Người trồng rừng bị thiệt hại nặng

VĂN SỰ - DUY THÁI 09/11/2020 09:30

Bão số 9 với sức gió mạnh và quần thảo khá lâu đã làm gãy đổ hơn 70 nghìn héc ta rừng nguyên liệu tại nhiều địa phương của tỉnh khiến người dân bị thiệt hại hết sức nặng nề.

Người dân thị trấn Đông Phú (Quế Sơn) thu dọn những diện tích keo nguyên liệu bị ngã đổ vì bão số 9. Ảnh: T.S
Người dân thị trấn Đông Phú (Quế Sơn) thu dọn những diện tích keo nguyên liệu bị ngã đổ vì bão số 9. Ảnh: T.S

Những ngày qua, khảo sát tại nhiều vùng của Quế Sơn, chúng tôi nhận thấy hầu hết diện tích keo lá tràm trên địa bàn huyện đều bị bão số 9 quật ngã, gãy đổ la liệt.

Ông Bùi Minh Đài (thôn Lãnh An, xã Quế Long) cho biết, nhận định bão số 9 có sức tàn phá lớn nên trước khi bão đổ bộ, ông đã nhờ người thân phát dọn, chặt tỉa nhánh để phòng cây keo bị ngã đổ. Thế nhưng, khi bão đi qua, gần 1ha keo lai 2 năm tuổi của ông Đài vẫn bị phá nát, số lượng cây bị gãy và bật gốc lên đến hơn 40%. Số diện tích keo còn lại cũng bị gió làm xiêu vẹo nên mất sức, khó có khả năng phục hồi và phát triển tiếp.

“Bỏ ra một khoản chi phí khá lớn để đầu tư cây giống, phân bón và thuê nhân công trồng keo, bây giờ gần như mất trắng do bão. Sắp tới, tôi tính phá bỏ một phần diện tích keo ngã đổ để chuyển qua loại cây trồng khác mong có sinh kế bền vững hơn” – ông Đài chia sẻ.

Đang phát dọn rừng keo bị gãy đổ, ông Nguyễn Tư (tổ dân phố Lãnh Thượng 1, thị trấn Đông Phú) nói, mấy chục năm nay mới thấy cơn bão lớn thế này. Với sức gió mạnh, quần thảo liên tục trong hơn 8 giờ đồng hồ đã làm ngã đổ quá nhiều cây cối, trong đó cây keo lá tràm bị thiệt hại nặng nề.

Theo ông Tư, lứa trước, rừng keo của ông bán được hơn 30 triệu đồng. Còn lứa này, khi rừng keo gần 4 năm tuổi đang phát triển tốt, chừng 6 tháng nữa tiến hành khai thác thì bão số 9 làm ngã đổ hơn một nửa diện tích, gây thất thu lớn. “Khi rừng keo bị gãy đổ thì việc khai thác gặp rất nhiều khó khăn, hao phí nhân công. Hơn nữa, cây keo bị mất nước dẫn đến tụt giảm sản lượng nghiêm trọng nên thương lái thu mua với mức giá rất thấp” – ông Tư nói.

Ông Lưu Văn Thành – Phó Trưởng phòng NN&PTNT Quế Sơn cho biết, những năm qua người dân trên địa bàn huyện tập trung huy động nhiều nguồn vốn để đầu tư mở rộng diện tích trồng rừng keo nguyên liệu. Thực tế cho thấy, mô hình kinh tế này mang lại nguồn thu nhập cao cho người dân địa phương, giúp rất nhiều hộ thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Tuy nhiên, cơn bão số 9 vừa qua khiến 5.914ha rừng trồng ở nhiều nơi của huyện Quế Sơn như Quế Mỹ, Quế Hiệp, Quế Minh, Quế Long, Quế An, Quế Phong, Quế Thuận, Quế Xuân 2... bị gãy đổ và bật gốc, ước tính bình quân 1ha thiệt hại khoảng 30 triệu đồng. Đối với rừng keo từ 4 - 5 năm tuổi bị ngã đổ, người dân đang tận dụng khai thác để giảm bớt mức độ thiệt hại. Còn đối với rừng keo từ 1 - 3 năm tuổi bị hư hại, không còn cách nào khác là phải phá bỏ để đầu tư trồng lại.

“Hiện nay, ngành liên quan và chính quyền các địa phương của huyện đang tiến hành kiểm tra, đánh giá thiệt hại và hướng dẫn người dân hoàn thiện hồ sơ để đề nghị cấp trên xem xét hỗ trợ một phần kinh phí nhằm có điều kiện đầu tư khôi phục sản xuất, sớm ổn định cuộc sống” – ông Thành nói thêm.

Trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam vào sáng 8.11, ông Lê Minh Hưng – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, cơn bão số 9 vừa qua đã gây thiệt hại hết sức nặng nề cho người trồng rừng ở rất nhiều địa phương của tỉnh. Qua số liệu thống kê sơ bộ cho thấy, trong tổng số 200.000ha rừng nguyên liệu trên phạm vi toàn tỉnh thì đã có hơn 70.000ha bị bão số 9 làm bật gốc và gãy đổ rất nghiêm trọng.

“Số diện tích vừa nêu tập trung chủ yếu tại các huyện Núi Thành, Phú Ninh, Thăng Bình, Hiệp Đức, Tiên Phước, Bắc Trà My, Quế Sơn, Duy Xuyên, Nông Sơn, Đại Lộc, Nam Giang, Đông Giang” - ông Hưng nói.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Người trồng rừng bị thiệt hại nặng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO