Người Quảng Nam đi sứ dưới triều Nguyễn

NGUYỄN DỊ CỔ 02/01/2017 11:11

Ngô Sĩ Liên đã dẫn lời Khổng Tử trong Luận ngữ để viết vào Đại Việt sử ký toàn thư: “Kẻ sĩ lúc bé đi học là muốn biết những điều mình sẽ làm, lớn lên đi làm, là làm những điều mình đã học”. “Học ba trăm bài thơ trong Kinh Thi, đi sứ bốn phương không làm nhục mệnh vua”. Chuyện đi sứ là vô cùng trọng đại. Đất Quảng càng tự hào hơn khi có nhiều người không chỉ học giỏi, làm quan tài cán mà còn được vua tin tưởng giao trọng trách sứ thần và họ đã để lại nhiều thành tựu về mặt lịch sử, ngoại giao, tư tưởng, văn học trong quá khứ.

Đoàn sứ thần Việt Nam tại Paris năm 1863. Ảnh: Internet
Đoàn sứ thần Việt Nam tại Paris năm 1863. Ảnh: Internet

Những “Hoàng hoa” đất Quảng

Danh xưng “Hoàng hoa” chỉ người phụng mệnh đi sứ hay sứ giả. Dưới triều Nguyễn, nhiều danh thần đất Quảng được cử đi sứ và đi giao thiệp với nước ngoài.

Nguyễn Văn Thoại thường gọi là Thoại Ngọc Hầu (1761 - 1829), được thăng Khâm sai Thống binh cai cơ, sang bảo hộ Chân Lạp một thời gian, bắt đầu từ 1802. Văn bia đình An Hải còn dòng chữ “Khâm sai Thống chế Án thủ Châu Đốc đồn, lãnh Bảo hộ Cao Miên quốc, kiêm quản Hà Tiên trấn biên vụ Nguyễn Văn Thoại”.

Phạm Phú Thứ (1821 - 1882) hai lần đi sứ ra nước ngoài. Lần thứ nhất, ông được lệnh triều đình đi theo hải thuyền đưa viên quan triều Thanh là Ngô Hội Lân về nước (Trung Quốc). Lần thứ hai, sung Phó sứ sang Tây xin chuộc các tỉnh Nam Bộ (1863 - 1864). Nguyễn Thành Ý (1819 - 1897), năm 1877, được sung Chánh khâm phái lãnh đạo đoàn Việt Nam mang hàng hóa, đặc sản sang dự cuộc đấu xảo quốc tế tại Paris. Đến năm 1879, ông lại được chọn làm hướng dẫn viên đưa một số thanh niên sang học Trường Cơ khí Toulon (Pháp).

Nguyễn Thuật (1842 - 1911), năm 1880, được cử làm Chánh sứ sang Trung Quốc nộp biểu xưng thần và vận động ngoại giao về việc triều đình Huế phải ký Hòa ước Giáp Tuất với Pháp. Lê Đĩnh (1847 - 1920) còn gọi là Lê Đình Đỉnh, từng được vua Tự Đức cử làm Chánh sứ sang Hương Cảng (1881) và sau đó đi sứ qua nhiều nước Đông Nam Á như Indonesia, Malaysia, Miến Điện đến Tân Gia Ba (Singapore) năm 1882. Nguyễn Đình Hiến (1872 - 1947), đầu năm 1906, được cử làm thành viên phái đoàn sang Pháp để nghiên cứu về chính trị, văn hóa, phong tục.

Ngoài ra, còn có Lê Vĩnh Khanh (1819 - 1884) được vua cử đi sứ Pháp cùng với Phan Thanh Giản, Phạm Phú Thứ, nhưng xin khước từ với lý do: “Đi sứ Tây thì phải biết tiếng Tây, chớ qua xứ người mà mù chữ nước ngoài sao cho khỏi làm bia cười cho người”. Đây có lẽ cũng là bài học sâu sắc cho mọi thời.

Từ những sở kiến ngoại quốc…

Các nhà Nho đi sứ ra nước ngoài đã ghi chép lại những sở kiến để mở rộng kiến văn cho người trong nước.

Phạm Phú Thứ lúc về có dâng hai tập Tây hành nhật ký và Tây phù thi thảo. Vua xem cảm động và làm một bài thơ, có câu: “Thỏa chí nam nhi khi lịch thiệp, lo thời chưa chắc để tờ không”. Trước đó, trong chuyến công cán ở Trung Quốc, ông còn có tập Đông hành thi lục. Còn Nguyễn Thuật có tác phẩm Vãng Tân nhật ký. Những trước tác này là nguồn sử liệu quan trọng không chỉ đối với các nhà nghiên cứu trong nước mà còn đối với các nhà nghiên cứu nước ngoài như Trung Quốc, Nhật Bản, phương Tây… và lâu nay đã có rất nhiều tài liệu dẫn dụng. Hoặc: “Quan Khoa đạo là Lê Đĩnh từ Hương Cảng về. Vua sắc hỏi rằng ngươi ở Hương Cảng có nghe biết sự gì? Và họ có nói gì đến việc nước ta không? Đĩnh tâu rằng: Người nước Anh đặt quan làm việc, tự có trình hạn, lớn nhỏ đều có chuyên trách. Quân lính thì chọn những người khỏe mạnh, ngày càng huấn luyện thêm về phép đánh trận, phép bắn súng và chia phái đi tuần phòng. Còn hết thảy công việc do quan thuê người làm, không bắt lính làm”.

… Đến những tư tưởng cách tân

Không chỉ “Hoàng trình bất nhục sứ mệnh”, các đại thần đất Quảng còn hình thành những tư tưởng canh tân sau khi đi sứ, liên tiếp dâng sớ lên triều đình đề nghị đổi mới. Biểu tấu của Lê Đĩnh trình lên Tự Đức có đoạn: “Các nước Thái Tây mà phú cường là cốt ở việc binh và việc buôn bán. Lấy buôn bán mà nuôi quân. Gần đây, Nhật Bản theo các nước Thái Tây cho người nước ngoài ra vào buôn bán. Nước ta người dân khôn ngoan, lại lắm sản vật. Nếu theo cách làm của người ta, thì cũng có thể giữ vững được độc lập và chủ quyền quốc gia”.

Nguyễn Thuật khi ở Thiên Tân, gửi tấu về triều đình, kiến nghị nên mua pháo Tây, súng Tây, luyện tập theo cách mới của đội súng Tây; thực hiện việc tiếp thu, học tập khoa học kỹ thuật của phương Tây, tạo ra sức mạnh tự cường để khôi phục và làm cho đất nước trở nên hùng mạnh. Những nội dung này cũng hoàn toàn tương tự với tư tưởng của Phạm Phú Thứ được dâng lên trước đó, thông qua bản tấu Tuân phê điều trần túc binh dụ tài cường ư nội trị các khoản (Tuân phụng châu phê: điều trần các khoản đầy đủ binh bị, dồi dào tài nguyên, tăng cường việc nội trị). Để mở rộng kiến thức nhằm phục vụ cho mục đích canh tân, các vị Hoàng hoa lúc đi sứ đã lưu tâm mua rất nhiều sách ở nước ngoài, mang về nước khắc in trở lại: Khai môi yếu pháp (Phương pháp khai thác mỏ), Bác vật tân biên (Sách khảo về các môn khoa học tự nhiên), Hàng hải kim châm (Kỹ thuật đi biển), Vạn quốc công pháp (Công pháp các nước)… từ đề nghị của Phạm Phú Thứ; Sử giám toát thư - “sách do sứ thần đi Thiên Tân là Nguyễn Thuật mua về cung tiến, cho là sách này lược chép chính trị hưng vong, được mất, giản dị mà không sót, người đọc dễ nhớ, (…), phó cho in khắc để công truyền”.

Đặc biệt, công trạng “hoàng hoa” của các sứ thần đất Quảng được vua và triều thần đương thời đánh giá cao. Như năm Tự Đức thứ 34 (1881), lúc Phạm Phú Thứ mất, tỉnh thần tâu lên, vua thương tiếc dụ rằng: “Phú Thứ kinh lịch nhiều khó nhọc, đi đông sang tây, dẫu yếu đuối cũng vâng mệnh không dám từ chối, (…), sắc cho địa phương tới tế 1 tuần”. Trong thời gian Nguyễn Thuật đi sứ Trung Quốc, Tri phủ Trần Quân Bình đã mến tặng ông “Tần bưu thiếp” (các tấm thiếp/thiệp in rập theo văn bia) và bút tích của Tô Đông Pha, Tần Quán, bày tỏ ý rằng: “Trước đó chưa gặp qua người Việt Nam, bây giờ mới biết Việt Nam thực là quốc gia “văn nhã chi bang”, cử đến Trung Quốc đều là những sứ thần có tài năng, thông hiểu”.

NGUYỄN DỊ CỔ

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Người Quảng Nam đi sứ dưới triều Nguyễn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO