Có câu slogan ở vùng đất được cho là năng động của miền Đông Nam Bộ “Thành phố mới Bình Dương - điểm đến cho tất cả”. Hay cỡ nào, mời gọi cỡ nào chưa nói tới nhưng ở đây đúng là đa vùng miền, đa quốc gia thật. Trong rất nhiều người con xa xứ đến Bình Dương mưu sinh có cộng đồng người Quảng Nam. Và họ, với tính hào sảng, chân chất vốn có, lại tiếp tục… dễ thương ở quê hương thứ hai này.
Tôi người Huế, lại là thân hữu với một nhóm người Quảng Nam. Đều là người miền Trung xa quê nên dễ cảm thông nhau chăng? Đều là người thích văn chương chữ nghĩa nên “ngồi lâu với nhau được” chăng? Có lẽ thế nên hơi lâu không gặp là thấy thiếu, vắng, nhớ!
Từ lâu rồi, tôi muốn viết cái gì đó về họ, những người Quảng Nam mà tôi duyên may gặp được và thân thiết. Vậy rồi công việc cứ cuốn đi. Nay mới dứt khoát kể chuyện để ngày xuân họp mặt có cái mà… thưa cùng Hội đồng hương Quảng Nam ở Bình Dương vậy. Ở hội họp mặt đầu xuân thường niên, có gần 300 bà con người Quảng Nam tham dự. Và mọi người thay phiên nhau, chờ đợi nhau để… đọc thơ. Tôi nhớ năm ngoái, có một vị cao niên được… ưu tiên đọc thơ trước. Ông “chào sân” rất ấn tượng rằng: “Người ta núa (nói) nếu đổi thơ thành gộ (gạo) thì người Quảng Nam không bao giờ đúa (đói). Bởi, ai cũng biết mần thơ. Tui cũng rứa. Sau đây tôi xin đọc… chùm thơ như thế này”… Cả hội trường vỗ tay vang dội cho cái vụ “đem thơ đổi gạo” của ông.
Hội đồng hương người Quảng Bình Dương trao học bổng cho học sinh giỏi Quảng Nam. |
Người mà tôi muốn nói đến ở đây là ông Nguyễn Hiếu Học, quê Điện Ngọc, Điện Bàn. Ông hiện là hội viên Hội Văn học dân gian Việt Nam, hội viên Hội Lịch sử Việt Nam. Giờ ông vẫn nói rặt giọng Quảng Nam dù ông xa quê đã lâu và có hơn nửa thế kỷ sống ở Bình Dương. Hay một điều, người gợi ý cho ông Hiếu Học về Bình Dương là Bùi Giáng - một nhà thơ kỳ tài người Duy Xuyên. Đó là khoảng thời gian những năm 1960 - 1962, Bùi Giáng ưa lang thang về miền Đông Nam Bộ. Ông Hiếu Học kể: “Tôi ngưỡng mộ Bùi tiên sinh và tự hào là người đồng hương với thi sĩ nên rất hay gặp nhau trước đó, khi ở Sài Gòn. Có lần Bùi Giáng hỏi tôi có biết Bình Dương - Sông Bé không, tôi nói chưa biết. Ông nói hay lắm, lên đó chơi đi”. Không ngờ chuyến đi chơi đó là cơ duyên để sau này ông Hiếu Học chọn Bình Dương làm quê hương thứ hai. Ông Hiếu Học cưới vợ người Bình Dương rồi dạy học, đọc và viết sách miệt mài. Tủ sách nhà ông có hầu hết những quyển về “đất và người Quảng Nam”. Vậy cũng đủ hiểu tấm lòng của ông đối với quê nhà luôn sâu đậm như thế nào. Bùi thi sĩ sau đó có về nhà ông Hiếu Học chơi, tặng nhiều sách cho ông trong đó có tập “Mưa nguồn” xuất bản năm 1962 mà đến nay ông Hiếu Học vẫn trân trọng cất giữ.
