Người Quảng uống cà phê ở Sài Gòn

MINH KIỆT 10/05/2014 10:00

“Cho xin  cục đá em ơi!”. “Cà phê đen pha phin nghe em”. Dù sống lâu ở Sài Gòn, người Quảng vẫn giữ cách uống cà phê của riêng mình. Riết rồi,  nhiều người Sài Gòn cũng “lây” kiểu uống cà phê Quảng, khi vào quán họ cười gọi: “Cho ly cà phê Quảng Nôm!”.

Cà phê “đá cục”

Không trang trí một bức tranh nào, không một góc ngồi nào lãng mạn nhưng quán cà phê Hương Lê ở đường Bình Giã, quận Tân Bình lại đông nghịt khách mỗi sáng. Chẳng có gì lạ khi ở đó toàn đàn ông ngồi tụm ba tụm bảy  với nhau vừa uống cà phê vừa nói chuyện bóng đá, làm ăn. Điều khác là cà phê ở đây được pha bằng phin và mỗi ly cà phê được chủ quán cho đúng 2 cục đá, nhiều khi quán đông khách quá, chủ quán làm không kịp, khách tự phục vụ mình. Vậy mà chẳng có ai trách móc, chê bai… Đơn giản ở đây, khách được uống cà phê theo cái kiểu Quảng Nam. Cuộc di dân của người Quảng vào Sài Gòn mang theo giọng nói, ẩm thực và rõ nét hơn hết chính là cách uống cà phê. Ly cà phê của người Sài Gòn thường rất to và đá rất nhiều. Người nơi khác đến nhìn thấy ly cà phê của Sài Gòn thường rất “ngợp”. Người Quảng mà uống cà phê kiểu Sài Gòn thường hay nói vui là ăn chè đậu đen. Khẩu vị của người Quảng khi ăn uống thường thích sự đậm đà, nếu là ăn thì phải mặn, cay; nếu uống thì phải thấm từ từ vào môi, lưỡi…

Một góc cà phê “đá cục” ở khu vực Bàu Cát.
Một góc cà phê “đá cục” ở khu vực Bàu Cát.

Vì vậy, người Quảng thích uống cà phê trong cái ly nhỏ, bỏ một cục đá vừa phải để đá tan từ từ và nhấm nháp từng ngụm cà phê đen đặc.

Nhà ở tận đường Nguyễn Sơn, phường Phú Thạnh, quận Tân Phú nhưng sáng nào nhóm bạn của Lê Trung Tự (sinh viên trường Đại học Bách khoa TP.HCM vẫn kéo nhau qua Hương Lê thật sớm để cà phê với nhau rồi mới đi học. “Cái kiểu bưng nguyên ly cà phê to chà bá và quá trời đá mà uống thì không có gì thú vị cả. Uống cà phê phải nhấp từng ngụm cho nó thấm vào lưỡi. Nên cà phê ở đây là lựa chọn số 1 của tụi em. riết hồi chạy loăng quăng cũng phải quay về đây để ngồi. Rồi còn ngồi ở đây thì nói tiếng Quảng nghe sướng cái lỗ tai. Cứ tau mi răng rứa mà phang, không cần phải giả giọng Sài Gòn làm chi cho mệt!” - Lê Trung Tự cười bảo. Hơn 40 năm sống Sài Gòn, cái cách uống cà phê của ông Nguyễn Thế Vinh, 60 tuổi ở đường Võ Thành Trang, phường 11, quận Tân Bình đã “lây” sang bạn bè của ông, thậm chí ngay cả chủ quán người Sài Gòn cũng ghiền cái kiểu uống cà phê của ông ở quán cà phê Mộc Miên.  

Ly cà phê của người Quảng Nam ở Sài Gòn thường rất đậm đặc và chỉ bỏ 2 “cục đá”.
Ly cà phê của người Quảng Nam ở Sài Gòn thường rất đậm đặc và chỉ bỏ 2 “cục đá”.

Văn hóa cà phê

Sài Gòn được mệnh danh là thiên đường của những kiểu cà phê. Ở đó, vào những buổi sáng trời nắng vàng ươm, bạn có thể cùng bạn bè nơi vỉa hè nhâm nhi ly cà phê “bệt” ở gần nhà thờ Đức Bà. Nếu hoài cổ, bạn có thể đến quán Cheo Leo ở đường Nguyễn Thiện Thuật, quận 3, ở đó, người ta uống cà phê được pha trong những chiếc vợt, nước được đun sôi từ cái bếp củi, cà phê được lọc qua 5 lần nước rồi mới uống. Câu chuyện cà phê Sài Gòn luôn chứa đựng những điều kỳ lạ đến mức dù có ở đến vài chục năm chăng nữa, bạn cũng không thể đi hết được những quán “độc, lạ” của thành phố này. Ở Sài Gòn người ta hay uống cà phê rồi bàn công việc luôn. Nhịp sống Sài Gòn tấp nập, ồn ào nhưng cũng có những khoảng không gian dường như yên tĩnh tuyệt đối nếu bạn bước vào Trầm ở 100 Trần Huy Liệu hay ID ở Tú Xương. Có nghĩa là bạn đôi khi chỉ cần bước qua một cánh cửa nhỏ hẹp, bạn sẽ biết thoát ra khỏi những náo nhiệt bằng một không gian đầy hương trầm, chỉ có tiếng nước chảy hoặc tiếng rì rào của những khóm tre vàng…

Có thể nói văn hóa cà phê của Sài Gòn là một bức tranh đầy màu sắc. Tươi vui, nhẹ nhàng, cá tính, dịu dàng, dễ thương… Và cà phê của người Quảng cũng góp phần không nhỏ vào bức tranh nhiều màu sắc đó. Thật dễ dàng để nhận ra những quán cà phê người Quảng ở tại Sài Gòn. Chất liệu để làm nên quán cà phê người Quảng thường là tranh, tre, nứa, lá. Nếu là quán cà phê sân vườn sẽ có vài gốc vừng hoặc gốc si được mang từ Quảng Nam vào. Những bức tranh trang trí trong quán sẽ được ghép từ những viên sỏi hoặc những bức tranh có hình Chùa Cầu, Mỹ Sơn… Có nghĩa là, dù là kinh doanh nhưng từ trong tâm thức, người Quảng Nam luôn muốn dành một góc nào đó cho quê hương. Họ luôn muốn hình ảnh quê nhà hiện diện một cách trang trọng ở nơi họ làm ăn sinh sống.

Chị Trương Thu An - chủ quán cà phê Bằng Lăng ở quận 12 cho biết: “Nhiều người nói nhìn vào quán cà phê của người Quảng Nam là biết liền. Nó có vẻ quê quê, không theo mốt gì cả! Nhưng, nếu ai người Quảng thì thấy thương lắm. Cái góc ngồi nó không cần sang trọng, chỉ cần nhìn hòn non bộ nhỏ là thấy cả một khoảng sân của cha, thấy được cây khế mà mẹ hay ra hái trái về nấu ốc, thấy được những cần cù chịu thương chịu khó của người dân quê mình”. Người Quảng uống cà phê hay theo kiểu tụm năm, tụm bảy tán dóc, nói đủ thứ chuyện trên đời để nhớ  về quê nhà nơi xa ngái...

MINH KIỆT

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Người Quảng uống cà phê ở Sài Gòn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO