Văn hóa - Văn nghệ

Người trẻ mê thư pháp

NGUYỄN HỮU HỒNG SƠN 05/01/2025 08:30

“Thư pháp Lão Trọc” là một kênh YouTube và trang web do Nguyễn Hữu Pháp sáng lập, nhằm lan tỏa niềm đam mê viết thư pháp của mình.

nhp1.jpg
Nguyễn Hữu Pháp viết chữ tặng khách đến Trọc thư trà nhân dịp Tết nguyên đán.

Nghệ thuật rèn sự kiên nhẫn

TS.Nguyễn Thế Hà, công tác tại Viện Hàn Lâm Khoa học - Xã hội vùng Trung Bộ (thuộc Trung tâm Nghiên cứu văn hóa và lịch sử) cho rằng, thư pháp hiện thu hút nhiều người quan tâm cũng như học hỏi, trong đó có cả những bạn trẻ và người yêu thích viết chữ.

Nhiều người tìm cách cân bằng cuộc sống trong sự an tĩnh của tâm hồn bằng cách nghỉ ngơi, thư giãn tích cực. Thư pháp, trà thiền... được xem là những loại hình mang đến năng lượng tích cực. Việc nhiều bạn trẻ tiếp xúc, tìm hiểu, chiêm nghiệm triết lý ẩn trong chữ là tín hiệu vui với đời sống văn hóa Việt.

Ngoài hình thức viết chữ thông thường trên giấy, thư pháp còn được viết trên vải, gỗ, trên các loại trái cây hay loại hình tranh kết hợp thư pháp...

laotroc1.jpeg
Nguyễn Hữu Pháp bên tác phẩm thư pháp Kinh Chú Đại Bi.

Theo ông Nguyễn Hiếu Tín - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thư pháp Nhà văn hóa Thanh Niên TP.Hồ Chí Minh, hiểu một cách khái quát, thư pháp là nghệ thuật thể hiện chữ viết, phương tiện biểu tỏ tâm thức con người.

Nó gắn với cơ sở mỹ học (cách viết, kỹ thuật viết, bút pháp, đường nét, màu sắc) và gắn với tính cách, tâm tư, tình cảm, quan niệm triết học, nhân sinh quan của người viết.

Ngoài nhẫn nại, chịu khó để rèn luyện kỹ năng, người chơi thư pháp còn cần trau dồi kiến văn, đọc nhiều sách vở, quan niệm triết học cổ kim để mở rộng hiểu biết.

Người xưa nói muốn viết thư pháp cần phải “Giấy một núi, mực một ao, bút một rừng và nhẫn ngàn chữ” mới có thể đạt được. Người viết cần tập trung tinh thần cao độ vào từng nét chữ, loại bỏ tạp niệm để nét chữ được thần thái, đoan trang. Điều này còn giúp rèn luyện tư tưởng, tính cách hướng thiện, mang lại sự an tĩnh trong tâm hồn.

Thư pháp không chỉ có ở chữ Hán - Nôm. Với sự sáng tạo không ngừng của các nghệ sĩ, chữ Quốc ngữ dần được nâng lên tầm cao nghệ thuật, trở thành phương tiện để thể hiện cái tôi, cảm xúc và tư tưởng của người viết.

Nguyễn Hữu Pháp tốt nghiệp ngành Kiến trúc công trình - Đại học Kiến trúc Đà Nẵng. Năm 2012, CLB thư pháp trẻ Đà Nẵng do Lão Trọc làm chủ nhiệm được thành lập. Hiện CLB có hơn 60 thành viên, trong đó có 15 thành viên viết thư pháp chuyên nghiệp. Đã có hàng trăm bức thư pháp do anh viết được đem đi đấu giá nhiều nơi nhằm gây quỹ từ thiện, giúp đỡ cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Trong vài năm gần đây, Hữu Pháp theo chân các CLB tình nguyện đến với những vùng quê nghèo ở Quảng Nam, Hà Tĩnh, Nghệ An để cho chữ cho người dân vào dịp tết.

Không gian trà thư

Nguyễn Hữu Pháp quê huyện Núi Thành nhưng sinh ra và lớn lên tại Đắc Lắc. Pháp chọn cho mình tên thường gọi là Lão Trọc, dù anh chỉ sinh năm 1991 và hiện được biết đến là “ông đồ trẻ” tại Đà Nẵng.

img_6907.jpeg
Bạn trẻ uống trà trò chuyện trong không gian quán Trọc thư trà

Kênh YouTube Lão Trọc thư pháp do anh lập ra, nhằm chia sẻ kiến thức, hướng dẫn bạn trẻ yêu thích, tìm hiểu về thư pháp. Hiện kênh có hàng trăm video và hàng chục ngàn người theo dõi. Anh cũng đã xuất bản một số đầu sách, tác phẩm về thư pháp.

Ở các video của mình, Pháp hướng dẫn về bố cục, nét chữ, cách cầm bút làm quen với thư pháp khi mới bắt đầu, cách luyện nét chữ, những mẫu thư pháp hay...

Ngoài ra, Nguyễn Hữu Pháp còn lập trang web riêng mang tên Thư pháp Lão Trọc. Trên trang web của mình, Pháp giới thiệu về những tác phẩm thư pháp, thư họa, các sản phẩm thực hiện kết hợp cùng thư pháp. Đây cũng là nơi anh bày bán những sản phẩm tranh kết hợp thư pháp, các đồ vật lưu niệm... đến những người yêu thích loại hình nghệ thuật.

Xuân đến cũng là dịp anh khá bận rộn khi nhu cầu các sản phẩm thư phẩm thư pháp (lịch thư pháp, phong bao lì xì có chữ thư pháp...) được nhiều người ưa chuộng. Pháp còn làm “ông đồ” viết thư pháp để tặng mọi người ở những công ty, các cơ quan nơi có tổ chức các sự kiện trong dịp đầu năm mới.

Quán Trọc thư trà (đường Hoàng Diệu, TP.Đà Nẵng) do Nguyễn Hữu Pháp mở ra cũng là địa chỉ triển lãm về thư pháp được nhiều bạn trẻ tìm đến. Trọc thư trà với không gian vườn cùng ngôi nhà cũng là nơi trưng bày tác phẩm thư pháp do Pháp thể hiện.

thuphaplt.jpeg
Thư họa hoa Sen với chữ Hiếu của Nguyễn Hữu Pháp

Tại đây, Nguyễn Hữu Pháp sưu tầm khá nhiều đồ cổ, đồ cũ. Từ những bộ bàn ghế, tràng kỷ, cho đến những đồ vật gợi nhớ về không gian sống trong gia đình người Việt thời xưa như bộ ấm chén bằng sành sứ, đất nung hay gốm sứ, chiếc đèn dầu, cái ấm, phích nước, chiếc khay nhôm... Pháp nói, anh muốn gợi lại những ký ức thơ ấu trong lòng người đến quán. Cùng với thư pháp, không gian trà thư đủ để lòng người an trú.

Điểm nhấn thú vị ở Trọc thư trà là những dòng chữ được viết lên vải, giấy và lên gỗ... do “ông đồ trẻ” Nguyễn Hữu Pháp thực hiện. Những tác phẩm thư pháp được trang trí ở nhiều không gian khác nhau của thư trà.

Pháp nói, đó cũng là cách gợi nên cảm xúc sâu kín ẩn trong tâm hồn người. Bằng ngôn ngữ mang tính triết học và ý nghĩa về sự tĩnh lặng của cuộc sống, thư pháp kết hợp cùng không gian trà Việt tạo cảm giác bình yên, thư giãn giữa lòng phố xá sôi động.

Bên tách trà nóng, những câu chuyện của các bạn trẻ, của khách đến quán như mang đến hương vị ấm áp. Mùa xuân này, “Lão Trọc thư pháp” lại tiếp tục cho chữ ở một góc phố Đà thành...

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Người trẻ mê thư pháp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO