Xã Xuân Trường, TP.Đà Lạt (Lâm Đồng) có hơn 90% cư dân là người gốc Quảng Nam. Với bản tính cần cù, siêng năng, đa số họ đã vươn lên làm giàu ở vùng đất mới.
Cách trung tâm thành phố Đà Lạt hơn 20km, xã Xuân Trường trải dài theo địa hình đồi núi “nóc nhà” của cao nguyên Lâm Viên với độ cao trung bình 1.600m so với mặt biển. Là vùng đất có khí hậu ôn hòa, Xuân Trường đã và đang sản xuất các nông phẩm có tiếng trên nhiều thị phần rộng lớn trong và ngoài nước như chè ô long, chè xanh, cà phê arabica thuộc hàng “top ten” thế giới.
Việc đầu tư trồng hoa địa lan trong nhà kính giúp gia đình ông Lê Thanh Hùng làm giàu trên vùng đất mới. Ảnh: PHONG VÂN |
Cùng với việc thường xuyên cải tạo cây chè và cà phê chủ lực, trong khoảng 3 năm gần đây, những người nông dân gốc Quảng Nam (thuộc các thôn Trường Sơn, Xuân Sơn) đã thực hiện bước đột phá trong nông nghiệp bằng cách cải tạo đất trên các đồi cao để trồng rau, hoa nhà kính theo hướng công nghệ cao. Hội Nông dân xã phối hợp với chính quyền địa phương cùng khảo sát, chọn ra những thửa đất có độ cao lớn, đang canh tác cây cà phê già cỗi và các loại cây ăn trái khác để chuyển đổi sang trồng rau, hoa công nghệ cao. Trước khi chính thức xuống từng loại giống gieo trồng công nghệ cao, Hội Nông dân xã tổ chức tìm hiểu thị trường tiêu thụ nông sản thông qua các thương hiệu mạnh ở Đà Lạt như Hợp tác xã Anh Đào, Hợp tác xã Xuân Hương… Cũng như tham khảo thêm về dự báo diễn biến giá cả ở nhiều vựa rau, hoa khác của những thương lái có kinh nghiệm trong và ngoài địa phương. Ông Lê Thìn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Trường cho biết: “Trên cùng địa bàn thành phố Đà Lạt, so với vùng đất ở các nơi như Trại Mát, Thái Phiên, Đa Thiện, Thánh Mẫu, Vạn Thành… 1.000m2 thì có mức đầu tư sản xuất nhà kính khoảng 300 triệu đồng, nhưng riêng vùng Xuân Trường phải mất thêm 200 triệu đồng để tạo mới mặt bằng. Bởi muốn có một diện tích 1.000m2² dựng lên nhà kính “vuông thành sắc cạnh”, nông dân Xuân Trường phải thuê các phương tiện cơ giới để bạt đất có độ dốc cao thành từng bậc thang lớn, sau đó lắp đặt các hệ thống tưới nước, bón phân trong nhà kính. Bù lại đây là những diện tích đất mới cho rau, hoa công nghệ cao, thoáng khí, ít có khả năng phát sinh các dịch hại lây lan. Đến đầu năm 2015, tính riêng diện tích nhà kính 1.500m2² trồng hoa địa lan công nghệ hiện đại nhất ở Việt Nam hiện nay với hơn cả chục giống lan Nhật ở xã Xuân Trường đã đồng loạt cho hoa, xuất bán ra thị trường”.
Rời mảnh đất Điện Hồng, Điện Bàn vào những năm 1990, ông Lê Thanh Hùng (50 tuổi) vào mảnh đất Xuân Sơn, Xuân Trường (Đà Lạt), lập nghiệp. Cũng giống như bao người dân xứ Quảng vào vùng đất mới, với bản tính siêng năng cần cù, chịu khó gia đình ông cũng trồng rất nhiều loại cây từ cà phê, rau màu nhưng thu nhập không cao. Năm 2014, được sự hỗ trợ của Nhà nước 30% vốn xây dựng nhà kính và 60% về nguồn giống; chưa kể việc hướng dẫn, chuyển giao toàn bộ quy trình kỹ thuật (từ khâu làm đất, xuống giống đến khâu chăm sóc và thu hoạch). Gia đình ông trồng 4 sào địa lan gồm: lan vàng mít, cam lửa, hoàng hậu với mức đầu tư 1,5 tỷ đồng. Ông nói: “Nhờ mạnh dạn chuyển đổi đầu tư vào hoa địa lan, nay tôi đã vươn lên làm giàu trên vùng đất này. Đợt Tết Ất Mùi vừa rồi, trừ mọi chi phí tôi thu về hơn 500 triệu đồng tiền lời. Dự tính của tôi là tiếp tục đầu tư mở rộng thêm 2 sào hoa địa lan trồng nhà kính vì thị trường này đang hút khách hàng”.
Ông Hà Phước Ta, Bí thư Đảng ủy xã Xuân Trường phấn khởi cho biết: “Trồng rau hoa công nghệ cao là hướng đi mới trong phát triển nông nghiệp của bà con nông dân gốc người Quảng. Kết quả đạt được rất khả quan, đến nay, toàn bộ diện tích cây trồng trong nhà kính đều đã thu hoạch sản phẩm tiêu thụ rất nhanh với giá bán ở mức cao. Nhiều nông dân làm giàu trên vùng mà họ đang sinh sống, ước tính thu lãi hàng trăm triệu đồng trở lên. Từ lợi nhuận thực tế mà nhà kính mang lại, sắp tới chúng tôi sẽ tiếp tục khuyến khích bà con đầu tư mở rộng thêm diện tích nhà kính trồng rau hoa sản xuất quy mô hàng hóa. Hy vọng, từ đây sẽ mang về những nguồn thu vượt trội cho người nông dân”.
PHONG VÂN