Người Quảng Nam đỗ tiến sĩ võ

NGUYỄN DỊ CỔ 22/01/2017 08:43

Đất Quảng Nam không chỉ nổi tiếng khoa bảng về đường văn mà còn cả đường võ. Hơn thế, sánh ngang với văn nghiệp, người Quảng Nam cũng đã đỗ tiến sĩ võ cử. Càng tự hào hơn khi có người đỗ tiến sĩ võ trong khoa thi võ tiến sĩ đầu tiên của triều Nguyễn và đỗ vị trí cao nhất trong lịch sử võ cử của triều đại phong kiến này.

 Thác bản 2 tấm bia Võ miếu (Huế) có đề tên Võ Văn Đức (trái) và Phạm Học (phải).
Thác bản 2 tấm bia Võ miếu (Huế) có đề tên Võ Văn Đức (trái) và Phạm Học (phải).

Việc tuyển lính và thi võ nghệ từ thời Lê sơ trở về trước rất đơn giản, chưa đặt ra các trường học và chưa tổ chức thi theo chương trình. Theo sử liệu, có thể lấy thời điểm năm Thiên Phú thứ 7 (986) thời Lê Đại Hành là cột mốc về sự việc này, với thông tin “chọn trong dân, lấy những người nào trai tráng khỏe mạnh, biết võ nghệ sung vào quân ngũ”. Năm Bảo Thái thứ 4 (1723), triều Lê Trung hưng bắt đầu bàn định mở khoa thi võ, cứ 3 năm mở một kỳ như lệ bên văn khoa, gồm 2 cấp: Sở cử (cấp các trấn) và Bác cử (cấp kinh đô). Năm 1723, tổ chức kỳ thi Sở cử, là kỳ thi võ đầu tiên ở nước ta. Năm 1724, bắt đầu tổ chức kỳ thi Bác cử để chọn đỗ “tiến sĩ” võ với các danh xưng Tạo sĩ, Đồng tạo sĩ. Theo đó, dưới thời Lê, tổ chức được 19 khoa thi từ năm 1724 đến năm 1785, lấy đỗ 199 người, gồm 59 tạo sĩ và 140 đồng tạo sĩ. Đến thời Nguyễn, vua Minh Mạng từ năm 1837 cũng đã định ra “phép thi võ cử”, gồm khoa thi Hương (các năm Dần, Tỵ, Thân, Hợi) và thi Hội (Tý, Mão, Ngọ, Dậu). Các đời vua Thiệu Trị, Tự Đức tiếp tục điều chỉnh và ban hành quy định mới về việc tổ chức võ cử. Năm 1865, lần đầu tiên nhà Nguyễn tổ chức khoa thi Hội lấy đỗ võ tiến sĩ. Triều đại này đã tổ chức được 8 kỳ thi Hương, bắt đầu từ năm Thiệu Trị thứ 5 (1845) đến Tự Đức thứ 32 (1879) để chọn đỗ Võ cử nhân hơn 200 người; 7 kỳ thi Hội dưới thời Tự Đức từ năm 1865 đến 1880 đã lấy đỗ 10 Võ tiến sĩ và 110 Võ phó bảng. Đặc biệt, triều Nguyễn đã dựng 2 văn bia đề tên người đỗ thi võ ở 2 bên tả hữu trước sân Võ miếu.

Người đỗ tiến sĩ võ đầu tiên và đỗ cao nhất dưới thời Nguyễn là Võ Văn Đức, người Quảng Nam. Theo tấm bia tiến sĩ võ dựng bên trái Võ miếu, Võ Văn Đức đỗ Đệ nhị giáp Võ tiến sĩ xuất thân trong khoa thi năm 1865. Tấm bia này còn cho biết, Võ Văn Đức sinh năm Tân Mão (1831), người xã Nông Sơn, tổng An Thới Thượng, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam (nay là làng Nông Sơn, xã Điện Phước, thị xã Điện Bàn). Năm Tự Đức thứ 8 (1855), Võ Văn Đức đỗ Võ cử nhân, 35 tuổi đỗ Hội nguyên. Trước khi đỗ tiến sĩ võ, ông đang thụ chức Chánh đội trưởng suất đội thất đội thuộc hữu cơ tỉnh Bình Định. Thông tin về khoa thi của ông được sách Đại Nam thực lục chép: “Sai Đô thống Trung quân, kiêm Chưởng Tiền quân, Tả quân là Đoàn Thọ và Tả Tham tri bộ Lại là Phạm Phú Thứ sung làm Võ Giám thí đại thần. Cho Võ Văn Đức (nguyên Võ hội nguyên) đỗ Đệ nhị giáp Võ tiến sĩ xuất thân và Võ Văn Lương (nguyên thứ trúng cách) đỗ Đệ tam giáp đồng Võ tiến sĩ xuất thân. Lại lấy đỗ Võ phó bảng 6 tên: Đặng Văn Tú, Hà Văn Mão, Phan Văn Quát, Lê Khắc Đoài, Nguyễn Đăng Đính và Đỗ Văn Chiếu. Khoa thi Võ tiến sĩ bắt đầu từ đấy”. Phạm Phú Thứ, trong Giá Viên toàn tập cũng cho biết, ông đã làm câu đối chúc mừng cho Võ Văn Đức được đỗ Hoàng giáp trong Võ khoa hội thí và Võ Văn Đức sau được thăng chức Phó Lãnh binh Hải Dương. Phó Lãnh binh là chức quan võ phò tá cho Lãnh binh trông coi việc quân sự ở các tỉnh dưới triều Nguyễn, hàm tòng tam phẩm.

Người Quảng Nam thứ 2 đỗ tiến sĩ võ là Phạm Học. Văn bia dựng ở bên phải Võ miếu gộp ghi tên 8 Võ tiến sĩ trong 2 khoa thi Tự Đức thứ 21 và 22 (1868, 1869). Theo đó, thông tin về Phạm Học, sinh năm Kỷ Mão (1819), người xã La Qua, tổng Hạ Nông Trung, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam (thuộc thị trấn Vĩnh Điện hiện nay). Năm Tự Đức 11 (1858) thi Võ kinh đỗ tam trường. Hiện thụ chức Đội trưởng võ sinh vệ ngũ đội tại kinh đô. Năm mươi tuổi thi Hội đỗ thứ 5 hạng trúng cách. Thi Đình đỗ Đệ tam giáp đồng Võ tiến sĩ xuất thân khoa Mậu Thìn năm Tự Đức 21 (1868). Sách Đại Nam thực lục đã ghi chép về khoa thi này: “Thi phúc hạch ban võ. Sai Thượng thư bộ Lễ là Phan Huy Vịnh, Thống chế là Lê Sĩ sung làm giám thí, cho lũ Nguyễn Văn Vận 5 người làm Tiến sĩ xuất thân và Đồng tiến sĩ xuất thân ban võ có bậc, lại lấy võ Phó bảng 20 tên (võ Tiến sĩ: Nguyễn Văn Vận; Đồng võ tiến sĩ: Phạm Học, Nguyễn Văn Tứ, Dương Viết Thiệu, Đỗ Văn Kiệt; võ Phó bảng: Trần Duy Trung, Nguyễn Hữu Cử, Trần Văn Khuyến, Hồ Văn Thử, Hồ Văn Đông, Trương Duy Nhượng, Hồ Văn Thử, Trần Đình Y, Hoàng Đình Mậu, Phan Văn Trạch, Võ Văn Vĩnh, Trần Văn Thi, Hồ Văn Tri, Phan Sĩ Ban, Phí Văn Thịnh, Nguyễn Duy Hồ, Nguyên Tuế, Phan Viết Cân, Lê Văn Hướng, Nguyễn Văn Huấn, Lê Văn Trạc)”.

Những người này thi Đình từ giữa tháng 5 âm lịch. Nội dung thi gồm 3 trường: Trường nhất thi xách vật nặng (2 tay 2 khối 100 cân, 1 tay 1 khối 100 cân); trường nhì thi côn quyền, múa kiếm, lăn khiên; trường ba thi bắn súng điểu thương (3 phát). Đều phân thành các hạng tùy theo thành tích đạt được: ưu, bình, thứ, liệt. Ví dụ: bắn trúng đích cả 3, hoặc trúng đích 2 trúng khuyên 1, hoặc trúng đích 1 trúng khuyên 2, hoặc trúng khuyên 3 là hạng ưu của môn bắn súng. Đến mùng 1 tháng 6 gọi loa, treo bảng; ngày mùng 2 ăn yến, xem hoa; ngày mùng 6 dẫn vào ra mắt vua. Sau đó họ được bổ chức quan mới theo định lệ: “Bên võ hàm tòng ngũ phẩm, thi đỗ nhất giáp, nhất danh, bổ phó lãnh binh, thự lãnh binh; trúng nhị danh, bổ quản cơ, thự phó lãnh binh; trúng tam danh, bổ phó quản cơ, thự quản cơ. Đỗ nhị giáp, bổ phó quản cơ. Đỗ tam giáp, bổ Cấm binh cai đội, thự phó quản cơ. Đỗ phó bảng bổ thụ cũng như trúng tam giáp, được đầy năm bổ thự phó quản cơ” (Đại Nam thực lục).

Địa linh sinh nhân kiệt. Chính vùng đất có vị trí địa - chính trị, địa - quân sự của Quảng Nam mà đã hun đúc, đào luyện nên biết bao vị tướng tài ba trong các triều đại trước như Trần Quang Diệu, Nguyễn Văn Trương (Phúc tướng, Khai quốc công thần), Nguyễn Văn Thoại, Ông Ích Khiêm…, sản sinh một Quảng Nam võ đạo với các “nghệ thuật” roi Thu Bồn, roi Nghi Trung, Hải Vân quyền, Vĩnh Trinh quyền, Cẩm Lậu quyền, Duy Châu quyền, Đà Bàn quyền, Sơn Ấn quyền, Mỹ Lược song đoản đao, Thanh Châu song kiếm vọng nguyệt, Bảo An độc kiếm du, La Tháp truy mệnh thương, Ngũ Hành lưỡng thiết côn, đao Nghi Hạ, Cẩm Hà song câu, La Qua song thủ, Tiên Sa xuyên tâm bút, Trà My thiết ô du, Trà My mê hồn tiêu… Đó còn là nền tảng tạo nên truyền thống “trung dũng, kiên cường” trong các cuộc kháng chiến vệ quốc của người Quảng Nam.

NGUYỄN DỊ CỔ

(1) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Người Quảng Nam đỗ tiến sĩ võ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO