(QNO) - Từ làng Thành Trung có ngôi cổ tự thiêng liêng một thời Chiêm viễn, lỵ sở Hóa châu vang bóng thời Trần - Lê, cậu Nguyễn Đình Lang/Nguyễn Xuân Bảo xuất gia tại chùa Từ Hiếu năm 16 tuổi, pháp danh Trừng Quang (ánh sáng tịch tĩnh), pháp tự Phùng Xuân (đi gặp mùa xuân), pháp hiệu Nhất Hạnh.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh thong dong bước đi đánh khẽ những hồi chuông Tỉnh thức, gợi lên sự Tự ý thức trong Chánh niệm của mỗi người... đã nâng bước tư tưởng Phật giáo Việt lên tầm nhân loại. Để rồi xứ Huế thành nơi an dưỡng, đón Thiền sư thong dong trở về với quê hương đất Mẹ, với Bụt trong những ngày chuẩn bị đón Xuân Nhâm Dần, như ứng nghiệm với pháp danh Trừng Quang, pháp tự Phùng Xuân.
Phật giáo suốt hàng nghìn năm hình thành và phát triển đã định hình nên hệ thống triết học, giáo lý, luân lý ứng xử của con người mang đậm lòng từ bi để tạo phước, diệt dục, xóa nghiệp, chế ngự Tham - Sân - Si cho “Đời là bể khổ” bớt khổ hơn trong cõi nhân sinh ở kiếp luân hồi. Trên nền tảng căn bản đó, Phật giáo lan truyền khắp nơi, được “bản địa hóa” với sự cộng hưởng của nhiều hệ giá trị nhân văn, tạo nên bức tranh đa dạng của văn hóa Phật giáo toàn cầu. Trong sự cách biệt và dị biệt Đông - Tây, có thể coi Thiền sư Thích Nhất Hạnh là trường hợp đặc biệt đã “Việt Nam hóa” theo lối ngược dòng để lan tỏa những giá trị văn hóa Phật giáo, văn hóa Việt Nam ngày càng sâu rộng, thiết thực trong xã hội phương Tây với tư tưởng lạc trú -an trú trong hiện tại, ngay ở đây, lúc này, cho mỗi cá nhân, mỗi cộng đồng và cả nhân loại: Hòa bình. Theo học giả Nguyễn Hữu Liêm, Thiền sư Thích Nhất Hạnh là người đầu tiên có khả năng khai mở một giòng tri thức từ Việt Nam để đem gieo giống tư duy ra hải ngoại khi đưa Phật giáo -Việt Nam ra thế giới trên phương diện triết lý và đạo học.
Từ những vương vấn trần đời, con người với bao hoài bão luôn muốn kiếm tìm thành công, hạnh phúc. Thời nay, ám thị hiện đại hóa càng kích thích phát triển năng lực cá nhân, làm cho cá nhân và xã hội cứ luôn băng băng đi về phía trước, chấp nhận đánh đổi. Phương Tây đạt được nhiều thành tựu khoa học kỹ thuật hiện đại, cái tôi cá nhân và đời sống vật chất được bảo đảm nhưng đồng thời cũng để lại nhiều di chứng, hệ quả cần giải quyết, như chứng tự kỷ, bế tắc của con người cá nhân khi giật mình cảm thấy trống vắng, cô độc... cho đến nhu cầu bảo toàn hệ sinh thái cấp thiết gắn liền vấn đề phát triển bền vững, chống ô nhiễm môi trường... Trong bối cảnh mất thăng bằng như vậy, Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã đem đến một “liệu pháp an khang” kiểu Huế thuần Việt thấm đẫm nguyên lý vô thường, vô vi và tri túc của tam giáo để con người tỉnh thức trong hiện tại, chánh niệm trong hiện tại, buông bỏ mọi tạp niệm, có được sự thong dong, sự hài lòng về chính mình, về cuộc sống, trở thành nguồn cội của niềm hạnh phúc.
Tiền nhân Huế đã tích hợp biện chứng mọi giá trị tích cực theo lối “đồng nguyên” từ các tôn giáo và tín ngưỡng. Khái niệm tam giáo đồng nguyên có thể hiểu những giá trị tinh hoa của tam giáo được hiển lộ trong một thời kỳ, thậm chí trong mỗi một con người tùy hoàn cảnh, thời điểm và đối tượng tiếp xúc. Trong biến chuyển của nhân sinh, thời cuộc và tạo hóa, vô thường là không gì không thể; vô vi là không làm gì có hại cho tự nhiên và luân lý - pháp lý; con người biết đủ là đủ một cách chính danh, chính đáng trong giới hạn cho phép (độ) để không thái quá hay bất cập...
Tiền nhân luôn khiêm cung trước Đất Trời trong tư tưởng Thái hòa, để làm nên lối sống trân trọng, hòa vào thiên nhiên, đất trời, được thiêng hóa dưới nhiều dạng thức của thuật phong thủy - đỉnh cao của nghệ thuật cảnh quan. Ở đó, cây cỏ cũng được nhân hóa như người nhà, trân trọng từng trái bói để dâng cúng tổ tiên và vẫn được vấn khăn trắng lúc tang gia. Trước bao biến động của thiên tai địch họa khôn lường, con người chỉ khiêm tốn ước mong hai chữ An (tâm lý) - Khang (sức khỏe) bởi đó là điều quí giá nhất, từ đây sẽ có đủ Tài, đủ Lộc tùy cái phước cái duyên của họ. Họ bản lĩnh bình thản trước thời cuộc, thong dong trong cuộc sống, an nhiên tự tại đối nhân xử thế trong công việc, trong sản xuất, nhìn và trông trời - đất - mây - mưa - nắng - ngày - đêm. Chính cái cốt lõi thần thái thong dong, an nhiên tự tại đó cộng hưởng với tư tưởng lạc trú của Phật giáo là tiền đề để Thiền sư làm nên mô hình Làng Mai độc đáo, đặc biệt phù hợp cho con người trong xã hội phương Tây hiện đại vốn chịu nhiều bức bí.
Chậm lại, tĩnh tâm, trở về với chính mình, với bản ngã, với cội nguồn, với thiên nhiên đã trở thành liệu pháp giúp con người bớt vội vã, gấp gáp, tất cả khởi đầu từ Chánh niệm - chú tâm vào giây phút hiện tại, để tỉnh giác, không quên niệm, biết rõ các pháp một cách trọn vẹn, biết rõ những gì phát sinh/xảy ra ngay trong mỗi giây phút của hiện tại, bây giờ và ở đây. An lạc trong lòng, ở ngay hiện tại là niềm hạnh phúc sơ khởi nhưng vô biên nên con người cần an lạc ở chính trong cuộc sống hiện tại mà không cần chờ đến vòng luân hồi của kiếp sau mới được vãng sanh cực lạc.
Lạc trú chính là an trú trong hiện tại với khát vọng an khang, tiền đề đơn giản nhưng vô cùng khó khăn, đặc biệt là đối với con người trong gia đình và xã hội hiện nay bởi nhân loại luôn bị hiểm nguy rình rập, đe dọa như thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh. Với những điều thường hằng vốn bình dị, người ta ít để tâm, nhưng khi mất đi, mới giật mình tiếc nuối vô vàn, như hình ảnh người bình thường bỗng dưng bị khiếm thị, người nhà đột ngột mất đi người thân... trong Bông hồng cài áo. Nhờ tỉnh thức, con người càng biết trân quí những gì đang có và đó là hạnh phúc, phải biết nâng niu, trân trọng, đừng chạy theo những ảo ảnh xa vời: “Giây phút hiện tại là thực sự sống. Do đó cần an trú trong giây phút hiện tại... Hiện tại không có hạnh phúc thì làm sao có hạnh phúc trong tương lai”. Từ đây, nhân văn hơn, bác ái hơn, là tiền đề căn bản để con người xích lại gần nhau hơn trong khát vọng hòa bình của nhân loại bởi hạnh phúc không phải chuyện cá nhân. Khi mẹ hay con đau khổ, thì người kia cũng vậy, nên cần phải làm cho bớt khổ đau, nhờ vào chuông chánh niệm, thắp ngọn đèn tỉnh thức đối với mẹ cha, với mọi người... để được sum họp đoàn viên.
Từ ký ức thuở thiếu thời khi được chiêm ngưỡng hình vẽ Bụt ngồi an nhiên trên cỏ, mỉm cười và bình an hơn bất cứ ai xung quanh đã cuốn hút tâm trí, giúp ông hiện thực hóa khát khao trở thành một nhà sư như Bụt. Bước chân Thiền sư đã thong dong khắp chốn, từ làng quê xứ Huế ra xứ Thanh, vào Sài Gòn, ra hải ngoại, rồi lại thong dong trở về Huế, về với đất mẹ. Tất cả để gắn kết lòng người nhờ tiếng chuông Từ bi và ý niệm Tỉnh thức, Chánh niệm khi “gõ nhẹ từng tiếng chuông, gieo hạt giống Tỉnh thức cho nhân loại” (Nguyễn Hữu Liêm). Ông thong dong trở về cõi Bụt và vẫn hiện diện trên mọi nẻo đường, trong các hiệu sách, kệ sách gia đình, thư viện, giảng đường đại học danh tiếng ở khắp nơi, thực sự Đến đi thong dong (Thơ Sư ông Làng Mai):
Gió vẫn còn bay con biết không
Khi mưa xa tiếp áng mây gần
Hạt nắng từ cao rơi xuống thấp
Cho lòng đất thấy bầu trời trong
Ta vẫn còn, đến đi thong dong
Có không, còn mất, chẳng băn khoăn
Bước chân con, hãy về thanh thản
Không tròn, không khuyết, một vầng trăng...”.