Thời gian gần đây, không ít mô hình hợp tác xã (HTX) do thanh niên trên địa bàn tỉnh sáng lập và hoạt động hiệu quả đã chứng minh người trẻ vẫn phù hợp với loại hình kinh tế hợp tác nếu linh hoạt và năng động.
Mô hình chăn nuôi gà ở HTX Nông nghiệp - dịch vụ Phú Phong (xã Bình Trung, Thăng Bình). Ảnh: Q.T |
Theo số liệu của Tỉnh đoàn, hiện nay trên toàn tỉnh có 13 HTX do thanh niên thành lập và quản lý; trong đó mới nhất là HTX Cảnh Tiên (xã Tiên Cảnh, Tiên Phước). Trong số này, huyện Thăng Bình là địa phương có số lượng HTX nhiều nhất với 6 HTX, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Ngoài ra, ở một số địa phương như Tiên Phước, Hiệp Đức hay Đại Lộc, các mô hình HTX do người trẻ sáng lập cũng đang hoạt động ổn định đem lại lối mở cho người trẻ muốn lập nghiệp ở quê hương.
Do có kinh nghiệm nuôi, sản xuất và có thu nhập hiệu quả từ yến ở quy mô hộ gia đình, nên từ cuối năm 2016 anh Ngô Thanh Phong (xã Bình Trung, Thăng Bình) đã mạnh dạn thành lập HTX Nông nghiệp - dịch vụ Phú Phong với sự hợp tác của 8 thành viên khác. Hiện nay HTX Nông nghiệp - dịch vụ Phú Phong đang có một trang trại rộng 2,5ha tại xã Bình Chánh để chăn nuôi nhiều loại gia súc, gia cầm như: heo, gà, vịt, yến… Với việc thành lập và đưa HTX đi vào hoạt động, đơn vị nhận được một số cơ chế ưu đãi như được Liên minh HTX tỉnh hỗ trợ xây dựng trụ sở, hỗ trợ tìm kiếm quỹ đất sản xuất… Bản thân anh Phong cũng được hỗ trợ 50% lương cơ bản trong 5 năm liên tục với vai trò lãnh đạo HTX. “Sản phẩm yến mang tên yến sào Phú Phong thời gian gần đây rất được thị trường ưa chuộng. Hiện tại, đơn vị cố gắng tìm đầu ra cho các sản phẩm khác nhất là gà, vịt bằng cách liên kết với các HTX mạnh trên địa bàn tỉnh” - anh Phong cho biết thêm.
Với HTX nấm Nhì Tây (xã Bình Lâm, Hiệp Đức), việc phát triển mô hình sản xuất kinh tế theo hướng HTX đang tạo ra sự khởi sắc tích cực với hơn 10 tấn nấm thành phẩm từ đơn vị được thị trường tiêu thụ mỗi năm. Chị Nguyễn Thị Minh Thùy - Chủ nhiệm HTX nấm Nhì Tây chia sẻ: “Trước đây mình từng làm ăn riêng nhưng do nhận thấy sự hạn chế về vốn và các yếu tố khác nên đã tập hợp những người trẻ cùng chí hướng tại địa phương để thành lập HTX từ năm 2014”. Để tránh tình trạng “cha chung không ai khóc” như một số HTX truyền thống, tất cả 9 thành viên HTX nấm Nhì Tây đều góp vốn vào sản xuất và cùng tham gia bàn bạc, góp ý để HTX hoạt động hiệu quả và tạo ra nguồn thu nhập ổn định.
Việc ra đời các mô hình HTX của thanh niên cũng giúp giải quyết việc làm cho hàng chục lao động trẻ thất nghiệp tại địa phương. Đồng thời khai thác đúng mức tiềm năng, lợi thế truyền thống của địa phương như nuôi heo rừng - HTX Đại Đồng Phát (xã Đại Đồng, Đại Lộc) hay trồng rau sạch - HTX rau sạch Mỹ Hưng (xã Bình Triều, Thăng Bình). Đơn cử như trường hợp của HTX rau sạch Mỹ Hưng, trước thực trạng nhiều người trẻ ở địa phương không còn tha thiết gắn bó với nghề truyền thống của làng rau Hưng Mỹ, đơn vị đã mạnh dạn tiếp cận các phương pháp canh tác nông nghiệp mới, cải tiến sản xuất cùng với tiếp nhận sự hỗ trợ từ chính quyền, tổ chức phi chính phủ và bước đầu tạo được hiệu ứng tích cực khi thu hút được nhiều thành viên trẻ tham gia HTX cũng như đưa được sản phẩm ra thị trường tại Đà Nẵng, Tam Kỳ…
QUỐC TUẤN