Từ chuyến đi sứ xa xưa qua tận nước Pháp, Phạm Phú Thứ là người Quảng Nam đầu tiên có may mắn được chụp ảnh và biết đến kỹ thuật nhiếp ảnh. Đây là câu chuyện thú vị về bộ ảnh nhân chủng học người Việt Nam chụp tại Pháp thời bấy giờ.
Ngày 17.1.1839, Viện Hàn lâm khoa học Pháp công bố phát minh của Louis Jacques Daguerre (1787 - 1851), người tìm ra kỹ thuật ghi hình và lưu giữ hình ảnh trên bề mặt kim loại, khởi đầu của kỹ thuật nhiếp ảnh. Phát minh của Daguerre được thế giới công nhận là phát minh siêu phàm, sáng chế vĩ đại, là thành tựu khoa học lớn nhất của nước Pháp ở thế kỷ XIX, bắt đầu cho sự phát triển kỳ diệu của bộ môn nghệ thuật nhiếp ảnh.
1. Ngày 5.6.1862, tại Gia Định, quan đại thần Phan Thanh Giản thay mặt Tự Đức ký Hòa ước Nhâm Tuất với Pháp và Tây Ban Nha, trong đó có điều khoản cắt đất 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ. Đúng một năm sau, mùa hè năm 1863, vua Tự Đức cử sứ đoàn sang Pháp và Tây Ban Nha xin chuộc lại 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ, mà triều đình đã ký nhượng cho Pháp. Đoàn đi sứ khá đông, tổng cộng 65 người, trong đó có những nhân vật chính như Hiệp biện Đại học sĩ Phan Thanh Giản làm chánh sứ, Lại bộ tả tham tri Phạm Phú Thứ làm phó sứ và Thám hoa Án sát tỉnh Quảng Nam Ngụy Khắc Đản làm bồi sứ. Kết quả chuyến đi sứ không thành công.
Gần đây, ông Phạm Phú Cường, cháu 5 đời của cụ Phạm Phú Thứ, đang sống ở Pháp, chia sẻ trên trang facebook cá nhân bức ảnh chân dung Phạm Phú Thứ. Bức ảnh do một người Pháp cất giữ. Ảnh chụp năm khoảng thời gian 1875 - 1880 lúc cụ ra Bắc làm Tổng đốc Hải - An (Hải Dương và Quảng An). Có thể một quân nhân Pháp ngày trước cất giữ khi về lại Pháp. Bức ảnh đẹp và rất thần thái, toát lên một dung mạo cốt cách uy nghiêm. So với ảnh chụp 12 năm trước, khi đi sứ sang Pháp năm 1863 thì bức ảnh chụp vào thời điểm này phẩm phục giản dị hơn. Trên gương mặt in hằn nét mệt mỏi của tuổi già, thoáng một chút buồn nhưng thần thái vẫn toát lên một dung mạo cốt cách uy nghiêm. Đây là một tấm hình tư liệu quý giá, bổ sung vào di sản ảnh tư liệu về nhân vật, danh nhân nổi tiếng của quê hương xứ Quảng.
Điều đáng ghi nhận trong chuyến đi là các ghi chép của các vị quan và bộ ảnh nhân chủng có giá trị tư liệu, lịch sử được để lại cho hậu thế. Lúc đó, Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Paris đang áp dụng công nghệ mới để ghi lại hình ảnh cho mục đích nghiên cứu nhân chủng học. Potteau Philippe Jacques đã chụp ảnh các thành viên của sứ đoàn An Nam với các kiểu tư thế từ đứng, ngồi, chân dung, nhìn ngang, nhìn thẳng. Trên ảnh chân dung của các thành viên sứ đoàn An Nam còn ghi chú rõ các thông tin như tên tuổi, nơi sinh, nghề nghiệp. Trong đó, bức ảnh gây ấn tượng nhất là bức chụp nhiều người, những thành viên chủ chốt trong sứ đoàn, người ngồi giữa là Phan Thanh Giản, Chánh sứ, Kinh lược sứ Nam Kỳ, 68 tuổi, quê Vĩnh Long. Bên tay phải cụ là Ngụy Khắc Đản, Bồi sứ, 48 tuổi, quê Nghệ An. Bên tay trái cụ là Phạm Phú Thứ, Phó sứ, 44 tuổi, quê Quảng Nam. Một bức ảnh tư liệu quý giá nữa chụp đoàn sứ bộ Triều Nguyễn vào yết kiến vua Napoleon III của Pháp tại điện Tuileries ngày 5.11.1863. Trong ảnh, thấy rõ các vị quan mặc phẩm phục, áo mũ theo quy định của quan lại, giới chức triều đình nhà Nguyễn. Phẩm phục chỉnh tề, nổi bật đã làm cho diện mạo, hình thức của các vị khá oai phong, các bức ảnh có giá trị tư liệu và thẩm mỹ cao. Việc cho người chụp ảnh chân dung được làm theo lệnh của Quốc trưởng (hoàng đế Napoleon), bởi vì ông ta muốn xem ảnh của Sứ bộ An Nam trước khi họ diện kiến ở cung điện.
2. Kỹ thuật nhiếp ảnh thời bấy giờ là ảnh được chụp trên mặt kính có tráng chất cảm quang. Phạm Phú Thứ kể lại trong Tây hành Nhật ký: “Trước hết, lấy thuốc bôi vào miếng kính, xong đặt tấm kính vào trong ống kính. Người được chụp đứng trước nhìn vào ống kính, ánh sáng mặt trời lọt vào ống kính làm cho hình người ta in lên tấm kính, tóc tai không sai chút nào... Tục người Tây thích chụp ảnh nhất. Phàm những người mới quen biết nhau thì thích có ảnh của người quen; người trên, kẻ dưới đều như vậy vì người ta nói rằng, làm như vậy để tỏ ra không quên nhau... Tiền công chụp một tấm ảnh nhỏ là một quan, tấm lớn hơn là bốn, năm quan”. Trong nhật ký của Phạm Phú Thứ, ông ghi lại cụ thể các buổi tập trung, việc chuẩn bị áo mũ của từng người để chụp ảnh. Máy chụp ảnh lúc đó khá kềnh càng, thao tác chậm nên mọi người được chụp nhiều lần, mặc đến mấy lượt áo quần, mũ mão mới có được bộ ảnh đúng yêu cầu.
Các thành viên tham gia đoàn đi sứ là những người Việt Nam đầu tiên được tiếp cận với kỹ thuật nhiếp ảnh và được người Pháp chụp hình, để lại những bức ảnh tư liệu giá trị về chân dung, phẩm phục của họ. Nhờ có bộ ảnh quý hiếm chụp trên những tấm kính này mà ngày nay chúng ta có thể biết được nhiều thông tin sứ đoàn Việt Nam đầu tiên sang phương Tây. Các bức ảnh chụp sứ đoàn sau đó được in trên các tạp chí Illustration, tạp chí nghiên cứu Đông Dương và trưng bày ở các bảo tàng trên thế giới như MoMA, Ago, BnF... Những bức ảnh tư liệu lịch sử quý giá về chân dung nhân vật sứ bộ An Nam đều được in ra từ những tấm phim kính này.