Thắng lợi to lớn tại mặt trận Đà Nẵng trong cuộc chiến tranh vệ quốc (1858-1860), có sự đóng góp lớn của quân dân địa phương và tinh thần trách nhiệm trước vận mệnh lịch sử của kẻ sĩ xứ Quảng.
Nghĩa trủng Hòa Vang, nơi an nghỉ của 1.056 nghĩa sỹ hy sinh trong cuộc chiến tranh vệ quốc tại mặt trận Đà Nẵng (1858-1860).Ảnh: N.V.M |
Sát cánh cùng quân đội triều đình
Khi liên quân Pháp - Tây Ban Nha nổ súng tấn công tại cửa biển Đà Nẵng vào ngày 1.9.1858, người dân nơi đây lập tức truyền tin cho nhau về sự biến: “Tai nghe súng nổ cái đùng/ Tàu Tây đã lại Vũng Thùng anh ơi!” và họ đã sát cánh cùng quân đội triều đình chống giặc ngay từ những ngày đầu của cuộc chiến.
Bấy giờ, bên cạnh quân triều đình là một lực lượng đông đảo quân thường trực của Quảng Nam được điều ra mặt trận Đà Nẵng. Số biền binh mãn hạn của tỉnh gồm 2.070 người cũng được gọi tái ngũ ngay. Không những thế, liền ngay khi vua Tự Đức có chỉ dụ kêu gọi hiến kế hoặc chiêu mộ dân binh đánh giặc thì số lượng dân đinh Quảng Nam gia nhập vào các đội quân nghĩa dũng ngày càng đông.
Khi liên quân Pháp - Tây Ban Nha nổ súng xâm lược Việt Nam tại Đà Nẵng thì lập tức quân dân Quảng Nam là những người trực tiếp có mặt sớm nhất bên cạnh quân đội triều đình đánh giặc và đã đóng góp trong suốt cuộc chiến. Suốt 18 tháng 22 ngày vẫn bị cầm chân tại chỗ, không thể tiến đánh tỉnh thành Quảng Nam, càng không vượt được đèo Hải Vân để đánh ra Huế, địch buộc phải rút toàn bộ quân khỏi mặt trận này. |
Theo tài liệu của ông Trần Ngọc Chương, hưu quan Phạm Gia Vĩnh là người có vai trò quan trọng trong việc mộ quân. Ông này quê làng Mỹ Thị, huyện Hòa Vang (nay thuộc phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn), từng giữ chức Đề đốc ở huyện Hà Đông, nhiều lần dâng sớ lên triều đình đề nghị sửa đổi cách cai trị, bị giáng chức bèn lui về tư thất ở làng Thạnh Mỹ mộ dân nghèo lập đồn điền ở Tú Chàng (nay thuộc huyện Phú Ninh). Tại đây ông đứng ra tổ chức cho khoảng 400 dân đinh hình thành cơ ngũ, phiên chế theo 5 thôn, mỗi thôn có một cai thôn quản lĩnh 80 lính. Toàn bộ đội quân này do ông làm Quản cơ kéo ra mặt trận Đà Nẵng chiến đấu.
Quân nghĩa dũng Quảng Nam tham chiến đông đến mức viên tổng chỉ huy liên quân Pháp – Tây Ban Nha là Rigault de Genouilly cho rằng, “dân quân gồm toàn những người lành mạnh trong dân chúng”.
Dâng sớ, hiến kế đánh giặc
Trong nội dung văn bia Phạm Phú Thứ, tiến sĩ Nguyễn Tư Giản cho biết, năm Tự Đức thứ 11 Phạm Phú Thứ được về Kinh nhậm chức Thự Hàn lâm viện Thị độc học sĩ, tham biện Nội các sự vụ, “Thế rồi binh thuyền Pháp xâm phạm cửa biển Đà Nẵng, ông dâng sớ xin cho các vị quan là người Quảng Nam làm quan tại Kinh đều trở về quê chiêu mộ binh dũng chống giặc”, nhưng không được vua Tự Đức chấp thuận. Năm sau (1859), sau chuyến về quê cải táng mộ cha, Phạm Phú Thứ lại dâng tấu “tâu xin các việc: đắp đê khơi sông và tuần phòng huấn luyện ở Quảng Nam” nhằm an dân và phòng thủ bảo vệ vùng hậu phương để dồn sức cho chiến trường ở Đà Nẵng.
Lại có một người Quảng Nam là cử nhân Phan Văn Xưởng, tuy đang bị an trí ở Thái Nguyên nhưng đã có mặt và giữ vai trò quan trọng trong đoàn quân nghĩa dũng do Đốc học tỉnh Nam Định là Hoàng giáp Phạm Văn Nghị chiêu mộ. Đoàn quân này có 365 người gồm văn thân, nho sĩ, dân đinh, trong đó có 5 cử nhân, 8 tú tài, phiên thành 7 đội ghép thành 3 đạo do Phan Văn Xưởng coi tiền đạo, Đặng Ngọc Cầu coi hậu đạo, Phạm Văn Nghị coi trung đạo và chỉ huy chung. Qua tìm hiểu các nguồn sử liệu chúng tôi biết được Phan Văn Xưởng người làng Khánh Thọ Đông (nay thuộc xã Tam Thái, huyện Phú Ninh), làm quan trải các chức Ngự sử, Chưởng ấn Cấp sự trung ở Lễ khoa, rồi được thăng chức Án sát tỉnh Biên Hòa. Trong thời gian giữ chức Ngự sử ông nhiều lần đàn hặc một số quan có việc làm sai trái, cũng nhiều lần dâng sớ tâu bày ý kiến, nhưng không ít lần không được lòng nhà vua, đến khi làm Án sát thì bị quy tội phải sung quân rồi bị đưa đi an trí. Khi đoàn quân nghĩa dũng của các ông đến Huế thì quân Pháp đã rút khỏi Đà Nẵng. Các ông lại xin đưa đoàn quân này vào thẳng Gia Định đánh giặc, nhưng vua Tự Đức không cho đi tiếp. Mặc dù vậy, nhà vua cũng ban dụ khen ngợi: “Nay nghĩ trong lúc bờ biển có giặc, bọn họ mới nghe có chiếu chỉ đã hăm hở làm theo việc nghĩa, hăng hái diệt thù. Tuy số quân không nhiều, lại chưa có công đánh giặc, nhưng có lòng diệt địch, thật đáng khen”.
Tư liệu lịch sử địa phương còn cho biết bấy giờ ở Hòa Vang có tú tài Lâm Hữu Chánh, người làng Cẩm Toại (nay thuộc xã Hòa Phong) làm quan đến chức Tri huyện huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương, khi chiến đấu ở mặt trận Đà Nẵng ông chỉ huy một đội quân và được giao giữ đồn Cẩm Khê, sau đó ông lại tiếp tục vào Nam đánh Pháp, và ông Ông Ích Khiêm cũng có mặt tại mặt trận này, có công trong việc củng cố các đồn lũy, cùng với những giai thoại về mưu kế đánh giặc của ông.
Nghĩa cử với tướng sĩ trận vong
Cuộc chiến đi qua, quan dân Quảng Nam lại lo nơi yên nghĩ lâu dài cho những người vì nước hy sinh bằng việc quy tập hài cốt của họ ở các nơi từng là sa trường chiến địa về các nghĩa trủng được lập nên ở các làng Phước Ninh, Nam Ô, Nghi An (nghĩa trủng này về sau dời đến phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ hiện nay).
Văn bia nghĩa trủng Phước Ninh mở đầu bằng việc đặt vấn đề giữa nghĩa và lợi: “Phàm mọi việc trên đời, chỉ có nghĩa và lợi mà thôi! Người quân tử chỉ nghĩ đến nghĩa và hăng hái làm việc thiện, dù cho việc ấy nhỏ đến mấy cũng không bỏ qua. Kẻ tiểu nhân chỉ nghĩ đến lợi mà nhát làm việc thiện, hễ thấy gì có lợi cho mình thì dù lợi ấy nhỏ đến mức độ nào cũng đem lòng ham muốn và quyết tâm làm cho kỳ được”. Cũng theo nội dung văn bia này thì “Nơi này trước đây là sa trường chiến địa, thành đổ quách xiêu. Ngày vắng quạnh hiu, gò hoang mả loạn; gió hú thê lương, đêm thâm não ruột; nào đâu hương thơm, ai người cúng giỗ. Hoặc giả không người thân thuộc, biết lấy ai vùi dập nắm xương tàn nơi chín suối, hoặc giả quê hương xa cách, biết lấy ai vẫy gọi hồn thiêng ngoài vạn dặm. Lúc đóm lân tinh, thâu đêm buồn khóc; hồn hoang phách lạc, gào thét năm canh. Thảm thiết dường nào! Đau thương biết mấy!” (nhà giáo Nguyễn Đình Thảng dịch). Đồng thời văn bia cho biết công việc quy tập đã bàn định từ sớm, đến khi ông Chánh thương biện hải phòng tỉnh Quảng Nam là Nguyễn Đạo Trai và ông Phó lãnh binh Trương Công Hậu đứng ra xuất tiền của, chọn địa điểm và tiếp tục vận động thì tướng sĩ dưới trướng đều vâng mệnh và “các bậc thân hào, các nhà phú thương cùng nhau góp của tiền giúp vào việc nghĩa” xây dựng nên khu nghĩa trủng này. Hai vị Phó Quản cơ Nguyễn Lân và Hiệp quản Nguyễn Đề được phái đến cùng với quân lính đi tìm khắp các nơi từng xảy ra chiến trận để thu nhặt hài cốt tản mát đó đây, rồi dùng giấy, vải gói lại đặt vào quan quách đưa về chung một khu vực, chôn cất thành nhiều lớp, có hơn 1.500 nấm mộ theo hướng Đông Nam - Tây Bắc, chung quanh xây thành đất bao bọc. Công việc tiến hành trong 3 tháng thì hoàn tất. Nghĩa trủng Phước Ninh tọa lạc tại một vị trí đẹp, được văn bia ghi nhận là có thế “tả thanh long, hữu bạch hổ”: ở phía trái có sóng nước biển khơi, lại có núi Sơn Trà mường tượng như dáng rồng xanh; ở phía phải có rừng cây lớn nhấp nhô và núi Phước Tường tựa như hình hổ trắng. Sau khi công việc hoàn thành, ông Nguyễn Đạo Trai lại tâu xin triều đình mua hai mẫu ruộng giao cho xã Phước Ninh canh quản để chi dùng vào việc tế tự hằng năm, được triều đình chấp nhận và ban khen. Về sau này, khi xây dựng Nhà thi đấu Nguyễn Tri Phương, thành phố Đà Nẵng có chủ trương chuyển toàn bộ mộ các nghĩa sĩ đến Gò Cao ở xã Hòa Khương, riêng 2 ngôi mộ của 2 vị tướng vẫn còn lại trước sân Nhà thi đấu. Đến khi làm đường Nguyễn Văn Linh nối dài đến Cầu Rồng, Nhà thi đấu bị dỡ bỏ, 2 ngôi mộ của 2 vị tướng chuyển đến Nghĩa trủng Hòa Vang. Hiện tại khu vực này chỉ còn lại một nhà bia tưởng niệm ở góc đường Nguyễn Văn Linh - Huỳnh Thúc Kháng.
Nghĩa trủng Hòa Vang được lập lần đầu tiên ở xứ Trủng Bò làng Nghi An (nay thuộc phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ). Khoảng năm 1920, Pháp mở sân bay Đà Nẵng, phải dời nghĩa trủng này đến xứ Trảng Dài làng Khuê Trung. Đến khi quân đội Mỹ mở rộng sân bay về phía nam lại phải dời một lần nữa đến chỗ hiện nay, tại khu đất vuông giới hạn bởi các đường Bình Hòa 9, Trần Thủ Độ, Nguyễn Phong Sắc, Bình Hòa 8, thuộc phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ.
NGÔ VĂN MINH