(QNO) - Sáng nay 19/3, tại Trường Đại học Quảng Nam diễn ra tọa đàm khoa học “Bảo tồn động vật hoang dã và phục hồi đa dạng sinh học (ĐDSH)”.
Hoạt động do Trường Đại học Quảng Nam phối hợp với Hợp phần bảo tồn ĐDSH, dự án VFBC tổ chức.
Đến dự tọa đàm có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cùng đại diện sở, ban ngành của tỉnh cùng các chuyên gia, nhà báo và hàng trăm sinh viên Trường Đại học Quảng Nam.
Theo đề dẫn tọa đàm, Việt Nam được ghi nhận là một trong 16 quốc gia có ĐDSH cao nhất thế giới. ĐDSH đóng vai trò quan trọng đến sự tồn tại và phát triển của con người.
Tuy nhiên, tình trạng săn bắt, mua bán, sử dụng trái phép động vật hoang dã (ĐVHD) ngày càng tăng. Việc này đã đẩy nhiều loài ĐVHD đến bên bờ tuyệt chủng và ảnh hưởng đến tính ĐDSH.
Hành vi xâm hại ĐVHD vẫn còn tiếp diễn. Trong đó, một trong những hành vi phổ biến và tồn tại ở tất cả các địa phương là tiêu thụ thịt ĐVHD.
Theo kết quả khảo sát về tiêu thụ thịt ĐVHD do WWF thực hiện trong năm 2021 - 2022, số lần ăn thịt ĐVHD trung bình của nhóm người có tiêu thụ thịt ĐVHD là 7 lần/năm. Ba nhóm khách hàng chính tiêu thụ thịt động vật hoang dã nằm trong độ tuổi từ 20 - 49.
Đáng chú ý, nhóm khách hàng trẻ trong độ tuổi 20 - 29 ở khu vực thành thị lại chiếm tỷ lệ khá cao và 50% số người trong nhóm khách hàng 20 - 29 là đang đi học, có khả năng cao tham gia vào chuỗi tiêu dùng thịt ĐVHD.
Với khu vực thành thị, nhóm người có học vấn từ cao đẳng đến đại học chiếm tỷ lệ gần 70% trong số người có tiêu thụ thịt ĐVHD được khảo sát. Do đó, việc tác động đến sinh viên hoặc đoàn viên thanh niên là cần thiết để góp phần bẻ gãy mắt xích tiêu dùng thịt ĐVHD hiện tại và tiềm năng.
Tại tọa đàm, sinh viên Trường Đại học Quảng Nam được nghe nhiều bài tham luận ý nghĩa về ĐDSH tỉnh Quảng Nam. Đặc biệt bài thuyết trình về thực trạng hoạt động săn bắt, mua bán và tiêu thụ ĐVHD qua các phóng sự điều tra của Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng.
Chia sẻ nhiều thông tin, hình ảnh sống động về thực trạng săn bắt, mua bán, tiêu thụ ĐVHD, Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng mong muốn người trẻ nói chung và người trẻ Quảng Nam không vô can, thờ ơ trước các hành vi săn bắt, mua bán, tiêu thụ ĐVHD. Khi phát hiện hành vi trái phép hãy mạnh dạn tố cáo, gọi điện đến đường dây nóng để thông báo cho ngành chức năng.
Phát biểu tại tọa đàm, PGS-TS.Huỳnh Trọng Dương - Hiệu trưởng Trường Đại học Quảng Nam cho biết, để bảo vệ môi trường, bảo tồn ĐDSH, trước hết cần có sự chuyển biến mạnh mẽ trong tư duy và nhận thức về lối sống bền vững hài hòa, có trách nhiệm với thiên nhiên.
Đặc biệt, việc bảo tồn thiên nhiên và ĐDSH muốn đạt được thành công cần có sự chung tay của các tầng lớp xã hội, đặc biệt là tầng lớp thanh niên, sinh viên.
“Thanh niên nói chung và sinh viên nói riêng đóng vai trò quan trọng đối với việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức và vận động chính các bạn trong nhóm tuổi và các thế hệ trẻ khác về vai trò của ĐDSH đối với sự tồn vong của loài người và sự phát triển bền vững đất nước” – ông Dương nhấn mạnh.
Tại chương trình đã diễn ra tọa đàm về vai trò của sinh viên với hoạt động bảo tồn ĐVHD và phục hồi ĐDSH; các tiết mục văn nghệ, tiểu phẩm tuyên truyền về bảo vệ ĐVHD…