Người thuyền trưởng đi qua các nhà tù

NGUYỄN ĐIỆN NGỌC 24/12/2018 03:03

Ông Lê Thám còn có tên Lê Đành, Lê Hùng, Nguyễn Đông, sinh năm 1905 trong một gia đình ngư dân nghèo ở làng Tam Ấp, nay là thôn Hạ Thanh 1 (xã Tam Thanh, TP.Tam Kỳ). Năm 1945, ông tham gia giành chính quyền, cùng đồng bào cả nước làm nên thành công của cuộc Cách mạng Tháng Tám. Năm 1948 ông vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng, được tổ chức phân công ở lại địa phương gây dựng cơ sở cách mạng, hoạt động bí mật trong lòng địch. Đầu năm 1956 ông được tổ chức gọi đi tập kết ra miền Bắc. Do phương tiện đi lại khó khăn, ông Lê Thám lấy chiếc thuyền đánh cá của gia đình, một mình vượt biển ra phía nam bờ sông Gianh (tỉnh Quảng Bình) trình diện và nhận nhiệm vụ tại Cục Nghiên cứu thuộc Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam. Qua 3 tháng nghỉ dưỡng và học tập, ông được đơn vị giao nhiệm vụ đưa đón cán bộ tình báo và chuyển tài liệu từ Bắc vào Nam và ngược lại bằng đường biển. Hơn 5 năm (1956 - 1961) ông Lê Thám thực hiện được hàng chục chuyến thuyền, đưa hàng trăm lượt cán bộ, chiến sĩ và nhiều tài liệu quan trọng đến nơi an toàn, tiếp thêm sức mạnh cùng quân và dân miền Nam chiến đấu.

Di ảnh ông Lê Thám.
Di ảnh ông Lê Thám.

Tuy nhiên vào buổi chiều của một ngày đầu tháng 6.1961, khi ông Lê Thám cho thuyền vào neo đậu bên bờ sông Hàn (Đà Nẵng) để thuyền viên đi chợ mua lương thực, thực phẩm chuẩn bị chuyển ra miền Bắc thì bị mật thám phát hiện và theo dõi. Lúc thuyền viên trở về, ông Lê Thám quan sát thấy có người lạ mặt bám theo, cảm nhận được điều không lành, ông nhanh tay thả túi tài liệu và chiếc máy ảnh xuống sông... Địch xét thuyền chỉ phát hiện được mỗi chiếc la bàn dùng để đi biển nhưng chúng vẫn bắt ông đưa về nhốt tại Trại giam An Đồn. Tại đây, bị địch dùng hai ngọn đèn điện công suất lớn chiếu thẳng vào mắt bắt hô khẩu hiệu phản động nhưng ông không chấp hành. Bọn chúng treo ông lên xà nhà dùng roi điện đánh nhừ cả người. Chết đi sống lại nhiều lần, sau đó bọn chúng đưa ông về Sư đoàn 2 nhốt vào chuồng cọp và bỏ đói nhiều ngày liền. Không lâu sau, bọn chúng đưa ông ra Huế nhốt tại trung tâm cải huấn, hành hạ thêm 2 ngày trước khi chuyển sang nhà lao Mang Cá. Mười ngày sau, bọn chúng lại đưa ông ngược vào Đà Nẵng giam ở nhà lao Cây Me thuộc Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn. Mặc dù bị địch dùng nhiều thủ đoạn tra tấn “thừa sống thiếu chết” nhưng không làm khuất phục được tấm lòng kiên trung, bất khuất của ông. Đầu năm 1962 bọn chúng đưa ông vào trại giam Lê Văn Duyệt (Sài Gòn), nhốt trong xà lim chật chội, người trần truồng, muỗi rệp cùng các loại côn trùng cắn gây lở loét khắp nơi trên cơ thể. Cuối năm 1962 ông bị chuyển về nhà lao Phú Lợi (Bình Dương), đến giữa năm 1963 bị đưa về nhà lao Tân Hiệp. Ở đây bọn chúng bắt tù nhân chào cờ Việt Nam cộng hòa, hát những bài hát có nội dung phản động. Ông Lê Thám không chấp hành, bị bọn chúng đánh đập dã man và đưa vào nhốt ở hầm tối. Hầm rất hẹp, tối tăm, hai tay, hai chân bị còng, ăn, ngủ và vệ sinh tại chỗ… Đủ mọi hình thức tra tấn cũng như dụ dỗ nhưng không khuất phục được tinh thần yêu nước của người cộng sản, tháng 9 năm 1965 bọn chúng kêu án tù chung thân và đày ông đi Côn Đảo.

Vừa đặt chân đến cầu tàu 914 Côn Đảo, bọn cai ngục đã đánh ông một trận phủ đầu rồi đưa về giam tại phòng số 8, trại 1. Trong những tháng năm bị giam cầm tại đây, luôn bị bọn cai ngục đánh đập, bắt chào cờ và đi làm tạp dịch, ông Lê Thám cùng bạn tù nhất quyết không chấp hành, bị bọn chúng tung vôi bột vào trại để đàn áp, sau đó đưa đi nhốt ở chuồng cọp, bỏ đói nhiều ngày. Giữa năm 1968 địch phát hiện ông là chiến sĩ quân đội nên chuyển về giam tại nhà lao Biên Hòa, đến tháng 10.1969 chúng đưa ông ra trại giam tù binh Phú Quốc. Tại đây, ông bị đưa vào khu biệt giam, hai chân và hai tay bị xiềng chung chéo lại với nhau, người ông lúc nào cũng ở trong tư thế cong như con tôm. Mỗi đêm bọn chúng điểm danh 8 - 9 lần, ai ho bọn chúng bắt ra đánh sưng mình, sưng mẩy, gãy tay, gãy chân… Cuối năm 1971, có một số tù nhân vượt ngục, nghi có sự tiếp sức của ông, bọn chúng bắt ông nằm vắt ngang bụng trên một thanh gỗ hẹp, ruột gan đau như cắt, nếu chịu đau không nổi, ngã xuống đất bọn chúng sẽ đánh và bắt lên nằm lại cho đến khi ngất người đi...

Năm 1973, thực hiện Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, ông Lê Thám được trao trả tù binh tại Thiện Ngôn (Lộc Ninh) và được đưa ra miền Bắc để an dưỡng. Cuối năm 1974, Ban Thống nhất Trung ương cử ông tham gia đoàn công tác của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đi tố cáo tội ác chiến tranh của Mỹ ngụy tại các nước Đức, Na Uy, Đan Mạch, Thụy Điển, Nam Tư và Tiệp Khắc. Ông đã vạch trần tội ác của đế quốc Mỹ và bọn tay sai, đồng thời kêu gọi các nước yêu chuộng hòa bình ủng hộ nhân dân Việt Nam đấu tranh bảo vệ công lý về quyền con người...

Sau ngày đất nước thống nhất, ông Lê Thám về quê sinh sống, đến năm 1978 cùng gia đình định cư tại TP.Hồ Chí Minh. Ông đã được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất. Qua đời vào tháng 3.1999, do tuổi cao sức yếu, nhưng đến nay những câu chuyện ông chèo thuyền vượt biển ra miền Bắc; hơn 5 năm chèo lái đưa hàng trăm lượt cán bộ, chiến sĩ và nhiều tài liệu quan trọng từ Bắc vào Nam và ngược lại an toàn, tuyệt mật; hơn 12 năm bị địch bắt, đày qua các nhà tù với hàng trăm lần bị địch tra tấn “thừa sống, thiếu chết” vẫn thủy chung với cách mạng, trung thành với Đảng, với nhân dân... luôn được các thế hệ cháu con lưu truyền để giữ gìn truyền thống cách mạng của gia đình.

NGUYỄN ĐIỆN NGỌC

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Người thuyền trưởng đi qua các nhà tù
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO