Người Quảng ở xứ dừa

MINH KIỆT 29/03/2014 15:12

“Cứ đi đi rồi sẽ biết! Người Quảng Nam ở xứ dừa Bến Tre sẽ là những đồng hương lạ nhất trong cộng đồng người Quảng Nam ở phía nam đất nước”. Theo lời giới thiệu của ông Lê Tự Quảng - Phó Chủ tịch Hội đồng hương (HĐH) Quảng Nam tại TP.Hồ Chí Minh, tôi về Bến Tre…

Người Quảng gốc... Huế

Cách TP.Hồ Chí Minh khoảng 80km về phía tây, việc về Bến Tre cũng đơn giản hơn so với đi các tỉnh miền Tây khác. Chỉ cần một cuộc điện thoại đặt vé ở hãng xe khách Minh Tâm trên đường Sư Vạn Hạnh, quận 5, bạn sẽ được bác tài tận tình đưa đến nơi mình cần đến. “Đến ấp Bình Thành, xã Bình Phú, TP.Bến Tre, cứ bấm số điện thoại này, Trưởng ban liên lạc đồng hương Quảng Nam - Đà Nẵng tại Bến Tre sẽ đón em!”. Lời dặn dò của ông Quảng khiến tôi tự tin và háo hức lên đường. Ấp Bình Thành đơn sơ và đẹp bằng sự chân chất của mình. Vừa nhìn cảnh vật xung quanh, vừa điện thoại cho Trưởng ban liên lạc đồng hương, tôi giật mình khi nghe ở đầu bên kia là một giọng Huế. Phải hỏi đến lần thứ ba, tôi mới tin là mình đang nói chuyện với Trưởng ban liên lạc đồng hương Quảng Nam - Đà Nẵng tại Bến Tre.

Đồng hương Quảng Nam - Đà Nẵng ở Bến Tre chụp hình lưu niệm tại buổi họp mặt vào cuối năm 2013. Ảnh: MINH KIỆT
Đồng hương Quảng Nam - Đà Nẵng ở Bến Tre chụp hình lưu niệm tại buổi họp mặt vào cuối năm 2013. Ảnh: MINH KIỆT

Chở tôi băng qua những con đường rợp bóng dừa, anh Nguyễn Khoa Chiến cười bảo: “Chắc ngạc nhiên lắm khi nghe giọng Huế chứ chi? Tui chẳng có chút gốc gác nào của Quảng Nam, vợ tui cũng là người Bến Tre chính hiệu, rứa mà lại làm Trưởng ban liên lạc đồng hương Quảng Nam - Đà Nẵng ở đây mới hay!”.

Câu chuyện về anh Nguyễn Khoa Chiến được tiếp nối quanh bếp lửa của chị Nguyễn Thị Biết - vợ anh Chiến: “Ổng người Huế, làm việc ở Đà Nẵng, rồi gặp và yêu con gái miền Tây là tui. Ổng nói ổng thích cái phóng khoáng và hồn nhiên của miền Tây nhưng đặc biệt yêu con người và khí chất Quảng Nam. Đó là điều tôi không bao giờ ghen được trong suốt bao năm sống với ổng. Rồi, nhà tui giờ cũng ăn theo kiểu Quảng chứ có ăn theo kiểu Huế hay Bến Tre gì đâu?”.

Hiện là đại diện thường trú của Báo Thanh Niên tại Bến Tre, anh Nguyễn Khoa Chiến đi khắp các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Lạ một điều là đi đến đâu người đàn ông nói giọng Huế này lại nhận biết người Quảng rất nhanh. “Tui là người Huế nhưng hầu như máu thịt tôi đều thấm đẫm từng mảnh đất và tình người Quảng Nam. Cả thời gian trưởng thành, tôi đi hết huyện xã của Quảng Nam, ăn ở với bà con Quảng nên tui không thể nào không yêu. Và nếu ai đó hỏi quê ở đâu, tui sẽ không ngần ngại mà trả lời: Tui, người Quảng Nam gốc Huế”.

Chính tình yêu Quảng mãnh liệt trong anh đã khiến bà con đồng hương Quảng Nam - Đà Nẵng đang sinh sống tại xứ dừa bầu anh làm Trưởng ban liên lạc đồng hương. Ông Phạm Đạt Nhân - nguyên Trưởng ban liên lạc đồng hương Quảng Nam - Đà Nẵng chia sẻ: “Chiến đi đâu, làm gì cũng cố gắng kết nối tình người Quảng xa xứ với nhau. Nay, tôi vì tuổi già phải chuyển về TP.Hồ Chí Minh ở với con cái, nên mời Chiến làm trưởng ban liên lạc. Mặc dù không phải người Quảng, nhưng tôi biết Chiến sẽ làm tất cả bằng tấm lòng của mình với đồng hương Quảng”.

Chọn đất lành

Nếu làm một sự so sánh về mật độ người Quảng ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ, có lẽ Bến Tre là nơi có ít người Quảng sinh sống và lập nghiệp nhất. Trong khi ở các tỉnh như Đồng Tháp, Bình Phước, Bình Dương số lượng người Quảng di cư đến rất đông thì Bến Tre chỉ có chưa đến 100 hộ. Người Quảng Nam ở Bến Tre chủ yếu thuộc thế hệ 7x và 8x. Bên rổ rau sống đúng chất Quảng gồm cải con, bắp chuối, giá đất, rau húng lưỡi để ăn mỳ Quảng, tôi có dịp nói chuyện với 2 cô gái trẻ đến từ Tam Kỳ và Duy Xuyên là Huỳnh Thị Hoa và Võ Thị Tú. Cùng sinh năm 1988, cùng tốt nghiệp Đại học Bách khoa Đà Nẵng, 2 cô gái bé nhỏ này không chọn TP.Hồ Chí Minh làm nơi khởi nghiệp mà quyết định chọn xứ dừa để bắt đầu cuộc sống mới.

Vẫn giọng nói Quảng Nam đặc sệt, Võ Thị Tú - cô gái quê ở vùng đất cát Duy Nghĩa (Duy Xuyên) chia sẻ: “Tụi em toàn con nhà nghèo, ra trường biết sẽ rất khó xin việc nên quyết định vào phía nam. TP.Hồ Chí Minh đất chật, người đông, chi tiêu lại cao nên em xuống Bến Tre theo lời chỉ dẫn của một người bà con đang sống ở đây. Chỉ trong vòng mấy tháng em đã có công ăn việc làm ổn định. Giờ thì chắc sẽ định cư ở đây rồi!”. Thấy công việc ổn định, môi trường dễ sống, Tú đã gọi điện cho cô bạn thân là Hoa cùng về Bến Tre. Sau một năm, hai bạn trẻ nay đều là cán bộ của Sở Xây dựng tỉnh Bến Tre.

Trong khi đó, niềm đam mê nghề nghiệp cùng với tấm lòng “lương y như từ mẫu” đã giúp bác sĩ trẻ Nguyễn Hữu Hữu giành được sự tin yêu của bà con nơi đây. Hiện là Trưởng khoa Ngoại thần kinh của Bệnh viện Đa khoa Nguyễn Đình Chiểu, anh Hữu luôn tâm niệm phải chăm sóc và yêu thương bệnh nhân như người thân của mình. Không chỉ vậy, anh còn là “người dẫn đường” cho những đồng hương trẻ chân ướt chân ráo đến với vùng đất này. “Thật khó khăn khi bước chân đến một vùng đất xa lạ để khởi nghiệp. Tôi đã từng trải qua điều đó nên tôi biết sự cần thiết biết bao nếu gặp được một đồng hương Quảng hoặc một người tốt bụng sẵn lòng chỉ dẫn cho mình.  Bến Tre là vùng đất hiền hòa, dễ mến, người dân rất thân thiện như người Quảng mình nên ngày càng nhiều người Quảng trẻ đến đây sinh sống và lập nghiệp”.

Bữa tiệc đồng hương hôm ấy ở nhà anh Chiến, tôi nhớ mãi cái bếp lửa đỏ rực than củi của chị Biết vợ anh. Nhớ tô mỳ gạo mới thơm lừng, nhớ khay xôi ngọt bà con nấu đem đến góp vui. Một bữa tiệc đồng hương mà ở đó, bác sĩ, nhà báo, kỹ sư xây dựng… đều cùng xuống bếp lặt rau, ướp thịt gà, và cùng nhau nấu mỳ Quảng. Có một thứ tình thân, tình đồng hương ấm áp và lớn dần lên từ đó!

MINH KIỆT

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Người Quảng ở xứ dừa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO