Thời gian gần đây, nấm bệnh nguy hiểm bùng phát mạnh làm hàng loạt diện tích tiêu bị chết. Trong khi đó, giá bán sản phẩm trên thị trường lại quá bấp bênh khiến nhiều hộ dân ở Thăng Bình và Duy Xuyên lâm vào tình cảnh khó khăn.
Thời gian qua, nhiều hộ dân lao đao vì nấm bệnh trên cây tiêu bùng phát mạnh. Ảnh: VĂN SỰ |
Nấm bệnh lây lan, giá tiêu giảm sâu
Ông Nguyễn Ngọc Dũng ở thôn Thạnh Xuyên (Duy Thu, Duy Xuyên) cho biết, cách đây 5 năm gia đình ông cải tạo khu đất vườn đồi rồi tiến hành trồng 600 choái tiêu. Từ trước Tết Kỷ Hợi đến nay, vườn tiêu của ông xuất hiện tình trạng vàng lá rồi rụng dần và cây chết hàng loạt. Ông Dũng nói: “Hơn một tháng qua, mặc dù tôi đã mua rất nhiều loại thuốc về xử lý bệnh trên cây tiêu nhưng đến nay vẫn không mang lại kết quả. Hiện tại, vườn tiêu 600 choái của tôi gần như đã chết hết và ước thiệt hại hơn 350 triệu đồng, đó là chưa kể công chăm bón”. Trong khi đó, ông Tăng Trung - Phó ban Nông nghiệp xã Duy Thu cho hay, địa phương hiện có hơn 30 hộ trồng tiêu với khoảng 5.500 choái, tập trung nhiều nhất tại thôn Thạnh Xuyên. Thời điểm này, người trồng tiêu ở Duy Thu đang điêu đứng trước tình trạng bệnh chết nhanh, chết chậm trên cây tiêu có chiều hướng lây lan mạnh. “Chỉ chưa đầy 2 tháng qua, toàn xã Duy Thu đã có gần 900 choái tiêu của 3 hộ dân bị chết. Nguyên nhân có thể là do thời tiết thay đổi liên tục, mưa nắng xen kẽ, trong khi thổ nhưỡng ở vùng này chủ yếu thuộc dạng đất sét, đất lẫn đá. Vì vậy, khi mưa xuống, nước thoát không kịp, tạo điều kiện cho nấm bệnh bùng phát” - ông Trung nói.
Tại huyện Thăng Bình, tình trạng tiêu chết hàng loạt cũng đã và đang xảy ra ở xã Bình Quế. Trao đổi với chúng tôi, ông Đinh Văn Lục - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Quế cho biết, địa phương có 105 hộ dân trồng tiêu với khoảng 7.000 - 7.500 choái, nằm rải rác trên địa bàn 4 thôn gồm Bình Phụng, Bình Quang, Bình Hội, Bình Xá. Phần lớn số lượng choái tiêu vừa nêu được sử dụng nguồn giống từ các tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên. “Trong những năm qua, tại xã Bình Quế, bệnh chết nhanh, chết chậm trên cây tiêu đã xảy ra nhiều đợt và thời gian gần đây 2 loại bệnh này lại tái bùng phát. Qua thống kê sơ bộ, từ năm 2017 đến nay tại địa phương đã có ít nhất 1.500 choái tiêu chết vì nhiễm bệnh chết nhanh, chết chậm” - ông Lục nói.
Không chỉ điêu đứng vì các loại dịch bệnh nguy hiểm hoành hành, hiện nay người trồng tiêu ở nhiều nơi cũng đang lao đao trước tình trạng giá bán sản phẩm trên thị trường giảm sâu. Ông Nguyễn Ngọc Ân ở thôn Thạnh Xuyên (Duy Thu, Duy Xuyên) cho hay, với 900 choái tiêu được trồng trên khu đất vườn đồi rộng lớn, những năm qua bình quân mỗi năm ông thu hoạch được không dưới 6 tạ hạt tiêu khô. Với giá bán dao động ở mức 180 - 200 nghìn đồng/kg, hằng năm ông Ân thu về 100 - 120 triệu đồng. Tuy nhiên, trong vòng 2 năm trở lại đây, giá hạt tiêu khô liên tục tụt giảm mạnh. “Giá tiêu đã giảm xuống còn 80 nghìn đồng/kg. Vì quá tiếc của nên hiện nay gia đình tôi vẫn còn dự trữ gần 1 tấn hạt tiêu khô thu hoạch trong những mùa trước” - ông Ân chia sẻ. Ông Huỳnh Văn Ánh - chuyên viên Phòng NN&PTNT Duy Xuyên nói: “Tính đến giữa tháng 3.2019, địa phương có khoảng 100 hộ dân trồng 28.000 choái tiêu với tổng diện tích 15ha. Năm 2018, nông dân thu hoạch được khoảng 2,7 tấn hạt tiêu khô. Với giá bán dao động 70 - 80 nghìn đồng/kg, nhà nông chỉ thu về gần 1,9 tỷ đồng, giảm 60% so với năm 2016 trở về trước”.
Tích cực hỗ trợ nhà nông
Ông Đinh Văn Lục cho biết, trước tình trạng nấm bệnh chết nhanh, chết chậm trên cây tiêu bùng phát mạnh tại địa phương, sau Tết Kỷ Hợi đến nay chính quyền xã Bình Quế tích cực phối hợp với một số ngành liên quan ở tỉnh và huyện Thăng Bình tổ chức nhiều khóa tập huấn để hướng dẫn nông dân cách nhận biết cũng như áp dụng các biện pháp phòng trừ hiệu quả. Còn ông Trần Hưng - Phó Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp Duy Xuyên cho hay, do hệ thống thoát nước trong những vườn tiêu ở các xã thuộc vùng tây của huyện không đảm bảo nên khi mưa xuống, nước đọng lại và tạo môi trường thuận lợi cho nấm bệnh chết nhanh, chết chậm phát sinh gây hại. Theo ông Hưng, để hạn chế nấm bệnh bùng phát, ngành chuyên môn của huyện đã khuyến cáo người dân đặc biệt chú ý đến việc thoát nước cho các vườn tiêu, nhất là trong những đợt mưa lớn kéo dài. Cạnh đó, hướng dẫn nhà nông thực hiện chế độ bón phân cân đối, ưu tiên sử dụng chế phẩm sinh học, thuốc bảo vệ thực vật an toàn để phòng trừ bệnh. Đồng thời cắt cành, dây lươn sát mặt đất để gốc tiêu thông thoáng, hạn chế lây lan nguồn bệnh từ đất lên. Ngoài ra, thường xuyên kiểm tra vườn tiêu để phát hiện bệnh sớm, thu gom tàn dư cây bị bệnh mang ra khỏi vườn rồi đốt và tiến hành xử lý đất tại các gốc tiêu bị bệnh bằng vôi bột.
Trong khi đó, ông Trần Minh Hải - Phó Chủ tịch UBND xã Duy Phú (Duy Xuyên) thông tin, cách đây gần 2 năm, nhiều vườn tiêu đang xanh tốt của người dân địa phương bỗng nhiên bị nhiễm bệnh và chết hàng loạt. Thời điểm đó trong tổng số 15.000 choái tiêu thì gần 6.000 choái có thời gian trồng từ 3 năm trở lên đã chết vì nhiễm bệnh chết nhanh, chết chậm do nấm gây ra, tập trung nhiều nhất ở các thôn Trung Sơn, Mỹ Sơn, Bàn Sơn. “Ngay sau khi cây tiêu nhiễm bệnh chết hàng loạt, chính quyền địa phương tích cực phối hợp với các ngành chức năng xác định cụ thể nguyên nhân gây bệnh và sớm có cơ chế hỗ trợ các loại giống tiêu không hoặc ít bị nhiễm bệnh, nhất là giống tiêu Tiên Phước để nông dân tái đầu tư sản xuất. Hiện nay, những vườn tiêu chết của Duy Phú đã được người dân cải tạo, trồng lại các giống tiêu mới có chất lượng tốt” - ông Hải nói.
Ông Huỳnh Văn Ánh cho biết, để mô hình trồng tiêu chuyên canh ở các địa phương của Duy Xuyên phát triển mạnh và bền vững, thời gian đến ngành nông nghiệp huyện sẽ tiếp tục tăng cường tập huấn, hướng dẫn người dân những biện pháp phòng trừ hữu hiệu các loại dịch bệnh nguy hiểm trên cây tiêu. Hiện nay hầu hết 15ha tiêu trên địa bàn huyện đều sử dụng những loại giống ở các địa phương như Bình Phước, Đắk Lắk, Quảng Trị... Sắp tới, huyện sẽ tập trung rà soát, nếu thấy loại giống nào thoái hóa, thường bị sâu bệnh gây hại, cho năng suất thấp và chất lượng kém thì sẽ tính toán đưa ra cơ chế hỗ trợ phù hợp nhằm giúp người dân thay đổi nguồn giống đảm bảo năng suất, chất lượng sản phẩm để nâng cao hiệu quả kinh tế...
VĂN SỰ - PHI THÀNH