Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có hơn 5.700 người được hưởng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), nhưng trong số đó chỉ có 29 trường hợp xin được hỗ trợ học nghề. Lao động dù thất nghiệp vẫn không mặn mà học nghề mới để chuyển nghề. Trong khi đó, khoản hỗ trợ nâng cao trình độ tay nghề thì không triển khai được vì quy định quá khó khăn.
Rất ít người lao động khi làm hồ sơ hưởng BHTN quan tâm đến việc học nghề để chuyển nghề. Ảnh: L.D |
Làm chung một công ty chuyên khai thác, chế biến đá ở xã Tam Nghĩa (Núi Thành), ông Nguyễn Khắc Tỉnh và ông Huỳnh Văn Lang xin nghỉ việc cùng lúc. Hơn 20 năm gắn bó với nghề khai thác, chế biến đá, cả hai ông đều cảm thấy mệt mỏi nên xin nghỉ để làm việc khác, bởi sức khỏe không cho phép. Ông Tỉnh nói: “Tôi và anh Lang đi khám bệnh nghề nghiệp đều bị bệnh bụi phổi silic, nên xin nghỉ để chuyển nghề khác nhẹ nhàng hơn”. Nhưng chuyển đổi sang làm nghề gì, ông Tỉnh và ông Lang đều chưa tính được. Biết là có khoản trợ cấp học nghề từ BHTN, hai ông suy nghĩ mãi vẫn không ra sẽ học nghề gì để có thể chuyển nghề. Ông Lang cho hay, ở nhà vẫn còn đất đai vườn tược nên chắc về làm nông, hoặc rảnh rỗi chạy xe ôm kiếm thêm thu nhập. “Từng tuổi này rồi, tôi chẳng biết học nghề chi cho phù hợp nữa. Học nghề lái xe, trẻ học được chứ qua tuổi 45 như tôi thì mắt kém rồi, lấy bằng về cũng có ai dám nhận vô làm tài xế. Các nghề khác thì không phù hợp, nên biết có hỗ trợ nhưng chắc không học được nghề gì cả” - ông Lang nói.
Trở về quê từ Bình Dương, chị Lê Thị Liễu (quê Quế Sơn) đi làm hồ sơ hưởng BHTN. Lúc đến xứ người, chị Liễu xin đi làm lao động phổ thông ở một công ty sản xuất thiết bị điện tử. Chị Liễu nói rằng vì làm trên dây chuyền máy móc hiện đại, nên lúc vào công ty chỉ cần đào tạo cho công nhân chuyên làm ở một công đoạn nào đó, khoảng hơn 1 tuần lễ là làm được. Vì thế nên chị không cần phải học nghề. Bây giờ về quê, thấy các công ty may mặc tuyển dụng nhiều, định đi học nghề thì có người khuyên không cần học, chỉ cần vào công ty làm lao động phổ thông, công ty sẽ tự đào tạo. “Trước mắt, tôi đi làm hồ sơ hưởng chế độ BHTN trong thời gian chưa tìm được việc làm. Các anh chị ở trung tâm cũng tư vấn cho tôi học nghề, nhưng thấy tốn thời gian quá nên không có ý định đi học. Chắc tôi nghỉ ngơi thời gian trông con nhỏ, rồi xin đi làm việc gì phù hợp chứ không học nghề”.
Theo quy định, người lao động hưởng BHTN được hỗ trợ tối đa 1 triệu đồng/người/tháng khi học nghề nhưng ít có ai quan tâm đăng ký học nghề. Lý do từ phía người lao động thì muôn hình vạn trạng, người vì con nhỏ, người do tuổi cao, người không thích đi học vì tốn thời gian, người cho rằng mức hỗ trợ không đủ chi phí đi lại, ăn ở... Theo số liệu từ Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, từ đầu năm 2017 đến nay toàn tỉnh có 5.718 người được hưởng BHTN, nhưng chỉ có 29 người đăng ký học nghề, trong đó chủ yếu học lái xe hoặc sửa chữa thiết bị công nghiệp. Ngoài khoản hỗ trợ trực tiếp cho lao động học nghề, còn có khoản hỗ trợ nâng cao trình độ tay nghề cho người lao động từ BHTN. Thế nhưng, chính sách này hiện vẫn “giẫm chân tại chỗ”, chưa có một doanh nghiệp, đơn vị nào làm hồ sơ xin được hỗ trợ khoản này. Ông Võ Văn Dũng - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cho biết: “Theo quy định, doanh nghiệp muốn được hỗ trợ nâng cao trình độ tay nghề cho người lao động phải làm hồ sơ khá phức tạp, nên doanh nghiệp không quan tâm. Chính sách này không tỉnh nào thực hiện được, chỉ vì quy định quá khó khăn”. Ông Dũng phân tích, theo quy định, doanh nghiệp muốn được hỗ trợ nâng cao tay nghề cho người lao động phải là doanh nghiệp gặp khó khăn về sản xuất, không có kinh phí nâng cao tay nghề cho người lao động để tái sử dụng nguồn lao động, yêu cầu nữa là phải có phương án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ tay nghề cho người lao động và duy trì việc làm được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, ở đây là UBND tỉnh nơi doanh nghiệp đóng chân. Quả thật, với thủ tục rườm rà như trên, không doanh nghiệp nào có đủ thời gian để thực hiện đầy đủ một bộ hồ sơ đề nghị hỗ trợ.
LÊ DIỄM