Người Quảng ở Australia

PHAN HOÀNG - MỤC ĐỒNG 29/01/2014 16:56

(Xuân Giáp Ngọ) - Người Quảng đến Australia (Úc) từ những hoàn cảnh khác nhau nhưng có chung sự chăm chỉ. Nhờ đó, họ đã thích ứng cuộc sống mới và tìm được chỗ đứng trong cộng đồng nơi đây.
Món Quảng

Nhiều người Quảng di cư sang Australia những năm trước 1975 kể, thời mới qua để có một bữa ăn đúng kiểu Quảng Nam là điều không tưởng. Cái cảm giác thèm thuồng đó vẫn không dứt khi mà cộng đồng người Việt và sự phổ biến ẩm thực Việt tại Úc đã rất mạnh. Hiện tại, muốn tìm ra một cái bánh tráng Đại Lộc để được ăn đúng kiểu người Quảng thì cách duy nhất là chia nhau quà trao tay trong cộng đồng người Quảng sau những lần về nước. Loại bánh phổ biến  thay cho bánh tráng bên này là bánh lề của người miền Nam và nó cũng rất thịnh hành với món gỏi cuốn được nhiều người Úc biết đến. Bánh tráng thịt heo không thể thiếu trái chuối chát của miền Trung nhưng ở Úc hầu như không thể tìm thấy món này, nên vẫn thiếu cái vị đặc trưng.

Một món ăn khác mà mọi người đều biết khi nhắc đến Quảng Nam là mỳ Quảng thì ở xứ này cũng rất hiếm. Duy chỉ có một quán tọa lạc trên đường John - một con đường chính của khu buôn bán sầm uất nhất của người Việt tại Cabramatta là có bán mỳ thịt. Đó là một món mỳ Quảng gần như chỉ giống cái tên. “Cũng có thịt, rau sống và một loại phồng tôm thay cho bánh tráng nướng, nhưng nồi nước nhưn không ra cái hương vị Quảng. Lại thêm ở đây không có kiểu mỳ sợi dày có tẩm dầu phụng mà thay vào đó người ta dùng bánh phở. Thế nên, mặc dù được nhiều người khen là ngon nhưng đây đã gần như không còn là bát mỳ của người Quảng đầy mê hoặc”, chị Nguyễn Thu Thảo (người Quảng sống ở Lonsdale street, Melbourn, CBD) nói. Lựa chọn khả dĩ hơn là người Quảng nấu mỳ Quảng tại nhà vào dịp cuối tuần hoặc những ngày nghỉ. Trên thị trường thực phẩm Á châu tại Úc có bán loại viên gia vị tên Mỳ Quảng, được nhiều người mua về và cho vào nồi nhưn khi chế biến, nên dù sao vẫn có chút dư vị quê hương.

Tết, người Quảng rủ nhau đi lễ chùa. Ảnh P.HOÀNG
Tết, người Quảng rủ nhau đi lễ chùa. Ảnh P.HOÀNG

Vì số lượng người Quảng Nam ở Úc không lớn, lại không sống tập trung nên thường thì chỉ có hai hoặc ba gia đình tụ họp vào dịp tết Nguyên đán, Giáng sinh hoặc ngày nghỉ cuối tuần. Những dịp này người Quảng nói riêng cũng như người Việt thường thường quây quần bên nhau để ăn uống, karaoke,... Và quán cà phê Điểm Hẹn (4 Geogre street, Cabramatta) mà chủ quán là người gốc Đại Lộc trở thành địa chỉ thân thuộc nếu muốn được “rổn rảng” với nhau giọng Quảng, tiếng Việt. Tết nguyên đán luôn là ngày lễ quan trọng nhất trong năm của người Việt tại Úc. Ẩm thực cho ngày tết tương đối đầy đủ, cũng có dưa món, thịt heo muối, bánh chưng... Ngày này tại những khu buôn bán vẫn còn nghe tiếng pháo rộn ràng và xác pháo đỏ đầy đường, gợi nhắc tết Việt những năm trước thập niên 90. Tết, người Quảng thường rủ nhau đi chùa hái lộc đầu năm. Hình ảnh Việt đậm nhất ở đây chính là khoảnh khắc giao thừa khi phụ nữ trong sắc áo dài truyền thống cùng chồng con đi lễ đầu năm.

Khu ẩm thực của người Việt.
Khu ẩm thực của người Việt.

Mưu sinh

Ai lần đầu đến Úc đều ngạc nhiên khi nghe có nhiều người Quảng bắt đầu ngày làm việc từ 3 giờ sáng đến 14 giờ chiều, tạm nghỉ đến 17 giờ chiều tiếp tục làm việc đến 23 giờ đêm. Đây là những người thuộc diện sống chui tại Úc. Nếu trở thành công dân của Úc, họ sẽ được nhận nhiều hơn những quyền lợi như trợ cấp xã hội nếu thất nghiệp, phúc lợi xã hội, y tế...

Do hạn chế ngôn ngữ và học vấn nên công việc chủ yếu của người Quảng phần lớn là lao động trong các trang trại, làm nail (thợ sơn móng tay, chân), lóc gà và nhiều công việc chân tay khác. “Đó là những công việc năng nhọc và độc hại nhưng dù sao cũng mang lại thu nhập tương đối cao với khoảng 25AUD/giờ. Tuy nhiên, luật pháp Australia chỉ cho phép tối đa được làm việc không quá 38 giờ/tuần, nên nhiều người Quảng ngoài công việc khai thuế nghĩa là hợp pháp cũng không ngại kiếm thêm việc chui”, anh Hoàng Tài – người Quảng, sống tại Canley Vale road, Fairfied city, NSW nói.

Gặp gỡ trong ngày nghỉ lễ.
Gặp gỡ trong ngày nghỉ lễ.

Một giờ làm chui tại Úc được chủ lao động trả trung bình 9AUD, nếu lấy mốc trung bình 10 giờ một ngày thì quy đổi ra Việt Nam đồng là gần 2 triệu đồng! Một mức thu nhập đáng mơ ước của bất kỳ người lao động nào ở trong nước. Tuy nhiên, thu nhập ấy so với mức chi phí sống tại quận trung tâm như ở Cabramatta là không thật sự sung túc. Bởi vì tại Úc tất cả đều có thể trả góp, từ nhà cửa, xe cộ, thậm chí đến mua một cái máy ảnh. Một ngôi nhà tại khu vực đông người Việt như Fairfield city có giá không dưới 450.000AUD, nếu trả góp dựa trên thu nhập trung bình thì mỗi tháng người dân phải trả khoảng 2.000AUD; nghĩa là khoản nợ này sẽ được hoàn lại trong vòng không dưới 20 năm. Và nếu chỉ cần thất nghiệp trong nửa năm, căn nhà bạn đang ở có thể bị ngân hàng  “kéo” một cách nhanh chóng.

Không ít người Quảng Nam sau một thời gian tích cóp đã gầy dựng được cơ ngơi tương đối vững chắc, một số có trang trại riêng, shop thực phẩm hoặc shop thời trang. Những cơ sở này cũng góp phần tạo công việc cho nhiều du học sinh Việt Nam nhằm trang trải một phần chi phí sống đắt đỏ tại Úc.

Hiện nay người Việt sống chủ yếu tập trung tại ba bang lớn là New South Wales, Melbourn và Queensland. Phần lớn người Quảng ở đây có đời sống kinh tế tương đối ổn định vì bản tính chịu khó, chăm chỉ. Do đó ngoài những chi phí cố định, vẫn có thể dành dụm một khoản không nhỏ gửi về cho người thân ở quê nhà.

PHAN HOÀNG - MỤC ĐỒNG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Người Quảng ở Australia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO