Người thầy già của trẻ em khuyết tật

THÀNH LINH - KIỀU LY 20/11/2021 22:35

(QNO) – Không cầm phấn và bút như bao người thầy khác, song ông Trương Ngọc Bích (Hội trưởng Hội Người khuyết tật huyện Thăng Bình) tận tụy giúp đỡ các em trong hội có nghề làm hoa giấy thêm thu nhập, ông được các hội viên xem như một người thầy.

Thầy Trương Ngọc Bích hướng dẫn cho các em cách làm hoa giấy. Ảnh: TL
Thầy Trương Ngọc Bích hướng dẫn cho các em cách làm hoa giấy. Ảnh: T.L

Không giống như bao lớp học khác, lớp học của “thầy” Bích là nơi sinh hoạt của Hội Người khuyết tật huyện Thăng Bình (thị trấn Hà Lam, Thăng Bình). Nơi đây tập trung các trường đặc biệt như người khiếm thị, khiếm thính, hay mắc các bệnh bẩm sinh được ông Trương Ngọc Bích (57 tuổi, xã Bình Định Bắc, Thăng Bình) quản lý và “bất đắc dĩ” trở thành người thầy chỉ dạy cho mọi người làm hoa giấy, giúp thêm thu nhập, cải thiện đời sống của các hội viên nơi đây.

Ngoài hoa giấy, đồ thủ công, thầy Trương Ngọc Bích còn dạy các em các lễ nghi như trên lớp học. Ảnh: TL
Ngoài hoa giấy, đồ thủ công, thầy Trương Ngọc Bích còn dạy các em các lễ nghi như trên lớp học. Ảnh: T.L

Tháng 11.2020, thầy Bích mở lớp học nghề làm hoa giấy thủ công cho các hội viên trẻ, mời các cô giáo từ Hà Nội vào tập huấn cách làm. Do các em không thể cùng lúc tiếp thu mọi hướng dẫn nên thầy Bích phải "ra tay" truyền đạt mọi thứ cho các em. Thời gian đầu là chuỗi ngày khó khăn, nhưng ông Bích luôn cố gắng vì các em.

Sản phẩm các em làm ra thường là các bình hoa giấy thủ công, giây buộc tóc… Ảnh: TL
Sản phẩm các em làm ra thường là các bình hoa giấy thủ công, giây buộc tóc… Ảnh: TL

Em Trịnh Văn Hải (18 tuổi, xã Bình Sơn, Thăng Bình) cho biết, em mắc căn bệnh hở van tim, sức khỏe không cho phép nên phải nghỉ học từ năm 15 tuổi. Sau thời gian ở nhà dưỡng bệnh, em được thầy Bích vận động nên đã tham gia vào hội người khuyết tật. “Em mới tham gia hội cách đây 3 tháng, được thầy Bích chỉ dạy cách làm hoa giấy và các sản phẩm thủ công. Ở đây em rất vui, vì có nhiều anh chị trở thành bạn bè và có thầy Bích luôn bên cạnh nhắc nhở, chỉ dạy cho em từng chút kể cả bữa ăn, giấc ngủ. Em mong muốn học được nghề này để có thể giúp đỡ một phần cho gia đình” - em Hải chia sẻ.

Chị Nguyễn Thị Mỹ Linh (26 tuổi, xã Bình Đào, Thằng Bình) chia sẻ, khoảng thời gian ở nhà rất nhàm chán vì không thể làm được gì, nhưng được thầy Bích tìm đến và mời tham gia sinh hoạt trong câu lạc bộ nên rất mừng. “Mình được thầy Bích giúp học cách làm hoa giấy, sau 2 tuần thì mình thành thạo công việc. Mình rất yêu thích công việc này vì vừa vui vừa có thêm thu nhập” - chị Linh nói.

Biết các em đều có hoàn cảnh kém may mắn, thầy Trương Ngọc Bích luôn chỉ bảo tận tình, ân cần nhắc nhở... Ảnh: TL
Biết các em đều có hoàn cảnh kém may mắn, thầy Trương Ngọc Bích luôn chỉ bảo tận tình, ân cần nhắc nhở... Ảnh: TL

Sản phẩm các em làm ra thường là các bình hoa giấy thủ công, giây buộc tóc… thường được trưng bày ở các buổi giới thiệu sản phẩm của hội. Qua đó mỗi bình hoa có giá từ 120.000 đồng đến 170.000 đồng, thường được người dân và các đoàn, hội tiêu thụ. Số tiền bán được sẽ dành để duy trì sinh hoạt phí và chi trả tiền theo năng suất làm việc của các em hội viên.

Trong lớp học làm hoa giấy của thầy Bích, mỗi học trò là một câu chuyện riêng. Biết học trò kém may mắn nên thầy Bích luôn ân cần nhắc nhở, động viên các em.

“Dạy học bình thường đã khó, dạy các em khiếm thính còn khó hơn. Tôi nói các em không hiểu nên phải dùng hành động, làm các cử chỉ hoặc nhờ các bạn bình thường truyền đạt bằng ký hiệu. Đối với các em khiếm thị, tôi chỉ cho các em làm những phân đoạn dễ phần còn lại chia đều cho các em khác” – thầy Bích chia sẻ.

Các em thường được gia đình đưa đến lớp lúc 7 giờ sáng, được hội lo ăn trưa và đón về lúc 4 giờ 30 chiều. Nhiều em ở xa, đi lại rất khó khăn nên thầy Bích rất mong cải tạo lại khu sinh hoạt để các em ở lại. “Những ngày mưa gió, nhìn cảnh các em đi lại khó khăn, tôi rất muốn giúp đỡ nhưng chưa thể. Tôi sẽ cố gắng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các em” – thầy Bích nghẹn ngào chia sẻ.

Chị Nguyễn Thị Mỹ Linh (26 tuổi, xã Bình Đào, Thăng Bình) chia sẻ: “Mình muốn cảm ơn thầy Bích đã hết sức giúp đỡ mình và các bạn. Mong thầy Bích thật nhiều sức khỏe để giúp đỡ nhiều hơn các bạn gặp khó khăn trong cuộc sống như mình. Cảm ơn thầy Bích rất nhiều”.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Người thầy già của trẻ em khuyết tật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO