Người Quảng mở đầu phong trào tân thư

NGUYỄN DỊ CỔ 26/04/2020 08:25

Tân thư về mặt ngữ nghĩa là “sách mới”, “sách mới in”. Nhưng ở phạm trù lịch sử, tân thư chính là những “sách mới” do các học giả Trung Quốc có tư tưởng cải lương trước tác hay biên dịch từ sách vở phương Tây (hoặc dịch lại từ sách dịch của người Nhật).

Phạm Phú Thứ - người mở đầu cho phong trào tân thư.
Phạm Phú Thứ - người mở đầu cho phong trào tân thư.

Do cùng sử dụng loại hình văn tự Hán, tân thư từ Trung Quốc và Nhật Bản được truyền bá vào Việt Nam vào nửa cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20 giúp cho trí thức Việt Nam đương thời tiếp cận được thông tin thế giới bên ngoài, làm cơ sở hình thành các phong trào Đông Du, Đông Kinh Nghĩa Thục, Duy tân. Nội dung tân thư thường là sách khoa học kỹ thuật (đặc biệt là sách về quân sự, công nghiệp) và sách trình bày về cơ chế xã hội, chính trị, kinh tế, tư tưởng, học thuật… Nguồn tân thư “phát hành” ở Việt Nam chủ yếu tại các thuyền buôn và tiệm buôn của người Hoa.

Những nhà tiếp cận tân thư tiêu biểu

Phan Châu Trinh từng đặt chân đến Trung Quốc, lưu trú ở Nhật và hoạt  động ở Pháp. Trong nước, Phan Châu Trinh “thường qua lại với ông Thân Trọng Huề, Đào Nguyên Phổ mượn sách ấy (tức tân thư - NV) xem, trong lòng ham thích quên ngủ, quên ăn, từ đó trong tư tưởng đổi hẳn ra một cách mới mẻ”, Huỳnh Thúc Kháng cho biết. Đào Duy Anh trong tác phẩm Nhớ nghĩ chiều hôm kể lại, khi Phan Châu Trinh vào Phan Thiết được một người từng tham gia phong trào Duy tân cho “cả một rương sách… gồm toàn những tân thư của Trung Quốc”, trong đó có đầy đủ hai bộ Thanh nghị báo và Tân dân tùng báo, các tác phẩm của Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu, bản dịch Vạn pháp tinh lý của Motesquieu, “cùng nhiều sách về địa lý, về lịch sử và về khoa học, dịch của Nhật Bản”.

Những bài nói chuyện của Phan Châu Trinh như Đạo đức và luân lý Đông Tây, Quân trị chủ nghĩa và dân trị chủ nghĩa rõ ràng đã có sự tiếp nhận tư tưởng của Rousseau, Motesquieu, hay bức thư gửi cho Toàn quyền Đông Dương (Đầu Pháp chính phủ thư) lợi dụng từ nội dung tuyên ngôn của Pháp. Truyện thơ Giai nhân kỳ ngộ của Phan Châu Trinh được dịch từ bản dịch Hán văn của Lương Khải Siêu dịch từ cuốn truyện văn xuôi của Sài Tứ Lang người Nhật. Những tác phẩm này của Phan Châu Trinh thể hiện một sự mới lạ đương thời, tạo nên làn “gió Á mưa Âu”, “thổ nạp Đông Tây” của thời đại.

Phan Bội Châu được Nguyễn Thượng Hiền cho mượn đọc mấy bộ sách như Trung Đông chiến kỷ, Phổ Pháp chiến kỷ (trước tác của Lương Khải Siêu), Doanh hoàn chí lược (của Từ Kế Dự) mà từ đó hiểu được “tình trạng cạnh tranh ở trong hoàn hải, thảm trạng quốc vong chủng diệt” (Tự phán). Từ “tân thư” trong Lưu Cầu huyết lệ tân thư cũng chính là thể hiện ý nghĩa này.

Với điều kiện đã từng thăm viếng các nước châu Á (Hương Cảng, Mã Lai) và sang Pháp cùng các nước châu Âu năm 1867 của Nguyễn Trường Tộ, tác giả Vĩnh Sính nhận định, những sách tân thư xuất bản ở Trung Quốc đương thời đã giúp Nguyễn Trường Tộ có vốn liếng tri thức hơn hẳn những sĩ phu Việt Nam cùng thời. Sau này, trong các bài điều trần như Thiên hạ đại thế luận (Bàn về những thế lớn trong thiên hạ), Tế cấp bát điều (Tám điều cần làm gấp), Nguyễn Trường Tộ đều trích dẫn tác phẩm tân thư Doanh hoàn chí lược (Khái lược về địa lý thế giới).

Truy nguyên người mở đầu phong trào tân thư

Lâu nay, khi nói đến phong trào tân thư ở Việt Nam, người ta thường đề cập Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Lộ Trạch, Tiểu La Nguyễn Thành, Nguyễn Thượng Hiền, Thân Trọng Huề, Đào Nguyên Phổ, Phan Bộ Châu, Phan Châu Trinh… Nhưng ít ai biết trước nữa, Phạm Phú Thứ mới là người mở đầu cho phong trào tân thư ở Việt Nam. Đại Nam liệt truyện là thư tịch đầu tiên có nhắc đến tên những tân thư gắn liền với “truyện” đời của Phạm Phú Thứ.

Kể từ sau cuộc chiến tranh nha phiến năm 1840 ở Trung Quốc và nổ súng tấn công của Tây Ban Nha, Pháp vào Việt Nam năm 1848, 1858 đã làm cho những quốc gia Á Đông phải thức tỉnh, có sự thay đổi nhận định về phương Tây và ý thức tự cường.

Phạm Phú Thứ trong quá trình công cán Quảng Đông vào năm 1851 và đi sứ phương Tây năm 1863 - 1864, tận mắt chứng kiến văn minh phương Tây, đã có những chuyển biến về tư tưởng và nhận thức rất rõ tầm quan trọng của loại sách thực dụng về khoa học kỹ thuật. Đó chính là tân thư. Phạm Phú Thứ nhận thức rất rõ muốn lo việc đối phó với người Tây thì phải biết tình hình phương Tây thông qua tân thư. Đặc biệt, ông cũng nhận định ngoài việc học “cựu thư” kinh điển Nho gia (kinh, sử, tử, tập) cũng cần tiếp cận tân thư là những sách do người Trung Quốc viết mới hoặc dịch từ sách vở phương Tây.

Sau lần công cán Quảng Đông, Phạm Phú Thứ giữ mối quan hệ giao lưu với một số trí thức, nhà tân thư ở Trung Quốc như Việt Đông học sĩ Lý Văn Điền, Lê Ngoại Hàn và Giám học Lê Cự Đình ở Thư viện Việt Hoa (thư viện ở đây hiểu là trường học), đặc biệt là Vương Thao - chủ bút Hương Cảng báo - một nhà tân thư nổi tiếng của Trung Quốc trước Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu. Nhờ đó Phạm Phú Thứ đã tiếp nhận “mấy món sách quý”, các tân thư: Bác vật tân biên, Hàng hải kim châm, Khai môi yếu pháp, Tòng chánh di quy, Vạn quốc công pháp.

Không chỉ thụ đắc kiến thức tân thư cho riêng mình, Phạm Phú Thứ còn tổ chức quảng bá tân thư bằng cách “khắc in nhiều để phổ biến rộng” thay cho việc mua sách in từ Trung Quốc vì xa xôi khó khăn và không đủ tiền. Ông viết lời tựa cho những bản tân thư in lại, trong đó đã “gia ý giảng giải” giúp cho người đọc thêm thông hiểu. Có những cuốn tân thư từ khi tiếp nhận được chỉ sau một tháng đã cho in lại ngay vì tính thực dụng của nó, như Khai môi yếu pháp (Phương pháp khai thác mỏ).

Phạm Phú Thứ đã nhấn mạnh giá trị của tân thư. Cuốn Khai môi yếu pháp giúp cho chúng ta tự khai thác mỏ, tránh tình trạng “của cải vật dụng của người nước Sở sao lại phải đợi người Tấn làm thay”, vì việc khai mỏ của Việt Nam lúc bấy giờ là do người Pháp và người Hoa thực hiện. Nhờ có Vạn quốc công pháp (Luật pháp các nước) mà “trong khoảng hai, ba năm qua thương sự đã được tiến hành, ở kinh đô và các cảng biển đã lập sứ quán và thiết lập lãnh sự”.

Từ tân thư đưa đến tân văn, tân học (hội tân học do Phan Châu Trinh lập) hoặc tân thư đã giúp cho “các sĩ phu của nước ta ở đầu thế kỷ này (thế kỷ 20 - NV) giác ngộ mà đứng ra chủ trương phong trào khai trí trị sinh” (Đào Duy Anh). Và, trong đó, người Quảng Nam là người đã mở đầu cho phong trào tân thư ở Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Người Quảng mở đầu phong trào tân thư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO