Người trồng tiêu gặp khó

TƯ RUỘNG 25/09/2018 01:44

Cuối tuần rồi, lên vùng tây huyện Duy Xuyên tìm hiểu tình hình phát triển kinh tế vườn, Tư Ruộng tình cờ gặp lại anh Tám Thạnh Xuyên ở xã Duy Thu ngay đầu ngõ. Anh Tám đon đả mời khách vào nhà uống nước chè xanh. Hồi trước, khu đất vườn rộng lớn của anh Tám rất hoang hóa nhưng giờ đây đã ngút ngàn màu xanh của những trụ tiêu. Nghe Tư tôi hỏi về hiệu quả kinh tế của mô hình này, anh Tám liền kể: “Cách đây chừng 7 năm, vợ chồng tui cải tạo khu đất vườn này rồi tìm mua giống tiêu có chất lượng tốt về trồng. Nhờ áp dụng bài bản quy trình kỹ thuật thâm canh, đặc biệt là chủ động phòng trừ các loại dịch hại nguy hiểm nên thời gian qua vườn tiêu 800 choái của tui phát triển rất tốt và cho năng suất cao. Riêng năm 2018 này, tui thu hoạch được gần 700kg hạt tiêu khô, tăng 60 - 80kg so với những mùa trước. Mặc dù sản lượng tăng nhưng tui chẳng thấy vui vì hiện giá bán sản phẩm trên thị trường tụt giảm mạnh. Nếu thời điểm năm 2015 - 2017 tư thương tìm đến tận nhà thu mua hạt tiêu khô với mức giá bình quân 180 - 200 nghìn đồng/kg thì nay giảm xuống còn 80 nghìn đồng/kg. Thấy giá cả biến động mạnh nên tui đang tìm cách bảo quản sản phẩm tốt nhất, chờ giá nhích lên mới xuất bán hạt tiêu khô”.

Trò chuyện với Tư tôi, ông Trần Sáu – Chủ tịch Hội Nông dân xã Duy Thu cho biết, cây tiêu rất thích hợp với điều kiện thời tiết và thổ nhưỡng ở vùng này. Vì vậy, trong định hướng phát triển kinh tế, chính quyền địa phương ưu tiên hỗ trợ nhà nông phát triển mạnh mô hình trồng tiêu chuyên canh và xem đây là loại cây trồng chủ lực. Theo lời ông Sáu, những năm gần đây địa phương dành một nguồn lực tài chính không nhỏ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông và hệ thống điện thủy lợi hóa đất vườn, gò đồi tại một số khu vực trồng tiêu trọng điểm của địa phương. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân tiếp cận dễ dàng với những nguồn vốn vay ưu đãi và mở nhiều lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ của khoa học kỹ thuật, giới thiệu nguồn cây giống chất lượng tốt để nhà nông mua về trồng. “Nhờ sự tiếp sức từ nhiều phía, thời gian qua người dân trên địa bàn xã Duy Thu đã hình thành được hơn 50 mô hình trồng tiêu theo phương thức sản xuất hàng hóa với tổng diện tích khoảng 12ha, tập trung chủ yếu ở 2 thôn Thạnh Xuyên và Tĩnh Yên. Thực tế cho thấy, hầu hết mô hình trồng tiêu chuyên canh của địa phương đều sinh trưởng, phát triển tốt và cho năng suất khá cao. Tuy nhiên, hiện nay giá bán sản phẩm giảm sâu khiến nhà nông mất đi một nguồn thu nhập. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến đầu ra khó khăn song chủ yếu là tiêu Duy Thu vẫn chưa đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, chưa có chỉ dẫn địa lý nên việc tiêu thụ sản phẩm chỉ loanh quanh trong nội địa vùng” - ông Sáu nói thêm.

TƯ RUỘNG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Người trồng tiêu gặp khó
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO