Người Quảng trên cao nguyên Lâm Đồng - Bài cuối: Xứng danh quê hương đất Quảng

ĐẶNG NAM ĐÔNG 10/07/2013 08:13

Trong những ngày theo bước chân người Quảng xa xứ ở Lâm Đồng, chúng tôi bắt gặp những tên đất, tên làng mang bóng dáng Quảng Nam. Đó là những Thái Phiên, Sào Nam, Tây Hồ, Trường Xuân, Thạnh Mỹ… Chẳng hiểu ai đã đặt tên cho những địa danh này để rồi trường tồn theo năm tháng. Chúng tôi lại càng cảm phục biết bao khí chất Quảng Nam khi sải bước trên con đường mang tên Trần Lê ở thành phố ngàn hoa Đà Lạt - một người con đất Quảng di cư vào cao nguyên Lâm Đồng từ sau năm 1954. Phát huy truyền thống kiên trung bất khuất của quê hương cách mạng Quảng Nam, ông Trần Lê trở thành một trong những chiến sĩ cách mạng kiên cường, giữ nhiều trọng trách trong kháng chiến chống Mỹ và là Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Ghi nhận đóng góp của một người con kiên trung xứ Quảng cho mảnh đất này, tỉnh Lâm Đồng đã trân trọng lấy tên ông đặt cho một con đường.

Ông Hà Phước Toản - Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Lâm Đồng (ngồi giữa) kể chuyện về người Quảng Nam ở Lâm Đồng.
Ông Hà Phước Toản - Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Lâm Đồng (ngồi giữa) kể chuyện về người Quảng Nam ở Lâm Đồng.

Cũng như ông Trần Lê, bao thế hệ người Quảng Nam ở cao nguyên Lâm Đồng đã đổ mồ hôi, công sức và máu xương trên mảnh đất Lâm Đồng để góp phần làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975. Chúng tôi cảm nhận sâu sắc sự hy sinh xương máu ấy khi cùng bà Hà Thị Hồng - một người con đất Điện Bàn đến thăm nhà truyền thống cách mạng của thôn Xuân Sơn, xã Xuân Trường, TP.Đà Lạt. Chỉ một thôn nhỏ này thôi đã có gần 100 liệt sĩ hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ, trong đó hơn hai phần ba là người Quảng. Điều này đồng nghĩa với việc những người con đất Quảng đã đóng góp máu xương làm nên danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân của xã Xuân Trường. Chúng tôi xúc động vô ngần khi chạm mắt vào những tên người có quê xứ Quảng Nam. Những Ông Văn Chiểu, Trần Văn Dạn, Hà Man, Hà Ngọc hay Nguyễn Thị Mai… đều ra đi từ quê xứ Điện Bàn, chiến đấu anh dũng và hy sinh trên mảnh đất này. Đa số họ hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. Có người vĩnh viễn ly biệt gia đình khi chưa kịp nhìn thấy mặt con thơ như trường hợp liệt sĩ Nguyễn Hữu Ngọc, chồng bà Hà Thị Hồng. Ông Ngọc hy sinh trong những ngày đấu tranh giành đất, giành dân sau Hiệp định Paris. Bà Hà Thị Hồng lúc ấy là một cô gái trẻ, cũng hăng say tham gia cách mạng và mang trong mình dòng máu của người chồng đã hy sinh để rồi sau chiến tranh trở thành quả phụ nuôi con thờ chồng. Tự hào thay là những người con đất Quảng, họ không chỉ đến mảnh đất này để tìm kế sinh nhai mà còn lặng lẽ đóng góp máu xương cho đất cao nguyên xanh tươi những mùa cây trái…

Đến Lâm Đồng lần này, chúng tôi đã gặp được những người con đất Quảng trưởng thành trong chiến tranh, phát huy truyền thống tốt đẹp của quê hương trung dũng kiên cường, vượt qua mọi khó khăn thử thách, vươn lên trong cuộc sống kinh tế, đảm đương nhiều vị trí quan trọng trong bộ máy của Đảng, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở… Họ là những bông hoa tươi thắm trong các làng hoa ở Đà Lạt, đóng góp một phần công sức nhỏ bé của mình cùng đồng bào các dân tộc anh em, nêu cao tinh thần đoàn kết cùng chung tay xây dựng cao nguyên Lâm Đồng ngày càng phát triển. Ông Hà Phước Toản - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Lâm Đồng khẳng định: “Người Quảng Nam ở Lâm Đồng dù đảm đương những trọng trách trong bộ máy của Đảng, chính quyền nhưng luôn làm việc với tinh thần vô tư. Tất cả đều tập trung cho việc tạo mối đoàn kết, thống nhất, thực hiện thắng lợi các mục tiêu về kinh tế - xã hội ở quê hương Lâm Đồng này”.

Người Quảng Nam sinh sống, làm việc, học tập trên cao nguyên Lâm Đồng, bằng ý chí và nghị lực của mình đã vươn lên trong cuộc sống, biến những điều không thể trở thành có thể, đem cái cần cù, sáng tạo của mình để làm đẹp cho đời. Và, trong đối nhân xử thế, cộng đồng người Quảng được mọi người quý mến, tin yêu. Nhiều người trở thành tấm gương sáng trong làm ăn kinh tế, hoạt động xã hội, từ thiện, trong việc giữ gìn gia phong nền nếp, đạo lý làm người… để cộng đồng học tập, noi theo.

Cuộc sống luôn đơm hoa kết trái trên những miền đất lành. Người Quảng Nam trên cao nguyên Lâm Đồng từ thế hệ đầu tiên đặt chân đến mảnh đất này cho đến những người đang sống hôm nay luôn tâm niệm như câu thơ ai đó rằng: “Nắng mưa bè bạn cận kề/ Thương người mến đất thành quê hương mình”. Trong hành trình theo chân người Quảng xa xứ ở cao nguyên Lâm Đồng lần này, chúng tôi đã được dự và chung vui niềm hạnh phúc đời người của đôi uyên ương Lê Bảo Chân - Nguyễn Thu Thủy. Bảo Chân là con trai thứ tư của ông Lê Chính, người làng Nông Sơn, xã Điện Phước, huyện Điện Bàn, vào định cư tại huyện Đơn Dương từ năm 1965. Đám cưới đôi bạn trẻ cũng như nhiều cuộc vui hạnh phúc của những người có quê cha đất mẹ Quảng Nam trên cao nguyên Lâm Đồng nói chung và huyện Đơn Dương nói riêng đều là dịp để những người xa xứ gặp nhau trong nghĩa tình quê cũ, nhắc nhớ chuyện xưa và chúc cho lứa đôi trăm năm hạnh phúc, sống có nghĩa có tình, cùng nhau xây dựng cuộc sống ấm no, góp phần tô thắm quê hương thứ hai của mình. Có lẽ đó là giềng mối mà những người xa quê đã gìn giữ được qua năm tháng thời gian đời người.

ĐẶNG NAM ĐÔNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Người Quảng trên cao nguyên Lâm Đồng - Bài cuối: Xứng danh quê hương đất Quảng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO