(QNO) - Sân khấu tuồng truyền thống đang đối mặt với nhiều khó khăn trong hành trình bảo tồn và phát triển. Nhưng thời gian gần đây, trên các sân khấu của huyện Duy Xuyên đã xuất hiện một số em nhỏ không những có năng khiếu mà còn có niềm say mê với loại hình nghệ thuật này...
Vở tuồng “Quốc Toản ra trận” đoạt giải Nhất. Ảnh: LÊ BÌNH |
Liên hoan nghệ thuật tuồng lần thứ VIII năm 2016 do huyện Duy Xuyên vừa tổ chức nhận được sự quan tâm của đông đảo công chúng trên địa bàn. Hoạt động này ghi nhận 2 tiết mục tuồng đồng ấu xuất sắc đến từ Trường THCS Phan Châu Trinh (xã Duy Châu) và Trường THCS Trần Cao Vân (thị trấn Nam Phước). Những màn trình diễn lôi cuốn của thí sinh nhí cho thấy, dường như người trẻ vẫn không quay lưng với loại hình nghệ thuật truyền thống ấy.
Hai tiết mục biểu diễn tại liên hoan lần này đã mang đến những sắc màu tươi mới, nét trẻ trung cho bức tranh văn hóa tuồng. Vở tuồng “Quốc Toản ra trận” do em Nguyễn Thị Thơm (học sinh lớp 9 Trường THCS Phan Châu Trinh, xã Duy Châu) thủ vai chính đã thật sự đánh sâu vào cảm xúc của khán giả. Những tràng pháo tay, tiếng trầm trồ vang lên không ngớt. Đây hẳn là một tín hiệu mừng, chứng tỏ nghệ thuật tuồng đã, đang và vẫn luôn có một sức sống tiềm tàng. Sức trẻ, vẻ hồn nhiên, sự thuần thục và tình yêu các em dành cho nghệ thuật truyền thống khiến nhiều người lớn phải thán phục.
Trải qua một ngày tham dự liên hoan, phần thi của các em học sinh Trường THCS Phan Châu Trinh đã vượt qua những anh chị, cô chú có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề để giành giải Nhất một cách thuyết phục. Và, ít ai biết rằng các thành viên trong nhóm học sinh ấy mới chỉ theo học tuồng được khoảng 2 năm. Em Nguyễn Thị Thơm chia sẻ: “Trước đây, em chỉ mê nhạc thiếu nhi và nhạc trẻ nhưng từ khi môn nghệ thuật này được đưa về trường rồi em được chọn để học tập và biểu diễn thì em thật sự yêu thích nó. Chúng em chỉ được tập luyện gần 2 tháng rồi đi diễn trong xã, bây giờ mới có cơ hội được diễn ở huyện. Em thật sự rất vui và mong mình đi diễn nhiều nơi hơn nữa để nhiều người được nghe, có cái nhìn mới về môn nghệ thuật này”.
Đoàn Kim Ngân (áo đỏ) khiến khán giả xúc động khi diễn rất nhập tâm vào nhân vật. Ảnh: LÊ BÌNH |
Tương tự, vở tuồng “Trưng Vương đề cờ” của các em học sinh Trường THCS Trần Cao Vân (thị trấn Nam Phước) cũng khiến khán giả dự xem cuộc liên hoan lần thứ VIII này xúc động mạnh. Em Đoàn Kim Ngân với chất giọng hay và truyền cảm cùng với phong cách biểu diễn tự tin đã thật sự thuyết phục những khán giả dù khó tính nhất. Kim Ngân chia sẻ: “Ban đầu em đến với nghệ thuật tuồng chỉ vì thấy hứng thú nhưng rồi dần dần tiếp xúc, em nhận ra mình thật sự đam mê nó. Em được các cô chú nghệ sĩ dạy rất nhiều về cách trình diễn và cách cảm nhận về nhân vật mình sẽ diễn. Em nghĩ em cùng bạn của mình sẽ dùng cách của mình, giọng ca của mình để thu hút nhiều bạn trẻ đến với bộ môn nghệ thuật này nhiều hơn nữa”.
Tháng 9 tới, 2 em Nguyễn Thị Thơm và Đoàn Kim Ngân cùng 4 bạn trẻ khác ở huyện Duy Xuyên sẽ bước trên một con đường mới. Các em sẽ được học về môn nghệ thuật tuồng truyền thống trong một môi trường chuyên nghiệp là Trường Đại học Sân khấu điện ảnh Hà Nội theo Quyết định số 4363/QĐ-BVHTTDL (ngày 16.12.2015) của Bộ VH-TT&DL về việc tuyển dụng, đào tạo diễn viên, nhạc công nghệ thuật tuồng giai đoạn 2016-2020. Tại Hà Nội, các em sẽ được miễn chi phí học tập và sau này được bố trí về làm việc ở Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh. Đây được xem là động lực to lớn giúp các em vững tin để đi xa hơn với bộ môn này. Mong rằng với tinh thần tuổi trẻ và sự nhiệt huyết, học hỏi không ngừng nghỉ, các em sẽ đóng góp vào công cuộc bảo tồn và lan tỏa nghệ thuật tuồng đến với mọi người...
LÊ BÌNH