Người thổi hồn cho tre

NHƯ TRANG 23/06/2020 10:36

Từ đôi bàn tay tài hoa và những ý tưởng sáng tạo, suốt 45 năm qua ông Trần Kim Thuận (trú tại khối phố Thịnh Mỹ, phường Cẩm An, TP.Hội An) miệt mài đục đẽo, tạo tác nhiều sản phẩm tre làng độc đáo.

Hơn 45 năm qua, ông Trần Kim Thuận đã tạo ra nhiều sản phẩm tinh xảo, giá trị. Ảnh: N.TRANG
Hơn 45 năm qua, ông Trần Kim Thuận đã tạo ra nhiều sản phẩm tinh xảo, giá trị. Ảnh: N.TRANG

Bên căn chòi nhỏ dựng sát mé sông Đế Võng với rặng dừa nước trồi sụt gốc rễ, ông Thuận kể với chúng tôi hành trình theo chân cha thổi hồn cho cây tre làng mình. Ông Thuận nói: “Từ sau năm 1975, gia đình tôi dọn về đây sinh sống. Sẵn có tay nghề, cha tôi thường nhận làm nhà tre lợp mái lá dừa. Mới tròn 14 tuổi, tôi theo phụ việc cho cha rồi rành nghề lúc nào không hay”.

Ngày xưa, nhu cầu nhà ở và dụng cụ lao động chiếm số lượng lớn, vì thế xưởng tre nhà ông Thuận tập trung làm nhà tre, làm nò (dụng cụ đánh bắt cá, tôm). Khách hàng lúc này chủ yếu là bà con trong làng, tiền lãi kiếm được đủ để cha con ông Thuận trang trải cuộc sống gia đình. Đến năm 1979, cha qua đời do bạo bệnh, ông Thuận vẫn cố gắng vực dậy món nghề của cha để lại. “Cha mất, nhìn túi đồ nghề đã cũ, tôi không đành bỏ đi. Nhớ lời cha dạy về cách đục đẽo tre, tôi mang ra làm lại từ đầu. Con đường lập nghiệp bắt đầu khi tôi 18 tuổi” - ông Thuận chia sẻ.

Tiếp nối nghề cha, ông Thuận thêm một số ý tưởng mở rộng xưởng tre với những sản phẩm như: giường, bàn, ghế, xích đu và cả một số mô hình nghệ thuật chưng kiểng cho nhà hàng, khách sạn… Nhận thấy tre ở TP.Hội An ngày càng ít dần, ông rong ruổi khắp các làng quê xứ Quảng tìm tre có thế đứng đẹp, bền. Ông Thuận cho biết, khi tạo bất kỳ sản phẩm nào, đòi hỏi tre phải có độ tuổi 5 - 6 năm. Và để cây tre trở nên chắc chắn, có sức dai bền bỉ, tre sau khi chặt mang về được ngâm trong hầm bùn đất suốt 12 tháng.

Trong vườn nhà ông Thuận có 5 hầm ngâm tre, mỗi hầm chứa được khoảng 300 cây tre dài. Dù xưởng làm có hơn 10 thợ lành nghề, nhưng quá trình kiểm định chất lượng của tre do chính ông Thuận đảm nhiệm. Ông chia sẻ: “Từ hồi còn rất nhỏ, cha tôi đã dạy cho cách nhìn cây tre ngâm bùn đất. Không phải cây nào ngâm ra cũng tốt, cho nên phải có mắt nhìn, chọn lựa. Tre phải chắc thì sản phẩm mới có giá trị và bền lâu”.

Không chỉ biết cách “tắm bùn cho tre”, ông Thuận còn tạo nên những tác phẩm rất nghệ thuật, tinh xảo và có hồn. Tiếng lành đồn xa, càng ngày xưởng của ông càng có nhiều khách hàng tìm đến, nhất là hợp đồng thi công các thiết kế nhà tre lợp mái lá dừa hay mua bán các mặt hàng nội thất. Những khách hàng ở xa như Bình Định, Bình Thuận thì ông Thuận vận chuyển tre đến tận nơi lắp ráp, làm nguội rồi bàn giao... Nghề làm sản phẩm từ tre không chỉ giúp ông Thuận có điều kiện nuôi 4 người con ăn học thành tài, ông còn tạo việc làm ổn định cho hơn 10 lao động tại địa phương với mức lương 10 triệu đồng/tháng.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Người thổi hồn cho tre
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO