Đam mê âm nhạc truyền thống, nhạc sĩ Ngô Hồng Quang từng làm khán giả choáng ngợp trong cuộc hội ngộ của tinh hoa cổ cầm ba miền đất nước tại TP.Hội An. Cuộc hạnh ngộ ấy là dấu ấn trong hành trình gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống mà anh theo đuổi.
Năm ngoái, trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm 20 năm Hội An và Mỹ Sơn được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới, doanh nhân Nguyễn Thành Sang - Tổng Giám đốc PALM GARDEN RESORT đã có một ý tưởng “khá lạ” là tổ chức một cuộc hội ngộ của tinh hoa cổ cầm ba miền đất nước về phố cổ Hội An. Tất nhiên, để có cuộc hội ngộ của hơn 60 nhạc cụ cổ truyền dân tộc với sự góp mặt của gần 200 nghệ nhân ưu tú từ mọi miền đất nước về Hội An lần ấy không hề đơn giản. Đây thực sự là cái duyên gặp gỡ, đồng điệu giữa những con người mang trong mình một tình yêu sâu sắc với cổ cầm dân tộc.
Hành trình dài với âm nhạc truyền thống
Nhạc sĩ Ngô Hồng Quang - người say mê và gắn bó cuộc đời mình với âm nhạc truyền thống từ thời niên thiếu, dường như đã cảm được ý tưởng về một cuộc hội tụ cổ cầm trong mối giao hòa với di sản nên đã quyết tâm làm cuộc lặn lội từ vùng Tây Bắc xa xôi đến nơi nắng gió cao nguyên và vùng sông nước Cửu Long để kết nối, chọn lựa những tinh hoa cổ cầm đồng bào các dân tộc Việt Nam rồi cùng nhau hội tụ về miền di sản xứ Quảng.
Nhạc sĩ Ngô Hồng Quang được người yêu nhạc biết đến với bài hát “Đêm cuối của mùa đông” - một sáng tác chung với nhóm nhạc “Hồn tre” do anh sáng lập, cho bộ phim “Ma làng” khá nổi tiếng vào năm 2007. Đó là những ngày anh vừa tốt nghiệp Học viện Âm nhạc Quốc gia với tấm bằng xuất sắc, được giữ lại trường nhưng đã từ chối cơ hội tuyệt vời ấy để dấn thân vào cuộc chơi âm nhạc truyền thống. Nhóm nhạc Hồn tre của anh dù không tiếng tăm như nhiều ban nhạc trẻ thời bấy giờ, nhưng vẫn “sống được” giữa thế giới hiện đại của Hà thành.
Không những thế, Ngô Hồng Quang cùng anh em nghệ sĩ đã có nhiều cơ hội mang âm nhạc dân tộc đi biểu diễn ở nước ngoài, đặc biệt là châu Âu. Trong một lần biểu diễn tại Nhà hát Hoàng gia Hà Lan, anh đã gây ấn tượng và xúc động cho người nghe trong 15 phút biểu diễn âm nhạc truyền thống của Việt Nam.
Chính từ bước khởi đầu này, Ngô Hồng Quang đã nỗ lực giành được học bổng của Học viện Âm nhạc Hoàng gia Hà Lan và bắt đầu một cuộc “phiêu lưu” âm nhạc ở trời Âu. Chính môi trường âm nhạc ở Học viện Âm nhạc Hoàng gia Hà Lan, đã cho Ngô Hồng Quang những cảm nhận mới mẻ về âm nhạc truyền thống, về sự bứt phá khỏi những khuôn mẫu truyền thống. “Tôi đã từng lo môi trường này sẽ làm mất đi chất nhạc truyền thống Việt Nam, nhưng ngược lại họ đã khuyến khích tôi phát triển tố chất, tự tìm ra con đường sáng tạo riêng” - Ngô Hồng Quang nói.
Giữ nét xưa
Tốt nghiệp thạc sĩ Học viện Âm nhạc Hoàng gia Hà Lan, nhạc sĩ Ngô Hồng Quang về nước để tiếp tục theo đuổi niềm đam mê cổ cầm của mình. Ngô Hồng Quảng bảo “Khi càng đi xa, người ta càng có nhu cầu hướng về quê hương”. Anh bắt tay thực hiện rất nhiều dự án âm nhạc theo cách riêng của mình - “Nhạc của Quang”, không tuân thủ nguyên tắc ngũ cung của âm nhạc cổ truyền cũng như nguyên tắc 7 nốt của âm nhạc phương Tây. Đó là “Nghiên cứu về văn hóa Mông, khía cạnh ngôn ngữ, âm nhạc”, Sáng tác ca khúc “Về đồi non” cùng đàn Tính, album Quan họ Bắc Ninh trong đó anh chọn 10 ca khúc quan họ cổ, phối khí cho ngũ tấu đàn dây và hát theo cách của mình.
Đặc biệt năm 2016, Ngô Hồng Quang liên tiếp thực hiện nhiều dự án âm nhạc gây tiếng vang như tổ chức show “Nón” và hợp tác với nghệ sĩ Nguyên Lê làm album Hanoi Duo - sự kết hợp tuyệt vời của âm nhạc dân tộc đồng bào miền núi và đàn guitar điện tử. Bằng tình yêu của mình với âm nhạc truyền thống đồng bào các dân tộc miền núi phía Bắc, Ngô Hồng Quang đã lặng lẽ qua những miền cao nguyên đá, lắng nghe âm vọng tiếng đàn từ các nghệ nhân người Mông, Tày… để chắt chiu cộng hưởng với các loại nhạc cụ hiện đại trở thành những tác phẩm âm nhạc vô cùng tuyệt vời…
“Mỗi nhóm dân tộc thiểu số khác nhau sẽ có một chất nhạc riêng. Tôi mới chỉ khai thác một nhóm nhỏ như dân tộc Mông, Tày, Thái, hay vùng Tây Nguyên. Tôi thấy thực tế là những nghệ nhân mà mình muốn tiếp cận ngày càng ít đi. Đó là điều đáng buồn. Tôi sẽ cố gắng hết sức có thể để đưa âm nhạc dân tộc Việt Nam nói chung ra thế giới bằng mọi cách” - Ngô Hồng Quang trăn trở.
Nhờ có Ngô Hồng Quang mà lần đầu tiên, nhiều nhóm nhạc dân tộc, nghệ sĩ, nghệ nhân dân gian tiêu biểu của Việt Nam, những người đang giữ lửa cho nền âm nhạc dân tộc tại các khu vực Đồng bằng Bắc Bộ, Đông Bắc, Tây Bắc, Tây Nguyên và vùng ven biển Đồng bằng sông Cửu Long đã hội tụ tại Hội An để cùng chia sẻ và trình diễn các nhạc cụ đặc biệt của họ. Ở đó, trong không gian của sân khấu Vườn tượng An Hội, người yêu âm nhạc truyền thống, đặc biệt là du khách nước ngoài, có cơ hội được chiêm ngưỡng vẻ đẹp và sự đa dạng của nhạc cụ cổ truyền đất Việt.
Nhạc sĩ Ngô Hồng Quang bằng niềm đam mê và tài năng của mình đã tạo nên một bản hòa âm vô cùng đặc sắc cho bài “Trống cơm”. Khán giả chừng như đang phiêu du qua những vùng miền đất nước từ thanh âm nhạc cụ dân tộc của người Kinh như sáo, đàn bầu, đàn nhị, đàn tranh hòa quyện cùng những âm hưởng linh thiêng của trống Ghi năng, Paranưng và những nhạc cụ gõ định âm của người Khmer, kết hợp với những âm sắc hoang dã đại ngàn của đàn đá, đàn T’rưng... Và, bản hòa tấu chung này, một lần nữa khẳng định giá trị lịch sử, sự gắn kết dân tộc, để tôn vinh các cổ cầm đất Việt.