Người truyền giáo hát bội

HOÀNG HƯƠNG VIỆT 23/01/2023 07:47

(VHQN) - Tôi có dịp may gặp lại Nghệ sĩ ưu tú Ngọc Quyền, Trưởng đoàn Nghệ thuật Tuồng Thanh Hóa để biết thêm về cố GS. Hoàng Châu Ký - người mà chúng tôi xưng hô một cách kính trọng: Thầy Ký, Giáo sư Hoàng.

Cố GS. Hoàng Châu Ký và một số tác phẩm nghiên cứu về tuồng của ông. Ảnh: T.L
Cố GS. Hoàng Châu Ký và một số tác phẩm nghiên cứu về tuồng của ông. Ảnh: T.L

1. Nghệ sĩ Ngọc Quyền xúc động kể lại: “Sinh thời thầy Ký thường nói với chúng tôi: Phần lớn những người Quảng Nam đều có gốc rễ quê Thanh Hóa theo chúa Nguyễn vào Đàng Trong lập nghiệp. Ngay họ tộc Hoàng của ông cũng vậy.

Có lẽ một phần sâu xa đó, mà thầy là một trong những người đứng ra vận động thành lập, rèn dạy các nghệ sĩ Đoàn Nghệ thuật tuồng đầu tiên mang tên Thanh Quảng (nay là Đoàn Nghệ thuật Tuồng Thanh Hóa), lấy hai chữ đầu của hai tỉnh kết nghĩa Thanh Hóa - Quảng Nam ghép lại.

Chúng tôi luôn tự hào có người thầy là người con xứ Quảng đã đóng góp công sức, tài năng trí tuệ xây dựng nên một đoàn nghệ thuật sân khấu non trẻ ở mảnh đất vốn không có truyền thống tuồng”.

 

Tôi có vinh dự được cùng làm việc với GS. Ký ở Ban nghiên cứu Tuồng tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng trong thời gian khá lâu, nên được biết về ông khá kỹ.

Từ đầu năm 1960, ông đã lặn lội về Thanh Hóa gặp ông Nguyễn Trọng Vĩnh, lúc ấy đang làm Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa (nguyên Trung tướng, Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc), đề xuất ý tưởng: “Thanh Hóa không chỉ xây dựng là hậu phương cung cấp sức người sức của cho miền Nam, cho Quảng Nam, mà còn phải xây dựng lực lượng, đội ngũ văn hóa nghệ thuật phục vụ cho chiến trường Khu V, cho Quảng Nam, cho cả hiện tại và tương lai...”.

Thống nhất chủ trương, ông Ký cùng ông Vĩnh ra gặp lãnh đạo Trường Sân khấu Việt Nam ở Hà Nội, xin một số học sinh đang học tuồng khóa đầu của trường về làm nòng cốt thành lập Đoàn Tuồng Thanh Quảng, theo Quyết định số 378/UBHC ngày 9/5/1962 của Ủy ban hành chính tỉnh Thanh Hóa.

Với tư cách Hiệu trưởng, ông đưa nghệ sĩ Trần Đình Hưng về làm trưởng đoàn cùng các nghệ sĩ Nguyễn Nho Túy, Nguyễn Lai, Ngô Thị Liễu, Tư Bửu, Văn Phước Khôi, Hồ Hữu Có... - người Quảng Nam làm việc ở Viện Sân khấu Việt Nam và Nhà hát tuồng Trung ương ở Khu Văn công Mai Dịch, Hà Nội về giúp, vừa bồi dưỡng, luyện tập cho các em vừa dàn dựng vở diễn.

Ông quyết định chọn kịch bản Gia đình chị Ngộ của NSND Nguyễn Lai viết về một nhân vật có thật ở Khu 5 trong kháng chiến chống Pháp đầy bi tráng, quả cảm và anh hùng dựng cho Đoàn Thanh Quảng và lần đầu tiên đưa đi phục vụ công chúng.

Đến đâu, vở diễn cũng được người xem nô nức đón nhận, thưởng thức loại hình nghệ thuật mới lạ, đặc sắc. Trên đà thắng lợi, ông lại chỉ đạo đoàn cùng với Ty Văn hóa tỉnh đầu tư công sức dựng tiếp các vở: Thạch Sanh, Triệu Quốc Trinh, Trần Bình Trọng, Ngọn lửa Hồng Sơn...

Không gian trưng bày, giới thiệu tuồng cổ Quảng Nam ở Bảo tàng Điện Bàn. Ảnh: H.X.H
Không gian trưng bày, giới thiệu tuồng cổ Quảng Nam ở Bảo tàng Điện Bàn. Ảnh: H.X.H

Những vở diễn của Đoàn Thanh Quảng làm sống dậy phong trào xem tuồng, diễn tuồng, góp phần làm sôi động hoạt động văn hóa nghệ thuật trên xứ Thanh. Khán giả mỗi lần đi xem tuồng, lại một lần nhớ về miền Nam, nhớ về Quảng Nam kết nghĩa đang ngày đêm đánh Mỹ, và cảm phục trí tuệ, tài năng, tấm lòng của GS. Hoàng Châu Ký.

Đây chính là sự tài tình và tâm huyết của ông, biết kết hợp khéo léo, dùng nghệ thuật phục vụ nhiệm vụ chính trị, đồng thời động viên, gắn kết mối tình kết nghĩa giữa hai tỉnh bằng cái tên Thanh Quảng ra đời trong khói lửa chiến tranh.

Cố GS. Hoàng Châu Ký được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh

Cố GS. Hoàng Châu Ký (1921 - 2008, quê xã Cẩm Kim, Hội An) được mệnh danh là “Thầy tuồng”, là cánh chim đầu đàn của nghệ thuật tuồng Việt Nam. Ông là tác giả của hơn 20 kịch bản tuồng, cải biên và đồng cải biên của gần 10 tuồng kinh điển. Ông còn là tác giả của khoảng 10 tác phẩm nghiên cứu có giá trị về tuồng, và là đồng tác giả bộ Từ điển Nghệ thuật hát bội Việt Nam.

Ông là người sáng lập và tổ chức hoạt động bộ môn nghệ thuật tuồng cách mạng trong kháng chiến chống Pháp ở Liên khu 5 và trong kháng chiến chống Mỹ ở thủ đô Hà Nội. Sau 1975, ông là Viện trưởng Viện Sân khấu, được phong học hàm Giáo sư và được nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.

Năm 2022, ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh với tác phẩm sách “Tuồng cổ”, hai kịch bản sân khấu “Thanh gươm chủ chiến” và “Trần Quý Cáp”.T.T.T

2. Tháng 8 năm 1968, ông đến gặp Ban Thống nhất Trung ương để xin ý kiến và tìm hiểu tình hình hoạt động nghệ thuật ở quê nhà, rồi tức tốc về Đoàn Tuồng Thanh Quảng đi tuyển 30 diễn viên, nhạc công, đào tạo bí mật tại xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc để đưa vào phục vụ chiến trường Khu 5. Sau đó, nhiều diễn viên đã vượt Trường Sơn vào tham gia Đoàn Tuồng Trung - Trung Bộ, số còn lại tăng cường cho Đoàn Thanh Quảng.

Đến năm 1972, ông tiếp tục chỉ đạo tuyển sinh là con em Thanh Hóa đào tạo gửi vào bổ sung cho Đoàn Tuồng giải phóng tỉnh Quảng Nam (lúc đó đang ra học tập tại Hà Nội) - tiền thân của Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh ngày nay. Các thế hệ nghệ sĩ, diễn viên được ông chăm sóc, đào tạo, cho đến nay có người đã là NSND, NSƯT, đạo diễn, giảng viên, nhà quản lý nghệ thuật vững vàng.

Ông từng kể: “Mình nhớ nhất vẫn là các diễn viên Đoàn Tuồng Thanh Quảng, mình thuộc từng tính nết, từng mặt mạnh mặt yếu của các em. Có em gọi mình là bố, là ông, xin làm con nuôi của mình.

Mình thường nói với các em: Các con đã được thầy giỏi ở Trung ương vào dạy nghề. Thầy vào đây truyền thêm cho các con lý luận nghệ thuật sân khấu, những mảng miếng tinh tế của tuồng, để các con trở thành người nghệ sĩ thực sự chính quy, tài năng, đảm nhận được nhiều vai diễn trong các vở tuồng cổ cũng như hiện đại”.

Tôi có hỏi giáo sư, kỷ niệm sâu sắc nhất đối với ông trong những ngày vào ra Hà Nội - Thanh Hóa. Ông kể, những năm tháng chiến tranh, mình nhớ quê hương da diết, về Thanh Hóa, lên Thọ Xuân cảm thấy như được về nhà.

Bà con biết mình qua các vở tuồng và các buổi nói chuyện, giới thiệu bộ môn nghệ thuật tuồng. Có hôm một mình vào công viên Thanh Quảng ở thị xã ngồi lặng lẽ nhớ về Quảng Nam, cũng có lúc đứng hàng giờ trước cửa rạp hát, chiếu phim mang tên Hội An quê mình.

Mặt nạ tuồng cổ trưng bày tại Bảo tàng Điện Bàn. Ảnh: H.X.H
Mặt nạ tuồng cổ trưng bày tại Bảo tàng Điện Bàn. Ảnh: H.X.H

Vậy đó, ông đến với Thanh Hóa, quê hương kết nghĩa bằng tất cả tấm lòng và đã để lại dấu ấn lâu bền. Nghệ sĩ và bà con yêu nghệ thuật tuồng Thanh Quảng đối với ông một niềm kính trọng, mối cảm hoài về người con Quảng Nam, mỗi khi nhắc đến hai tiếng thân yêu Thanh Quảng.

Giáo sư đã qua đời, nhưng gia tài ông để lại là những kịch bản tuồng mẫu mực, những cuốn sách lý luận đặc sắc về bộ môn nghệ thuật tuồng, những giáo án giảng dạy bài bản, khoa học và những vở tuồng do giáo sư đạo diễn, dàn dựng đến nay Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh (Đà Nẵng), Đoàn Tuồng cung đình Huế (Thừa Thiên Huế) và Đoàn Tuồng Thanh Hóa hàng năm vẫn còn biểu diễn...

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Người truyền giáo hát bội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO