứ nối tiếp nhau qua bao thế hệ mát rượi như dòng sông Thu những buổi trưa hè…

Người xưa có câu nói “Quảng Nam hay cãi”. Phải chăng tính cách, tư duy “hay cãi” của người xứ Quảng phù hợp với báo chí - một nghề có tính phản biện cao. Thế hệ đi trước đã có các tên tuổi lừng danh: Huỳnh Thúc Kháng, Phan Khôi, Bùi Thế Mỹ, Lưu Quý Kỳ…, thì sau này sự nghiệp báo chí Cách mạng Việt Nam có sự đóng góp rất lớn của những nhà báo “gốc” Quảng Nam sống tại TP.Hồ Chí Minh: Võ Như Lanh, Nguyễn Công Khế, Huỳnh Bá Thành, Vũ Đức Sao Biển, Huỳnh Sơn Phước, Vũ Hạnh, Trần Ngọc Châu, Cao Vũ Huy Miên, Nguyễn Nhật Ánh, Tần Hoài Dạ Vũ, Vu Gia, Nguyễn Đình Xê, Đặng Việt Hoa, Bùi Nguyễn Trường Kiên, Lê Thị Nam Bình, Anh Khuê…

Trọn “tình”, vẹn “lễ”

Theo nhà thơ - nhà báo Lê Minh Quốc (Báo Phụ Nữ TP.Hồ Chí Minh), do người Quảng xa quê nên thương yêu, đùm bọc nhau nơi “đất khách quê người”. Tính cách người Quảng luôn gia trưởng, bộc trực, chịu khó và có trách nhiệm với công việc. Nếu thương ai thì sống hết mình. Người đi trước, rước người đi sau hình thành nên tình anh em, tình bạn, tình đồng hương rất đẹp mà không phải nơi đâu cũng có.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bắt tay nhà báo Ngô Công Quang (PV Báo Dân Trí).
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bắt tay nhà báo Ngô Công Quang (PV Báo Dân Trí).

Ông Nguyễn Vĩnh Nghiệp - nguyên Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh hay tâm sự với cánh báo chí: “Lạ lắm, người Quảng Nam đi đâu cũng đùm bọc nhau. Họp đồng hương ở đâu là đông vui, xôm tụ lắm. Cần kêu gọi vận động hỗ trợ, giúp đỡ nhau là xắn tay áo vào làm liền. Đặc biệt là cái nghĩa, cái tình rất cảm động”.
Nhà thơ - nhà báo Lê Minh Quốc nhớ lại: “Ngày mới tốt nghiệp đại học, tôi mang giấy tờ đến “gõ cửa” phòng Tổng biên tập Nguyễn Công Khế ở Báo Thanh Niên xin việc, chẳng cần xem hồ sơ anh đồng ý ngay. Tôi còn nhớ mãi hình ảnh anh bỏ dở cả công việc đang làm ngồi hỏi han cặn kẽ, anh còn khuyên: “Em nên suy nghĩ lại vì một người làm thơ có thể theo đuổi lâu dài với nghề báo khắc nghiệt này được không?”. Nhà báo Lê Minh Quốc kể tiếp: “Sau này, khi anh Đặng Việt Hoa lên làm Phó Tổng biên tập Báo Thanh Niên, dù học sau và nhỏ tuổi hơn t4ôi nhưng khi trao đổi bài vở, làm việc với nhau, anh đều cư xử có trên có dưới và chân thành hết mực. Từ đó tôi càng thấm thía cái “lễ” của người Quảng Nam mình dữ dội lắm”.

Nhà báo Lê Công Sơn (Báo Thanh Niên) trong một lần về tác nghiệp tại xã Quế Hiệp, huyện Quế Sơn. Ảnh: LÊ PHẠM SƠN HẢI
Nhà báo Lê Công Sơn (Báo Thanh Niên) trong một lần về tác nghiệp tại xã Quế Hiệp, huyện Quế Sơn. Ảnh: LÊ PHẠM SƠN HẢI

Cũng là cây bút nổi tiếng lâu năm, với nhiều tác phẩm báo chí - âm nhạc gắn bó với đất và người Quảng Nam, nhà báo Vũ Đức Sao Biển đúc kết: “Làm nghề này không dễ đâu. Phải có tấm lòng nặng nợ với cuộc sống thì mới viết hay được. Để kiếm tiền, nhiều người có thể chọn nghề khác chứ không phải ai cũng phải chấp nhận va vấp, đối kháng, nhận phần thiệt về phía mình mới có những “sản phẩm” xuất sắc…”.  Chính vì say nghề mà hiện nay Vũ Đức Sao Biển còn là một nhạc sĩ tài hoa và “hoạt náo viên” Mạc Đại, Đồ Bì duyên dáng của Báo Tuổi trẻ Cười TP.Hồ Chí Minh.

Luôn hướng về quê nhà

Một điều rất đáng tự hào là người Quảng Nam làm báo ở Sài Gòn có rất nhiều Tổng biên tập, Phó Tổng biên tập, Thư ký tòa soạn, Trưởng phòng phóng viên như các anh, chị: Nguyễn Công Khế, Đặng Thanh Tịnh, Đặng Việt Hoa, Hoàng Hải Vân (Thanh Niên),  Lê Hoàng, Huỳnh Sơn Phước (Tuổi Trẻ), Huỳnh Bá Thành, Lê Thị Nam Bình (Công an TP.Hồ Chí Minh), Đặng Thanh Tâm (Thời báo Kinh tế Sài Gòn), Bùi Nguyễn Trường Kiên (Tạp chí Người làm báo)... Dù thành đạt nhưng tất cả đều nhớ về quê hương và các anh chị đi trước luôn là tấm gương sáng, tạo mọi điều kiện thuận lợi và dìu dắt cho bạn trẻ mới vào nghề để có được lực lượng kế thừa hùng hậu cho một thế hệ những nhà báo giỏi.

Gốc Quảng Nam có nhiều nhà báo ở Sài Gòn nên các bài viết về miền Trung đều thấm đẫm tình người, tình cố hương xứ sở. Mặc dù sống ở xa nhưng khi quê nhà xảy ra thiên tai, bão lũ… là lòng họ lại luôn hướng về mảnh đất “chôn nhau cắt rốn”. Nhà báo Lê Công Sơn là cây bút “thương tâm học” ở Báo Thanh Niên. Sinh ra ở xã Quế Long, huyện Quế Sơn, 20 năm trưởng thành trong nghề báo, anh viết đủ lĩnh vực: bạn đọc, pháp luật, văn nghệ… nhưng chính ở chuyên mục “Lá lành đùm lá rách” thì ngòi bút của anh thực sự lay động lòng người. Anh đã giúp đỡ cho hàng trăm số phận bất hạnh ở quê nhà  vượt qua được hoàn cảnh khó khăn, “vượt lên chính mình” và có thể đổi đời. Bằng tình cảm với quê hương tha thiết, anh không ngại khó, ngại khổ tình nguyện đi vận động các nhà hảo tâm để có được học bổng, xe đạp, nhà tình nghĩa, làm đường bê tông nông thôn… cho quê nhà. Sau vụ chìm đò ở Cà Tang, anh là một trong những nhà báo có mặt sớm nhất tại Nông Sơn để viết bài kêu gọi việc xây cầu nhanh chóng để người dân địa phương thuận tiện trong việc vận chuyển hàng hóa, đi lại. Anh tâm sự: “Chính cuộc sống khó khăn của bà con mình đã làm cho con chữ của tôi giàu cảm xúc hơn. Ai cũng có một chốn để quay về, đó là quê hương. Vì vậy không có gì vui sướng hơn khi mình được đóng góp một phần công sức như thế cho một nơi đã cho mình hình hài và sự trưởng thành hôm nay…”.

Một nhà báo giỏi, xông xáo như chị Lê Thị Nam Bình (Báo Công an TP.Hồ Chí Minh) luôn đi khắp nơi. Hầu như ở dải đất hình chữ S nơi nào cũng có dấu chân của nữ nhà báo này, nhưng chị cho biết yêu nhất vẫn là về với Quảng Nam. Các bài viết của chị trên Báo Công an TP.Hồ Chí Minh về quê cha cứ bàng bạc, đẹp và lấp lánh như dòng sông Thu Bồn hiền hòa đổ về Cửa Đại… Còn nhà báo Ngô Công Quang (Báo Dân Trí) mỗi lần về thăm quê lại đến thăm các gia đình neo đơn. Các bài báo anh viết về những trường hợp thương tâm đọc muốn rơi nước mắt… Anh cũng đã quyên góp được hàng trăm triệu đồng cho người nghèo. Nhà báo trẻ Ngô Công Quang tâm sự: “Là đứa con của vùng quê nghèo, hơn ai hết tôi đồng cảm với những số phận kém may mắn. Ngoài các bài viết mảng nội chính của báo phải theo dõi mỗi ngày, tôi luôn háo hức viết thật nhiều bài về Quảng Nam”.

Tiếp nối những thế hệ đi trước, nhiều nhà báo như Nguyễn Đình Mười (Báo Thanh Niên), Nguyễn Hữu Hồng Minh (Một thế giới), Nguyễn Quang (Sinh viên Việt Nam), Tường Minh (Người tiêu dùng), Cao Hồng Sĩ (Tuổi trẻ và Đời sống) vẫn luôn hướng về quê nhà. Mỗi lúc ngồi cùng nhau nơi đất khách họ luôn ấp ủ nhiều dự định cho đất Mẹ.

“Đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm/ Rượu Hồng Đào chưa nhấm đà say”. Hàng ngày, những người làm báo xứ Quảng ở Sài Gòn - TP.Hồ Chí Minh vẫn chắt chiu từng con chữ để cho ra đời những bài báo hay cứ như giọt rượu Hồng Đào nghĩa tình chưa nhấm đà say trên mảnh đất “tình quê hương thắm một đời tôi”…

LÊ PHẠM SƠN HẢI

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Người Quảng làm báo ở Sài Gòn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO