Người thầy tận tâm

T.ĐẠI - K.LINH 08/09/2015 09:14

Gần 30 năm đứng trên bục giảng, thầy Lương Phước Hùng - Tổ trưởng bộ môn Sử - Địa - Giáo dục công dân - Mỹ thuật, Trường THCS Quang Trung (phường Vĩnh Điện, Điện Bàn) trở thành tấm gương sáng về nghiên cứu sáng tạo và lòng tận tâm với nghề.

Giờ dạy của thầy giáo Lương Phước Hùng luôn hấp dẫn, lôi cuốn học sinh.                    Ảnh: TRÍ ĐẠI
Giờ dạy của thầy giáo Lương Phước Hùng luôn hấp dẫn, lôi cuốn học sinh. Ảnh: TRÍ ĐẠI

Không ngừng học hỏi

Đến Trường THCS Quang Trung những ngày đầu năm học mới 2015 - 2016, chúng tôi có cơ hội được dự thính tiết học môn Địa lý lớp 9 của thầy giáo Lương Phước Hùng. Tiết học diễn ra hết sức sinh động, các vấn đề bài học đưa ra được thầy, trò cùng nhau giải quyết bằng những lý lẽ, lập luận ngắn gọn, chặt chẽ kết hợp với hình ảnh minh chứng cụ thể. Học sinh hứng khởi tiếp thu bài học qua lối truyền giảng lôi cuốn của thầy giáo. Ngồi bên dưới, chúng tôi nghĩ nếu giáo viên nào cũng giảng dạy như thế thì làm sao có tình trạng học sinh chán học. Tâm sự về nghề, thầy Lương Phước Hùng cho biết, điều mà thầy tâm đắc với nghề là người giáo viên phải luôn phấn đấu “biết 10 để dạy 1”. Bởi vậy, trong suốt gần 30 năm đứng trên bục giảng, thầy Hùng luôn tự nhủ, khi mình không thể biết mười thì cũng cần “biết 2 dạy 1”, như thế vẫn tốt hơn là “biết 1 dạy 1”. Nhất là trong thời đại ngày nay, học sinh có điều kiện và dễ dàng tiếp cận với nhiều nguồn tri thức. Nên bản thân người thầy phải không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn để hoàn thiện mình.

Ghi nhận những cống hiến và đóng góp cho sự nghiệp giáo dục, năm 2013 thầy giáo Lương Phước Hùng được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen, Bộ GD-ĐT tặng Bằng khen năm 2005, Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen năm 2010. Năm 2015, thầy Lương Phước Hùng là một trong 2 cá nhân được ngành GD-ĐT lựa chọn cử đi tham dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc sắp tới tại Hà Nội.

Khiêm tốn học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, cùng với ý thức tự học, nghiên cứu sáng tạo, thầy Hùng đã đề xuất nhiều giải pháp đổi mới phương pháp giảng dạy áp dụng vào thực tiễn, góp phần thay đổi chất lượng giáo dục của nhà trường. Có thể kể đến các sáng kiến như: “Sử dụng bản đồ tư duy trong dạy học Địa lý lớp 7 và lớp 9”; “Kinh nghiệm biên soạn kế hoạch bài dạy có ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học Địa lý”;  “Nâng cao hiệu quả thực hiện đổi mới kiểm tra, đánh giá trong dạy học Địa lý cấp THCS”… Hầu hết sáng kiến kinh nghiệm dạy học trong môn Địa lý của thầy Hùng đều được ngành GD-ĐT tỉnh giới thiệu, áp dụng rộng rãi và luôn được đồng nghiệp hưởng ứng, đánh giá cao. Trong nhiều năm liền thầy Hùng được Sở GD-ĐT tin tưởng cử tham dự các lớp tập huấn giáo viên cốt cán do Bộ GD-ĐT tổ chức.

Nguyên lý “4 H + 1 N”

Từ khi làm Tổ trưởng chuyên môn Sử - Địa - Giáo dục công dân - Mỹ thuật, dù đảm nhận mảng chuyên môn khá rộng nhưng thầy Hùng vẫn dành thời gian cho việc nghiên cứu đổi mới phương pháp giảng dạy môn Địa lý. Những giải pháp, sáng kiến kinh nghiệm dạy học của thầy hầu hết được Hội đồng khoa học ngành xếp loại A, B và được chọn lựa làm nội dung báo cáo tham luận tại các hội nghị của ngành GD-ĐT các cấp. Nhiều bộ đồ dùng dạy học do thầy Hùng sáng tạo làm nên như “Bản đồ thế giới”, “Bộ thẻ từ dùng trong dạy học Địa lý”… được đồng nghiệp đánh giá là tiện dụng, hữu ích và có thể sử dụng trong nhiều bài dạy môn học khác. Không những vậy, với sự vận dụng linh hoạt các tri thức sư phạm, công nghệ thông tin, thầy Hùng đã biên soạn kế hoạch bài dạy có ứng dụng công nghệ thông tin tại nhà trường, mang đến sự chuyển biến tích cực trong việc nâng cao chất lượng dạy học. Chia sẻ bí quyết dẫn đến những thành công trên, thầy Hùng cho biết: “Để đáp ứng các yêu cầu của công việc, trong suốt quá trình giảng dạy, tôi luôn chú trọng việc nâng cao nhận thức chính trị và trình độ chuyên môn với phương pháp: Học - Hỏi - Hiểu - Hành. Với tôi, để tăng hiệu quả của nguyên lý “4 chữ  H” này, cần thêm “1 chữ N” nữa đó là chữ Nghiệm. Nghiệm từ những hành vi ứng xử, nghiệm từ những việc làm, biện pháp đã đưa đến thành công hay dẫn đến thất bại trong công việc để vận dụng phù hợp hơn”.

Chọn nghề giáo, cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục, gần 30 năm dạy học, thầy Hùng không chỉ tận tâm vì học sinh, mà nhiều khi phải “nhịn ăn, nhịn mặc” tiết kiệm đồng lương ít ỏi của mình để làm đồ dùng dạy học, đầu tư chi phí cho hoạt động sáng tạo, các đề tài sáng kiến chuyên môn, nghiên cứu khoa học… Thầy Hùng chia sẻ: “Bản thân tôi chưa bao giờ nghĩ những việc mình làm là vì thành tích. Nhưng những kết quả đó đã được các cấp quản lý ghi nhận, đồng nghiệp, phụ huynh, học sinh tin tưởng càng tạo thêm động lực để tôi tự tin hơn trong sáng tạo”.

Nhận xét về người giáo viên giỏi của ngành, ông Nguyễn Tấn Ngọc - Trưởng phòng GD-ĐT thị xã Điện Bàn nói: “Với kinh nghiệm giảng dạy lâu năm, cùng ý thức tự học, nghiên cứu và sáng tạo, những năm qua thầy giáo Lương Phước Hùng đã đề xuất nhiều giải pháp đổi mới phương pháp giảng dạy ứng dụng hiệu quả vào thực tiễn, góp phần thay đổi chất lượng giáo dục của nhà trường. Đặc biệt, các sáng kiến kinh nghiệm dạy học trong môn Địa lý của thầy đã được ngành GD-ĐT tỉnh giới thiệu, ứng dụng rộng rãi, được đồng nghiệp hưởng ứng, đánh giá cao”.

T.ĐẠI - K.LINH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Người thầy tận tâm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO