Người truyền cảm hứng... trồng rau

XUÂN THỌ 26/08/2017 11:06

Ngồi giữa vườn rau hữu cơ xanh mơn mởn mà ông và các cộng sự của mình đã bỏ công gầy nên, ông nói về chúng với tất cả sự nhiệt thành, như thể chúng đã thấm sâu tận huyết quản, cơ hồ trở thành một phần trong cơ thể ông.

Ông Phạm Mèo. Ảnh: XUÂN THỌ
Ông Phạm Mèo. Ảnh: XUÂN THỌ

Người mà tôi đang nhắc đến, là ông Phạm Mèo (64 tuổi, ở thôn Thanh Đông, xã Cẩm Thanh, TP.Hội An) - nhóm trưởng của Vườn rau hữu cơ thôn Thanh Đông.

1. Sau gần một năm gặp lại, cái dáng dấp nông dân của ông chẳng đổi tí nào. Ông cười, cái kiểu như để thông báo rằng: “Tôi là nông dân chính hiệu, thì đổi thay làm gì”. Là nghĩ… vu vơ cho vui thế, chứ thực ra, ông thay đổi nhiều! Tất nhiên, cái sự đổi thay này không thuộc phạm trù tính cách hay ngoại hình, mà thực tế hơn, là về những phương pháp để vườn rau hữu cơ lên xanh mơn mởn quanh năm. Ông thay đổi những thứ không còn phù hợp trước sự biến đổi của khí hậu.

Đôi khi, chỉ một sự thay đổi nhỏ, cũng khiến ông gần như mất ngủ, chỉ để đi đến một mục đích, là tìm bằng được phương án tối ưu cho vấn đề mà rau đang gặp phải. Nhìn ra cánh hoa dẫn dụ lũ bướm đang chờn vờn, tay mân mê vành mũ, ông nói chỉ đúng một câu ngắn gọn: “Nhất là những ngày đầu”. Liền sau đó, là những lần giở ký ức. Đâu chừng tháng 3.2014, những người nông dân như ông, bỗng chốc biết đến và làm quen với khái niệm rau hữu cơ. Tưởng đâu to tát gì. Té ra, cái thời ông lên 6 lên 7, đã thấy ông bà cha mẹ trồng rau bằng phương thức này. Tất nhiên, không thể so sánh về cách làm khoa học như bây giờ được. “Nhưng nhắc lại, để thấy rằng con người đã từng nương náu vào tự nhiên, bằng những quy luật vốn có của nó để mà làm lụng, sinh sống. Hay nói một cách đơn giản nhất, mà cũng giàu hình ảnh nhất, là lúc bấy giờ, nhà tôi có nuôi trâu bò. Chúng nó ăn cỏ, rồi mình lấy phân của nó để ủ phân trồng trọt, thế thôi. Ruộng vườn cứ thế lên xanh” - ông Mèo nhắc nhớ.

Tháng 11 năm nay, ông Mèo sẽ sang Ấn Độ tham dự sự kiện gặp gỡ những nông dân tiêu biểu về làm nông nghiệp hữu cơ trên toàn thế giới do Liên đoàn Các phong trào canh tác nông nghiệp hữu cơ quốc tế (IFOAM) tổ chức. “Bác Mèo là một người làm nông nghiệp hữu cơ giỏi, lại rất cần mẫn trong việc chia sẻ kiến thức, truyền cảm hứng của mình cho người khác, nên chúng tôi quyết định hỗ trợ bác ấy sang Ấn Độ.  Tin rằng sau chuyến đi ấy, bác Mèo sẽ tiếp cận được những điều mới mẻ của quốc tế và tiếp tục chia sẻ cho nông dân của mình” - Bà Đặng Hương Giang  - Giám đốc Trung tâm Hành động vì sự phát triển đô thị (ACCD), cho hay.

Song, điều ông nói vừa rồi, tôi nhận ra sự chùng xuống. Hỏi ra mới hay, khi ông quá tuổi lên mười, những phân bón, thuốc trừ sâu hóa học từ nước ngoài ùa về. Những món hàng “ngoại lai” này nhanh chóng chứng tỏ hiệu quả vượt trội của nó. Nhưng điều ấy đã dẫn đến tình trạng người sản xuất nông nghiệp phải đối diện với một loạt vấn đề về sức khỏe. Ông Mèo nhớ về những ngày xưa cũ - ngày theo cha mẹ nhặt phân trâu bò để ủ phân làm vườn. Cái nỗi nhớ ấy, như dằn vặt ông mãi, lớn lên mỗi ngày thành niềm đau đáu. Ông muốn quay trở lại cách làm vườn như xưa! Nhưng bằng cách nào? Điều đó khiến ông loay hoay mãi. Để rồi cơ hội đến khi tháng 3.2014, liên ban ngành TP.Hội An cùng một vài tổ chức đến gặp ông và người dân Thanh Đông để bàn hướng trồng rau hữu cơ.

2. Đang như gà mắc tóc, ông à lên sung sướng tìm được nơi tháo gỡ. Tất nhiên, hơn ai hết, ông thấu hiểu được tính cộng đồng khi làm rau hữu cơ. “Vì nếu trong một khoảnh vườn ấy, chỉ có mình anh trồng hữu cơ đối với những luống rau của mình, thì coi như anh chết chắc! Vì sao? Vì những người trồng theo hướng vô cơ mà cụ thể là phân bón và thuốc trừ sâu hóa học của họ sẽ “đẩy” lũ sâu bọ, dịch bệnh sang luống rau của anh, thế thôi!” - ông Mèo cắt nghĩa. “Nhưng làm cách nào để có tính cộng đồng?” - tôi hỏi. “Thì mình đi rủ rê anh em” - ông Mèo ngắn gọn. “Anh em” mà ông Mèo nói, là những hàng xóm, những nông dân như ông. Qua hơn bốn năm cùng nhau đi qua những thăng trầm buồn vui, ông gọi những cộng sự của mình là “anh em”. Nhưng trước đó, ông thú thật, có một số anh em phải đi vận động nhiều lần, họ mới chịu vào. Vì lẽ, lúc bấy giờ, hiểu biết về rau hữu cơ còn khá mơ hồ!

Khởi đầu 10 hộ thành viên với hơn 6.368m2 diện tích, đến nay, cũng chừng ấy thành viên, nhưng diện tích được mở rộng thêm 4.000m2 nữa. Đó là minh chứng cho thành quả mà vườn rau hữu cơ thôn Thanh Đông đã và đang làm được. Người đi truyền cảm hứng về rau hữu cơ cho những “anh em” khác chính là ông Mèo. Trong câu chuyện thuộc về đoạn ký ức chưa cũ lắm, ông Mèo nhớ như in những ánh mắt đầy lo âu và khuôn mặt đôi khi mệt mỏi trên những “anh em” của mình. Đó là giai đoạn đầu khi bắt tay thực hiện dự án. Đang là nông dân cày sâu cuốc bẫm. Phải học lại cách trồng rau thế này, trồng rau thế kia. Rồi phải nhấc chân ra khỏi vườn để đi tìm khách hàng. Mà từ độ vài năm trước, rau sạch hay rau hữu cơ (hay đại loại thế) chỉ mới được biết đến thông qua một vài bản tin trên báo đài trong bối cảnh “rau bẩn” tràn ngập. Trong quãng đường chông gai ấy, ông chỉ sợ mỗi một điều, là “anh em” bỏ cuộc.

Nhưng rồi, với cảm hứng, sự nhiệt thành từ ông, các “anh em” của ông đã cùng nhau đi qua gập ghềnh của đoạn đầu quãng đường, để làm nên một vườn rau hữu cơ xanh tươi như ngày hôm nay. Hôm bữa lúc trò chuyện với ông Mèo, bà Đặng Thị Sinh “góp vui” bằng câu chuyện của chính mình, một cách đầy… thực dụng! Rằng trước khi cùng làm rau hữu cơ, bà làm theo cách vô cơ và một vụ cùng lắm chỉ kiếm vài ba triệu đồng từ làm lúa, mà phải là trong điều kiện được mùa. Còn bây giờ, tính ra mỗi tháng, tối thiểu bà cũng kiếm được 2 triệu đồng từ những luống rau hữu cơ của mình. Bà nói thế, để ngầm hiểu rằng mình và các “anh em” khác rất biết ơn nguồn cảm hứng ông Mèo đã truyền đi. Từ cảm hứng của ông Mèo, họ đã chuyên tâm hơn với rau hữu cơ - món hàng mà giờ đây, họ không cần phải quan tâm đến đầu ra, mà cái quan tâm nhất là làm sao để cung ứng đủ nhu cầu của khách hàng.

3. Cảm hứng mà ông Mèo truyền đi, không dừng lại ở giai đoạn đầu, mà liên tục suốt hơn cả 4 năm qua. Vì vậy mà việc ông phân công, sắp xếp luống rau hay sản phẩm giao cho khách hàng... luôn được sự ủng hộ từ các “anh em”. Đó chưa là tất cả, bởi ông bây giờ đã như là một chuyên gia về nông nghiệp hữu cơ. Ông rành rọt từng vấn đề, và tất nhiên, cả cách xử lý thấu đáo. Nhưng trên hết, điều đáng trân trọng là từ những kiến thức đã học được từ các chuyên gia thông qua những lần tập huấn, hay tìm tòi từ trải nghiệm thực tế, ông Mèo không cất giữ cho riêng mình, cho mỗi vườn rau Thanh Đông mà ông truyền tải hết cho những ai quan tâm đến. Ngồi nghe ông kể về những chuyến đi truyền kinh nghiệm về làm rau hữu cơ cho khắp trong nam ngoài bắc, tôi hiểu lý do vì sao ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An, tỏ ra hào hứng khi tôi đề nghị ông nói sơ qua về ông Mèo trước khi tôi đi tìm gặp nhân vật của mình.

Ông Hùng nói, đại ý, ông Mèo không chỉ là linh hồn của vườn rau hữu cơ thôn Thanh Đông, mà còn là người truyền cảm hứng cho việc nhân rộng các vườn rau hữu cơ khác trên địa bàn thành phố này - điều rất cần thiết để phục vụ cho du lịch, theo chiến lược phát triển nông nghiệp công nghệ cao của thành phố. “Trình” làm rau hữu cơ của ông Mèo là cơ sở để chính quyền thành phố xúc tiến thực hiện các vườn rau hữu cơ ở Cẩm Kim, Cẩm Châu... Đến đây, tôi sực nhớ những lần bắt gặp ông giảng dạy về nông nghiệp hữu cơ cho các em học sinh, thậm chí là sinh viên và cả sinh viên ngoại quốc. Vậy mà khi “năn nỉ” ông nói thêm, ông bảo chẳng có gì để nói, ngoài điều này mà tôi nghĩ mình cần chia sẻ: “Tôi làm vậy, chỉ là để cho đi những điều mình đã nhận được. Đó là chưa kể đến, sau mỗi lần cho đi, tôi nhận lại rất nhiều”.

Sự cho đi và nhận lại mà ông Mèo nói, là về những kinh nghiệm trồng rau hữu cơ. Cảm hứng mà ông Mèo truyền đi, đã và đang tạo nên những phác thảo mới cho bức tranh nông nghiệp hữu cơ mà chúng ta vẫn luôn hằng mơ ước.

XUÂN THỌ

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Người truyền cảm hứng... trồng rau
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO