Quê hương Quảng Nam là nơi sản sinh ra nhiều nhà báo tài danh có nhiều đóng góp cho lịch sử báo chí Việt Nam trên nhiều phương diện.
Điều trên sẽ được thấy rõ khi tiếp cận những trang báo Tiếng Dân, Tràng An, Sông Hương, Sông Hương tục bản, Nhành Lúa, Dân xuất bản ở Huế trong những năm đầu thế kỷ XX.
Thế hệ làm báo đầu tiên của Quảng Nam chủ yếu xuất thân từ Nho học, họ là các nhà khoa bảng như Huỳnh Thúc Kháng đỗ giải Nguyên năm 1900, đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân năm 1904, không ra làm quan; các nhà báo Phan Khôi, Lê Đình Thám, Lưu Quý Kỳ, Phan Thanh là những người vừa hoạt động phật học, y học, giáo dục, cách mạng đã góp phần làm nên diện mạo báo chí xứ Huế trong buổi đầu hình thành và phát triển.
Nhìn từ Huỳnh Thúc Kháng...
Khi chuẩn bị cho ra đời một tờ báo, cụ Huỳnh Thúc Kháng luôn đi tìm một tên báo sao cho có ý nghĩa vừa thể hiện tính cách của mình lại vừa mang lại lợi ích và dấu ấn cho miền Trung. Cho nên “Ban đầu cụ Huỳnh Thúc Kháng định lấy hai chữ Trung Ngôn (lời nói ngay thẳng). Nhưng sau cụ lại muốn lấy hai chữ Trung Thanh (vừa có nghĩa là tiếng nói ngay thẳng, vừa có nghĩa là tiếng nói miền Trung).
Cuối cùng, cụ nghĩ đến hai chữ Dân Thanh (tiếng nói của dân)”. Khi hỏi ý kiến của cụ Phan Bội Châu, cụ Phan bảo “Đã báo Quốc ngữ thì nên để tên Tiếng Dân, không rõ ràng hơn sao”.
Nhà báo Lê Minh Quốc trong tiểu luận Tính cách của người Quảng Nam xét ra phù hợp với nghề làm báo đã có những nhận định đúng đắn về cụ Huỳnh Thúc Kháng và báo Tiếng Dân.
Tư tưởng đổi mới của cụ Huỳnh là “Cụ Huỳnh cũng là tay chơi, khi ra làm báo, cụ không làm thuê viết mướn cho ai mà đứng ra kêu gọi cổ phần lập Công ty Huỳnh Thúc Kháng góp vốn làm báo, mở nhà in, nghĩ cũng lạ, với các nhà Nho, trong quan điểm cũ họ đã lấy cái nghèo làm điều tự hào, ghét cay, ghét đắng chuyện doanh thương, buôn bán. Thì cụ Huỳnh lại khác hẳn, cụ không suy nghĩ theo lối cũ nữa”.
Ngay từ số đầu tiên trên báo Tiếng Dân có câu đối nói lên ước vọng của một tập thể cầm bút:
“Tiếng như sấm vang, mới bao năm gió Mỹ, mưa Âu, mấy cuộc bể dâu, ngọn sóng nhảy tràn bờ cõi cũ.
Dân là con trời cả, riêng một cõi mầm Hồng chồi Lạc, ngàn trùng non nước, khí thiêng xin hộ giống nòi chung”.
Ở vùng Bến Tượng, theo mé đường bờ sông Đông Ba, nơi đặt trụ sở tòa báo, bà con trong phố quen gọi cụ Huỳnh là cụ Tiếng Dân. Đối với họ, hình ảnh ông già đi sớm về trưa lui tới tòa soạn, quanh năm đội chiếc mũ nỉ đã xạc nắng mưa, vừa đi vừa trầm ngâm suy nghĩ là hình ảnh quá quen thuộc.
Tính cách Quảng Nam được thể hiện qua cuộc đấu lý giữa cụ Huỳnh Thúc Kháng với Khâm sứ Jabouille: “Việc cho đăng hay không đăng bài gì trên một tờ báo là quyền của chủ nhiệm báo, cũng như cho xuất bản hay đóng cửa một tờ báo là quyền của Chính phủ”.
Thái độ thẳng thắn đó được công khai trên báo Tiếng Dân số 175 (1.5.1929): “Vì rằng ta không có quyền tự do nói những điều nên nói, mà ta lại có quyền tự do không nói những cái không nên nói”.
Có lần, người ta đem tiền đến để đăng quảng cáo cho cuốn sách mới, nhan đề “Người đàn bà trần truồng”. Vừa trông thấy cái tựa nhố nhăng, giật gân ấy. Cụ Huỳnh bảo: “Bậy! Không thể đăng được!”. Quản lý tờ báo biện bạch: “Ai đăng quảng cáo thì người đó chịu trách nhiệm, chứ mình có dính vào đâu?”. Nhưng cụ cương quyết: “Quảng cáo có phải muốn rao gì thì rao à?”. Đây là một quan điểm rất rạch ròi về vấn đề quảng cáo trên báo chí. Nó phản ánh được lương tâm và trách nhiệm của người làm báo.
... đến Phan Khôi
Còn đối với Phan Khôi, ông là nhà báo, nhà văn, nhà ngôn ngữ luôn thể hiện với phong cách nói thẳng. Ngay từ nhỏ, ông đã nổi tiếng là người thông minh, học giỏi, hay lý sự. Khi giải quyết chuyện gì bao giờ ông cũng lật ngược vấn đề tìm hiểu một cách thấu đáo.
Tính cách này phù hợp cho công việc mà sau này ông đeo đuổi: viết báo và viết nghiên cứu. Chính vì thế mà khi làm báo, Phan Khôi đã tập hợp được nhiều khuôn mặt tiêu biểu của giới văn nghệ sĩ lúc bấy giờ để viết bài cho Sông Hương.
Sức làm việc của Phan Khôi rất lớn, khi khảo qua bộ sưu tập Sông Hương, chúng tôi thấy các mảng tin tức, sử liệu ông cũng trực tiếp làm. Hầu như số báo nào Phan Khôi cũng có bài, ngoài mục dạy chữ Hán “Hán văn độc tu” kéo dài từ số 1 đến số 26 và các trích đoạn “Chương Dân thi thoại”, có số ông viết 2 bài, có số đến 4 bài.
Sau số 32 ra ngày 2.3.1937, Sông Hương phải tự đình bản sau 8 tháng hoạt động vì thiếu khả năng tài chính. Thời gian tồn tại tuy ngắn ngủi nhưng qua 32 số báo Phan Khôi đã kịch liệt phê phán sự hủ lậu của Hán học, tán dương văn minh Pháp. Cổ xúy cho phong trào nghiên cứu văn hóa, lịch sử Việt Nam, tranh luận về tự do, về pháp luật, về ngôn luận tự do, về vấn đề giáo dục,… với một văn phong rất Phan Khôi. Với nỗ lực của Phan Khôi, Sông Hương đã tạo được một không khí sinh hoạt văn học khá đặc biệt ở Huế vào thời điểm lúc bấy giờ.
Từ báo Tràng An đến Tuần báo Sông Hương, dưới sự điều hành của Phan Khôi thường có những bài bình luận hoặc phóng sự sắc sảo, chỉ trích các sắc thuế của Chính phủ Bảo hộ, lên án thói bạo ngược của thực dân và đám cường hào áp bức… Phan Khôi hiện diện trước xã hội, trước cuộc đời chỉ với tư cách nhà báo, nhưng khác với các nhà báo khác, ông thường chọn cho mình vị trí phản biện và sự phản biện của ông thường đem lại chiều sâu mới cho trí thức.
Mặc dù tôn chỉ mục đích và nội dung theo những đường hướng, những quan niệm khác nhau về văn hóa tư tưởng, ý thức chính trị giữa các tờ báo, nhưng ở Huế và Trung kỳ vào giai đoạn này bắt đầu hình thành nên thế hệ các nhà báo xuất sắc với những tài năng lớn của nền báo chí Việt Nam như cụ Huỳnh Thúc Kháng, Bửu Đình, Nguyễn Khánh Toàn, Đào Duy Anh, Đạm Phương, Phan Khôi, Trần Thị Như Mân, Phan Đăng Lưu, Hải Triều, Hải Thanh, Lưu Quý Kỳ, Võ Nguyên Giáp, Lâm Mộng Quang, Nguyễn Hoàng, Nguyễn Cửu Thạnh, Phạm Bá Nguyên, Nguyễn Xuân Lữ, Trần Thanh Mại, Trần Thanh Địch, Phi Bằng, Nguyễn Vỹ…
Và chỉ vài năm sau, qua ngôn luận cùng hành trạng, tên tuổi của họ đã có ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống xã hội Việt Nam. Cũng từ đây, một dòng báo chí mới - báo chí cách mạng đã ra đời ở trên đất Thừa Thiên Huế.
Và các thế hệ kế tục
Người Quảng Nam làm báo “Không muốn nhập nhằng, lằng nhằng trước một vấn đề nào đó. Với họ, mọi việc phải rành mạch, rõ ràng đâu ra đó. Tính cách này cũng phù hợp với công việc của người làm báo. Điều này sẽ góp phần lý giải vì sao người Quảng thành công trong nghề”.
Kế thừa và hưởng thụ khí chất Quảng Nam trên con đường dài của lịch sử báo chí Việt Nam, nhiều người Quảng Nam đã để lại những dấu ấn quan trọng. Sau này, người Quảng Nam làm báo trên mọi miền đất nước đã tạo nên được tiếng vang lớn như các nhà báo Huỳnh Bá Thành, Cung Văn, Võ Như Lanh, Nguyễn Công Khế, Huỳnh Sơn Phước, Đặng Thanh Tịnh, Nguyễn Khắc Nhượng, Trần Ngọc Châu, Nguyễn Đình Xê, Hồ Duy Lệ, Hồ Trung Tú, Nguyễn Hữu Hương, Nguyễn Ngọc Hạnh, Huỳnh Thị Bảo Hòa, Lê Văn Hiến, Nguyễn Đình An, Khương Hữu Dụng, Nam Trân, Lương Khắc Ninh...
Người Quảng Nam làm báo ở Huế hay ở nơi đâu thì họ không chỉ biết kế thừa truyền thống tốt đẹp của một vùng đất, mà còn thể hiện sự hiểu biết và bản lĩnh của mình trong quá trình làm việc, gắn bó với nghề báo đầy gian truân.