Hơn 17 năm cắm bản để dạy dỗ học trò, rồi bén duyên với cô gái Mơ Nông ở vùng cao Phước Sơn, thầy giáo Lê Đình Thương thực sự trở thành người thầy, người con của đồng bào nơi đây.
Để đến được điểm trường thôn 3 (xã Phước Thành, Phước Sơn), từ trung tâm xã chúng tôi phải mượn tạm chiếc xe Win của người dân mới có thể vào được nơi thầy Thương đang giảng dạy. Vượt gần 10 cây số, xe chúng tôi cứ liên tục chao đảo trên con đường đầy đá và dốc dựng đứng. Điểm trường thôn 3 cuối cùng cũng hiện ra, tiếng trả bài nhanh nhảu của học sinh vang lên khiến chúng tôi vơi bớt sự mệt mỏi. Thầy Thương cho biết, số học sinh đến lớp đúng độ tuổi ở đây luôn đạt 100%. Sau khi học hết chương trình tại các điểm trường, phụ huynh đều đưa con ra ngoài xã để học tiếp chứ không có tình trạng cho con ở nhà, ý thức đồng bào vùng cao về sự học gần đây đã được nâng lên đáng kể.
Sinh ra tại miền quê huyện Thăng Bình, sau khi ra trường thầy Thương đã tha thiết muốn đem cái chữ cho học sinh vùng cao. Năm 1997 thầy chọn mảnh đất Phước Sơn là nơi gắn bó lâu dài cho sự nghiệp trồng người. Tuy nhiên, để công tác tốt ở vùng đất này không phải là điều dễ dàng. “Địa hình xa xôi, cách trở khiến chúng tôi phải lội bộ cả ngày trời mới đến được điểm trường, hơn nữa phụ huynh thì chỉ lo đi làm vàng chứ không đưa con đến trường, lớp học rách nát làm chúng tôi rất nản lòng. Với sự quyết tâm, nhiều giáo viên vẫn kiên trì bám bản để đưa tri thức đến cho học trò” - thầy Thương chia sẻ. Hơn 17 năm đứng lớp, hiện nhiều lứa học trò của thầy đã trở thành giáo viên, hay làm việc tại y tế thôn bản. “Không những được học tại trường, đến tối chúng em còn được thầy chỉ dạy tận tâm những gì chưa hiểu. Chúng em rất yêu mến và cố gắng học thật tốt để không phụ công sức của thầy” - em Hồ Thị Lê (lớp 2, điểm trường thôn 3, xã Phước Thành) tâm sự.
Cũng chính tại bản làng xa xôi này thầy Thương gặp và kết hôn với chị Hồ Thị Min và hiện có 2 con kháu khỉnh. Không chỉ chăm lo tốt cho gia đình, dạy dỗ học trò nghèo, thầy Thương còn đưa ra nhiều phương án hay để giúp bà con phát triển kinh tế như tự ngăn suối dẫn nước về đồng ruộng, hướng dẫn cách chăn nuôi, nỗ lực hướng đến bình đẳng giới cho chị em. Trưởng thôn 3 (xã Phước Thành) - ông Hồ Văn Kem nói: “Nhờ có thầy Thương mà con em trong làng biết được cái chữ, bên cạnh đó thầy thường xuyên đóng góp nhiều ý kiến hay cho Ban dân vận thôn, có ý tưởng hay để đời sống người dân bớt vất vả hơn”. Ông Hồ Văn Phen – Chủ tịch UBND xã Phước Thành nói: “Rất ít giáo viên lên vùng cao Phước Sơn giảng dạy rồi ở lại kết hôn với người dân trên này, cùng họ gắn bó đưa đời sống bà con đi lên. Cho nên tình cảm của mọi người dành cho thầy Thương rất lớn”.
DUY THÁI – TRỌNG Ý