Nhiều nhà khoa học trẻ xứ Quảng đã đạt thành tựu xuất sắc trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học tại Mỹ và các quốc gia tiên tiến, góp phần cho sự phát triển chung của nhân loại.
Nữ tiến sĩ Việt với phát minh về vật liệu pin
Năm 2022, báo chí tại Mỹ đưa tin về TS. Mya Lê Thái, nhà khoa học người Mỹ gốc Việt tại Đại học California Irvine (UCI) đã phát minh ra vật liệu pin dựa trên dây nano có thể sạc hàng trăm nghìn lần, đưa con người đến gần hơn với loại pin có thể tồn tại mãi mãi mà không cần thay thế.
Công trình đột phá này có thể là tiền đề để các nhà sản xuất pin lithium-ion tạo ra các loại pin thương mại có tuổi thọ dài đến 400 năm nhằm cung cấp năng lượng cho nhiều thiết bị phục vụ cuộc sống, bao gồm máy tính, điện thoại thông minh, thiết bị gia dụng, ô tô và tàu vũ trụ. Ý tưởng táo bạo này được các nhà khoa học thuộc UCI, trong đó có nữ nghiên cứu sinh bậc tiến sĩ.
Mya Le Thai chuyên nghiên cứu về công nghệ dây nano, bắt đầu tiến hành từ năm 2016 tại phòng thí nghiệm của trường do GS. Hóa học Reginald Penner phụ trách.
Mya Le Thai có tên tiếng Việt là Lê Thị Trà My. Trước khi sang Mỹ học, cô là nữ sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP.Đà Nẵng niên khóa 2002 - 2003. Mya Le Thai đã hoàn thành chương trình nghiên cứu sinh tiến sĩ chuyên ngành vật lý hóa học ở Đại học UCI và hiện là kỹ sư làm việc cho Intel Corporation ở Mỹ.
Trước đó, cô theo học bậc cử nhân về công nghệ nano (Nanotechnology) tại Đại Học UCLA. Năm 2015, cô đến Washington D.C. và làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu năng lượng Tiên Phong thuộc Bộ Năng lượng Mỹ, trước khi trở về lại UCI để tham gia nghiên cứu chuyên sâu về công nghệ nano.
Hiện Mya Le Thai vẫn tiếp tục nghiên cứu để công trình hoàn thiện hơn, từ đó có thể tạo ra loại pin mới dùng đến hàng thế kỷ có thể được ứng dụng cho ô tô, nhà cửa, máy bay, công cụ xây dựng, khám phá không gian cũng như các thiết bị điện tử và điện gia dụng khác.
Nhà khoa học xuất sắc về công nghệ 6G
Năm 2016, tại Hội nghị ngành viễn thông lớn nhất thế giới IEEE Globecom tổ chức tại Washington, Mỹ, có một nhà khoa học người Hội An đã đoạt giải thưởng Công trình nghiên cứu khoa học xuất sắc nhất.
Anh tiếp tục có 2 lần nhận giải thưởng trong các Hội nghị IEE Globecom tiếp theo trong năm 2019 ở Hawaii, Mỹ và 2022 tại Brazil.
Nhà khoa học đó là GS. Dương Quang Trung, hiện làm việc tại Đại học Memorial, Canada. Anh được coi là một nhà khoa học xuất sắc trên thế giới hiện nay về công nghệ 6G.
Vào tháng 11/2023, anh vừa nhận giải thưởng nghiên cứu xuất sắc, kèm khoản tài trợ 8 triệu CAD (5,9 triệu USD) của Chính phủ Canada để chủ trì nghiên cứu công nghệ di động không dây thế hệ mới.
GS. Dương Quang Trung năm nay 45 tuổi. Anh tốt nghiệp Trường THPT Trần Quý Cáp, Hội An rồi trở thành sinh viên Trường Đại học Bách khoa TP.Hồ Chí Minh chuyên ngành viễn thông. Đây là bước đầu cho con đường đi ra thế giới của một cậu sinh viên miền Trung.
Tốt nghiệp loại giỏi, anh thi đậu học bổng toàn phần của Chính phủ Hàn Quốc và lấy bằng thạc sĩ. Từ Hàn, anh qua châu Âu bằng cách thi đậu học bổng tới Thụy Điển học và có bằng tiến sĩ chuyên ngành Hệ thống viễn thông năm 2012.
Một năm sau, anh được nhận vào ngạch giáo sư của Đại học Queen’s Belfast mà không phải trải qua giai đoạn hậu tiến sĩ. Đây là một vinh dự lớn vì Queen’s Belfast là một trong 24 trường đại học hàng đầu của Vương quốc Anh.
6 năm sau, anh được phong giáo sư thực thụ (Full Professor) tại đại học danh giá này. Và Hội Khoa học kỹ thuật Hoàng gia Anh quốc bổ nhiệm anh vào vị trí Chủ tịch nghiên cứu về vấn đề của mạng viễn thông 6G. Tuy nhiên, GS.
Trung lại có một bước đi mới khi chuyển qua Canada - Bắc Mỹ làm việc và nhận vinh dự mới nhất tại Đại học Memorial cùng món tài trợ khủng cho nghiên cứu ở đây. Cùng lúc, anh vẫn làm giáo sư thỉnh giảng tại Anh và được phong là giáo sư danh dự cho Đại học Thủy lợi tại Việt Nam.
Chương trình cấp tài trợ cho GS. Trung là Canada Excellence Research Chair (CERC) năm nay trao cho 34 học giả trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học. Tổng tài trợ là 248 triệu CAD, được rót trong 8 năm.
Đây là một trong những chương trình uy tín và hào phóng nhất trong giới nghiên cứu. Trước đó, GS. Trung từng nhiều lần nhận các giải thưởng và số tiền tài trợ nghiên cứu khủng tại Anh. Vào năm 2017, anh từng nhận giải thưởng Newton Prize cho nghiên cứu xuất sắc của Chính phủ Anh.
Riêng năm 2022, nhóm nghiên cứu do GS. Trung dẫn dắt cùng một số nhóm khác được Chính phủ Anh tài trợ 12 triệu bảng (15,2 triệu USD) để phát triển các công nghệ cho mạng di động mới, linh hoạt và có khả năng mở rộng hơn ngoài 5G và 6G.
Nhà khoa học trẻ ngành sinh học
Huỳnh Thị Ngọc Thư, người Bình Giang, Thăng Bình, là thủ khoa Khoa Công nghệ sinh học, Trường Đại học Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.Hồ Chí Minh) vào tháng 1/2021.
Sau đó cô nộp đơn ứng tuyển và thi đậu học bổng 8 tỷ đồng của Đại học Cornell (thuộc nhóm Ivy League) tại Mỹ và hai trường đại học danh tiếng khác ở Australia (Đại học Sydney và Đại học Queensland).
Nhưng điều đặc biệt là cô 2 lần đậu vào Oxford University của Anh và năm 2022 là thời điểm trường này cấp học bổng toàn phần cho cô theo học. Năm nay cô 25 tuổi.
Ngọc Thư yêu thích ngành sinh học, đặc biệt là khoa học y sinh. Cô từng giành học bổng Global Undergraduate Exchange Program của chính phủ Mỹ, trở thành sinh viên trao đổi tại Loyola University Chicago.
Trước khi đi học tiến sĩ, cô cũng là tác giả chính của các bài báo khoa học "Giá trị chẩn đoán và tiên lượng của Gia đình miR-200 trong ung thư vú - một phân tích tổng hợp và tổng quan hệ thống" đăng trên tạp chí Cancer Epidemiology và "Đánh giá vai trò chứng nội trong nghiên cứu ung thư vú của miR-16" đăng trên tạp chí Molecular Biology. Đây là những thành tựu rất đáng khâm phục với một nhà khoa học trẻ là sinh viên như cô.