Người Quảng Nam ở Bình Dương cũng lắm tài hoa. Thơ phú giỏi mà âm nhạc cũng hay. Nhà thơ - nhạc sĩ Phú Xuân là một người như thế. Ông quê ở xã Tam Xuân 1, Núi Thành. Trong kỷ niệm sinh nhật lần thứ 80 vừa qua, ông đã tổ chức buổi lễ giới thiệu tác giả - tác phẩm cùng đông đảo thân hữu. Ông hiện là hội viên Hội Văn học nghệ thuật Bình Dương, Hội viên Câu lạc bộ Sáng tác ca khúc Bình Dương. Ông đã xuất bản nhiều tập thơ, nhạc như: Nỗi niềm, Một khúc ca dao, Một thời để nhớ, Tiếng chiều ngân xa… Một con người thơ - nhạc như thế chắc chắn có một “miền nhớ” cho quê nhà: Hội An ơi/ Chùa Cầu thương nhớ/ Cho ta về tìm lại tuổi thơ/ Ta muốn gửi em/ Nỗi niềm sâu lắng/ Có cánh buồm nào chở tới em không (Trở về Hội An). Và, bài hát của ông trong “vai trò” nhạc sĩ xa quê cũng được bạn bè hát lên mỗi lần hội ngộ: “Ta yêu đất Quảng quê ta/ Xanh xanh biển thắm An Hòa/ Mây vương bốn mùa Trà Kiệu/ Sông Thu khúc hát tình ca… (Đất Quảng quê ta - nhạc Phú Xuân)…
Hội đồng hương Quảng Nam ở Bình Dương được thành lập hơn 10 năm nay. Trưởng ban liên lạc trước đây do ông Trần Quang Minh (tức Lê Tuệ), quê quán Điện Hồng, Điện Bàn, nguyên Giám đốc Công an tỉnh Sông Bé (Bình Dương) đảm nhiệm. Tiếp đó là ông Trần Quế Lộc, quê Bình Định, Thăng Bình, nguyên Giám đốc Bảo Việt Bình Dương làm Trưởng ban liên lạc. Mỗi năm, Ban liên lạc tặng quà, học bổng, thăm hỏi nhau khi hữu sự với số tiền hơn 50 triệu đồng. |
Đó là những người nói mãi không hết chuyện cùng tôi về văn chương thơ phú, về miền Trung thân thương. Người Quảng Nam ở Bình Dương còn nhiều người thành đạt nhưng vẫn “giữ chất Quảng” tức bình dân, chân chất theo kiểu “gặp là thương mến liền”. Đó là ông Trần Quế Lộc - nguyên Giám đốc Bảo Việt Bình Dương, ông Lê Hồng Thanh - Chánh Thanh tra Sở Tài chính Bình Dương… Còn nhiều người thành đạt khác nữa, và ở họ luôn ấm áp tấm lòng đối với người đồng hương. Như bà Lê Thị Song Linh - cán bộ Bảo Việt Bình Dương đã nghỉ hưu hiện tích cực hoạt động trong các tổ chức từ thiện, tham gia gia đình Phật tử chùa Hội Khánh, Bình Dương. Bà luôn là người quan tâm tới con em của Hội đồng hương Quảng Nam ở Bình Dương. Mỗi lần họp mặt, bà Song Linh lại ưu tiên đãi món ẩm thực nổi tiếng của quê mình: Mỳ Quảng. Nói không ngoa, mỗi năm mới được ăn cho đã đời bữa mỳ Quảng chính hiệu là dịp này đây…
Họp mặt đầu năm và tặng học bổng cho con em người Quảng ở Bình Dương là một trong những chương trình ý nghĩa của Hội đồng hương Quảng Nam. Trong dịp họp mặt này, ông Hiếu Học có nhiệm vụ cập nhật thông tin về Quảng Nam xưa và nay để mọi người cùng biết, cùng hướng về quê hương bản quán. “Là một người thuộc thế hệ đi trước, tôi có nhiệm vụ truyền đạt lại cho con cháu Quảng Nam biết mà tự hào về quê hương của mình. Dù ở đâu, làm gì, người Quảng Nam cũng phải luôn hào sảng, khí khái và nhân hậu, đó là điều tôi muốn nói tới” - ông Hiếu Học chia sẻ.
QUỲNH NHƯ