Người trẻ tạo việc

QUỐC TUẤN 12/02/2018 14:51

Đi cùng trào lưu cổ vũ giới trẻ khởi nghiệp - sáng tạo trong thời gian qua của cơ quan chức năng và cộng đồng, những người trẻ đang mạnh dạn nắm bắt  thời cơ cũng như chấp nhận đối mặt với thử thách để tham gia các hoạt động kinh doanh, khởi nghiệp, tự tạo việc làm.

Vợ chồng anh Phạm Thành Long hiện sở hữu chuỗi thương hiệu ở 14 cửa hàng trên cả nước về mặt hàng mẹ và bé.Ảnh: QUỐC TUẤN
Vợ chồng anh Phạm Thành Long hiện sở hữu chuỗi thương hiệu ở 14 cửa hàng trên cả nước về mặt hàng mẹ và bé.Ảnh: QUỐC TUẤN

Tự xoay xở

Chị Phạm Thị Thanh - Bí thư Tỉnh đoàn cho biết: “Theo thống kê của đơn vị hiện nay trên toàn tỉnh có 307 mô hình người trẻ khởi nghiệp, 12 hợp tác xã và 71 tổ hợp tác thanh niên trong số này có rất nhiều mô hình bắt nguồn từ các sinh viên trẻ ra trường về quê lập nghiệp”. Có thể kể ra mô hình trồng hoa của bạn Trương Công Tiền (xã Bình Phục, huyện Thăng Bình) hay mô hình hợp tác xã thanh niên Thăng Bình kinh doanh đa lĩnh vực do anh Trần Hữu Tịnh (cựu sinh viên Trường Đại học Quảng Nam) khởi xướng.

Thành phố Đà Nẵng được xem địa chỉ ưa thích để những trí thức trẻ Quảng Nam bắt đầu khởi nghiệp. Theo số liệu từ Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng khoảng ¼ số dự án được tuyển chọn ươm tạo qua 4 khóa tại đơn vị có người sáng lập đến từ Quảng Nam.

Tại thị xã Điện Bàn, trào lưu tự tìm kiếm các cơ hội kinh doanh, khởi nghiệp từ những cựu sinh viên 8x, 9x đang trở nên sôi động trong vài năm gần đây. Theo số liệu tổng hợp từ các hội sinh viên tại địa phương, hiện nay có ít nhất trên dưới 100 người trẻ từng tốt nghiệp ở các trường đại học, cao đẳng trên toàn quốc đang tự lập để sở hữu những mô hình kinh doanh triển vọng ở nhiều lĩnh vực như: nông nghiệp, du lịch, thương mại… Có thể kể đến trường hợp chị Lương Hoàng Giang (xã Điện Phong), cựu sinh viên Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng với mô hình trồng rau hữu cơ Gò Nổi hay anh Lê Tấn Hoàng (phường Điện Dương) cựu sinh viên Đại học Bách khoa Đà Nẵng với mô hình kinh doanh canô tàu biển tham quan Cù Lao Chàm, tạo việc làm thường xuyên cho 5 - 7 nhân viên với mức lương ổn định… Anh Lê Tấn Hoàng cho biết: “Lúc mới ra trường gia đình cũng gợi ý mình nộp đơn chờ cơ hội tại một số cơ quan nhà nước và doanh nghiệp lớn trên địa bàn thị xã đang có nhu cầu tuyển dụng nhưng mình muốn tìm kiếm thử thách và mơ ước có nguồn thu nhập cao nên quyết định tự tạo cho mình một doanh nghiệp nhỏ”.  

Một xu hướng khác được người trẻ ở Quảng Nam quan tâm và hướng đến chính là lập nghiệp tại các đô thị lớn với môi trường cạnh tranh cao, cơ hội lớn. Như bạn Lê Vĩnh Hà (sinh năm 1994, Điện Bàn) đang cùng với một nhóm bạn quản lý quán Đèn Coffee - Acoustic (TP.Hồ Chí Minh) với ý tưởng trang trí bằng đèn lồng, thường xuyên tổ chức các đêm nhạc cho người chung đam mê, nhất là người Quảng xa quê.

Rời nhiệm sở

Hai vợ chồng anh Phạm Thành Long (Điện Thọ, Điện Bàn) và chị Võ Thị Hồng Trinh (Điện Nam Trung, Điện Bàn) đều sinh năm 1988. Chỉ mới cách đây vài năm trước thôi, cả hai vợ chồng đều công tác trong cơ quan nhà nước và chẳng hề nghĩ đến một ngày mình sẽ sở hữu một chuỗi thương hiệu thời trang về mẹ và bé mang tên Mum’s Shop. Anh Long học đại học tại Thái Lan chuyên ngành quản trị kinh doanh khi ra trường xin vào công tác tại Phòng Tài nguyên môi trường thị xã Điện Bàn từ năm 2012 với công việc thẩm định hồ sơ pháp lý chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Còn chị Trinh làm việc tại Văn phòng Đăng ký đất đai (Điện Bàn) từ cuối năm 2010. Chị Trinh có 2 bằng đại học, bằng thạc sĩ và nằm trong diện quy hoạch cán bộ nguồn của đơn vị nhưng lần lượt cả hai đều rời cơ quan nhà nước để thỏa khát vọng kinh doanh.

Trong giai đoạn làm nhà nước, hai vợ chồng anh Long đã tập tành buôn bán online và nhận thấy cơ hội từ phương thức này. Đầu năm 2015, khi đã phát triển được một cửa hàng buôn bán tại TP.Đà Nẵng, anh Long chính thức nghỉ việc tại Phòng Tài nguyên môi trường Điện Bàn. “Với đồng lương của hai vợ chồng trẻ trong cơ quan nhà nước mà phải lo thêm cho con nhỏ thì hết sức chật vật nên chúng tôi quyết định ra kinh doanh với mục đích tìm cơ hội cải thiện thu nhập” - anh Long chia sẻ. Đến tháng 5.2017, chị Trinh cũng rời khỏi Văn phòng Đăng ký đất đai của thị xã Điện Bàn để dồn sức cho việc kinh doanh đang ngày càng mở rộng. Chị Trinh bộc bạch: “Lúc tôi nghỉ việc cha mẹ tôi phản đối dữ dội, ông bà nhất quyết không cho mượn tiền để vợ chồng kinh doanh thậm chí không chịu giữ cháu để gây sức ép buộc tôi không được nghỉ việc”.

Từ chỗ chỉ thuê một căn phòng nhỏ với giá 1,5 triệu đồng/tháng vào cuối năm 2014 để kinh doanh quần áo đến nay vợ chồng anh Long đã có một cửa hàng lớn tại TP.Đà Nẵng với giá thuê mặt bằng gần 20 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, vợ chồng anh còn nhượng quyền thương hiệu Mum’s Shop cho 13 cửa hiệu khác từ TP.Huế trở vô nam.  Một lợi thế không nhỏ trong việc kinh doanh của vợ chồng nằm ở chỗ anh Long rất thông thạo tiếng Thái Lan nên vấn đề tìm nguồn hàng chất lượng, giá tốt tại Thái Lan dễ dàng hơn nhiều. Đến nay, vợ chồng của anh Long đã có thể hài lòng với quyết định rời khỏi công việc nhà nước của mình bởi nguồn thu nhập từ kinh doanh đã gấp hàng chục lần so với khi còn làm công việc cũ.

QUỐC TUẤN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Người trẻ tạo việc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO