Người thương binh và hành trình tìm thân nhân đồng đội

THU SƯƠNG - VĂN TOÀN 27/07/2017 16:54

(QNO) - Rời quân ngũ trở về quê hương, vết thương ở não vẫn thường xuyên hành hạ nhưng thương binh nặng Hoàng Minh Đặng ở xã Bình Sa (Thăng Bình) vẫn đau đáu khi các đồng đội từng vào sinh ra tử nằm lại nơi chiến trường vẫn chưa được về nơi chôn nhau cắt rốn. Tự nghĩ cần phải làm điều gì đó cho đồng đội đã khuất, ông Đặng đã kết nối giúp 7 gia đình tìm được hài cốt liệt sĩ đưa về quê hương an táng.

Tin liên quan

  • KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY THƯƠNG BINH - LIỆT SĨ (27.7.1947- 27.7.2017)
Dù tuổi cao nhưng những câu chuyện chiến đấu năm xưa vẫn vẹn nguyên trong trí nhớ ông Đặng.
Dù tuổi cao nhưng những câu chuyện chiến đấu năm xưa vẫn vẹn nguyên trong trí nhớ ông Đặng. Ảnh: SƯƠNG TOÀN

Gặp ông Đặng trong những ngày cuối tháng 7, khi cả dân tộc đang hướng về các thương binh - liệt sĩ, gia đình có công, ông rưng rưng xúc động khi kể với chúng tôi về trường hợp của đồng đội Trương Văn Hùng, quê ở Bình Thuận, hy sinh vào ngày 21.3.1975 trong trận đánh giải phóng Thăng Bình và được quy tập hài cốt về Nghĩa trang liệt sĩ xã Bình Sa. Nhưng sau khi tách tỉnh, hồ sơ bị thất lạc, vì thế không có giấy báo tử nên ở quê nhà gia đình nhận được thông tin ông Hùng đã tham gia chiêu hồi. Ông Đặng nhiều lần tìm cách liên lạc nhưng không được vì gia đình của ông Hùng đã chuyển đến Kiên Giang sinh sống. Mất một thời gian khá dài và phải qua nhiều người mới có thể trực tiếp liên lạc với gia đình liệt sĩ Trương Văn Hùng.

Khi biết được oan sai trên, ông Đặng đã cùng đồng đội còn sống trong Tiểu đoàn Bộ binh 72 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam) làm các thủ tục rà soát, xác nhận và đề nghị lên các cấp để “giải oan” cho người đồng đội năm xưa. Niềm vui trọn vẹn khi 27.7 này, người đồng đội cùng đơn vị của ông được trở về quê hương và được truy tặng Bằng Tổ quốc ghi công.

Một trường hợp khác, đó là liệt sĩ Đặng Đình Nuôi, quê ở Hà Nam. Gia đình đã nhiều lần đăng thông tin tìm kiếm liệt sĩ, nhưng trên bia mộ tại Nghĩa trang liệt sĩ xã Bình Phú (Thăng Bình) lại ghi là Đinh Văn Nuôi nên công tác tìm kiếm gặp khó. Dựa vào trí nhớ của người trinh sát năm xưa, ông Đặng quả quyết có sự trùng lặp. Quả thật sau khi khai quật dưới mộ phần vẫn còn tấm bia khắc tên liệt sĩ Đặng Đình Nuôi. Đó là hai trong nhiều trường hợp mà ông Đặng đã kết nối để gia đình tìm được hài cốt liệt sĩ đưa về quê hương an táng.

Gợi lại câu chuyện của những năm tháng chiến đấu ác liệt, ông Đặng kể cho chúng tôi nghe về những giây phút cận kề cái chết. Nhập ngũ năm 1967, ông Đặng là trinh sát thuộc Tiểu đoàn Bộ binh 72. Sát cánh cùng đồng đội trong từng trận đánh và chứng kiến những giây phút sinh tử, tận mắt nhìn thấy đồng đội ngã xuống, nhiều lần tự tay chôn cất và cắm bia trên từng phần mộ, ông Đặng cùng đồng đội đã vẽ lại sơ đồ địa chính các mộ phần. Để đến hôm nay, đó lại là những bản vẽ đáng giá trong hành trình giúp thân nhân tìm lại liệt sĩ đưa về quê nhà an táng.

Ông Trần Hay - Trưởng ban Đại diện thương binh nặng huyện Thăng Bình cho biết: “Ông Đặng là tấm gương vượt khó vươn lên làm giàu, được địa phương bình chọn là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi. Dù sức khỏe ngày càng yếu nhưng ở ông Đặng, chúng tôi luôn cảm nhận được sự tâm huyết, khi đã lặn lội kết nối với các thân nhân liệt sĩ”.

Ông Đặng tự nghĩ, ông may mắn hơn các đồng đội khác, được trở về quê hương, được đoàn tụ cùng gia đình thì ít ra ông phải làm được điều gì đó cho những người đồng đội đã khuất. Và vì thế, ông lặn lội trên các cung đường xưa, nhớ tên từng đồng chí và tích cực đăng thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng để tìm kiếm thân nhân liệt sĩ. Đồng thời với đó, ông kết nối với các đồng đội còn sống ở các địa phương để trực tiếp tìm kiếm thông tin về thân nhân của các chiến sĩ đã hy sinh. Có trường hợp gia đình khó khăn, ông vận động, kêu gọi sự đóng góp để tạo điều kiện cho gia đình đưa đồng đội về lại quê hương.

Năm nay sắp bước sang tuổi 70, nhưng ít ai biết được ông Đặng vẫn tiếp tục phát triển kinh tế. Sau ngày giải phóng, trở về quê nhà, từ số vốn vay ít ỏi ban đầu ông đầu tư mua máy xay xát, rồi từ đó, tích cóp và mở rộng, đầu tư mua máy ép dầu, máy cưa, máy xẻ gỗ để mở xưởng mộc. Sức khỏe không còn tốt như trước nên ông thuê khoảng 10 nhân công để sản xuất, kinh doanh, còn ông cùng vợ lo việc chăn nuôi. Phát triển kinh tế, không chỉ chăm lo cho gia đình mà còn có điều kiện để ông thực hiện tâm huyết của mình là tìm thân nhân cho đồng đội không may ngã xuống. “Thương binh tàn nhưng không phế, nên tôi cố gắng phát triển kinh tế, và cùng với đó, tìm kiếm đồng đội. Tôi cũng dặn dò con cháu phải làm giàu chân chính rồi từ đó giúp đỡ các gia đình khó khăn hơn”- ông Đặng chia sẻ.

Những ngày trở trời, vết thương năm xưa lại hành hạ nhưng sau những cơn đau âm ỉ ấy, hừng hực trong tâm tưởng của người thương binh nặng Hoàng Văn Đặng là phải làm được điều gì đó cho các đồng đội đã hy sinh. Và sau những chuỗi ngày dài tìm kiếm, một liệt sĩ nào đó được trở về với người thân nơi quê nhà, ông lại rưng rưng hạnh phúc...

THU SƯƠNG - VĂN TOÀN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Người thương binh và hành trình tìm thân nhân đồng đội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO