(Xuân Giáp Ngọ) - Đã sang tuổi 74 nhưng Nhà giáo ưu tú Lê Công Cơ, “người truyền lửa” cho phong trào học sinh - sinh viên của một thời tranh đấu, vẫn vẹn nguyên bầu nhiệt huyết, đi tiên phong trong duy tân giáo dục, truyền ngọn lửa yêu nước cho thế hệ trẻ hôm nay.
Học giỏi để làm cách mạng
Tuổi thơ của Lê Công Cơ ở làng Ái Mỹ, xã Kỳ Minh (nay là xã Điện Thọ, huyện Điện Bàn) không được may mắn như những trẻ em khác. Cha đi biền biệt, một mình mẹ tần tảo nuôi 5 con và mẹ chồng. Một đêm mùa đông năm 1947, mẹ đã chết cùng lúc với 2 em vì đói. Bơ vơ khi tuổi mới lên 6, Cơ phải đi ở đợ, chăn trâu, chăn bò cho địa chủ kiếm sống. Năm 11 tuổi, cậu bé Cơ gặp Bộ đội Cụ Hồ, giúp các anh đưa thư và được bày cho học chữ, những bài học vỡ lòng cùng lời khuyên “Muốn làm cách mạng, phải học cho giỏi”.
Chân dung Nhà giáo ưu tú Lê Công Cơ. |
Chính hoàn cảnh nghiệt ngã ấy đã trui rèn cho cậu bé Cơ bản lĩnh, ý chí không ngừng vươn lên khác thường. Cơ thi đỗ đầu lớp 5 trường Phan Châu Trinh ở vùng giải phóng (Tam Kỳ), được cấp học bổng 13kg gạo mỗi tháng, đem về chia sẻ với chị và em trai. Sau đó, Cơ ra Đà Nẵng, rồi “đổi vùng” vô Sài Gòn. Sáng Cơ đi học, chiều bán báo, đêm gánh nước thuê (gánh 80 thùng nước mới đủ tiền sống cho một ngày). Nhờ vậy, Cơ đi học trường Nguyễn Bá Tòng - trường tư thục lớn nhất Sài Gòn lúc bấy giờ. Và Cơ học “nhảy cóc”, bỏ Đệ lục - Đệ ngũ, vào Đệ tứ, thi đỗ Tú tài 1, Tú tài 2 (năm 1958). Từ một cậu bé nhà quê, nghèo kiết xác, trong vòng 7 năm Cơ đã học xong bậc trung học khiến mọi người cảm phục. Chính từ những trải nghiệm cá nhân “học vượt” được Lê Công Cơ áp dụng vào “ngôi trường lớn” sau này.
Khi Lê Công Cơ thi đỗ vào Trung tâm Kỹ thuật Phú Thọ thì cách mạng phân công anh ra Huế công tác. Huế với anh lúc bấy giờ thật xa lạ, không có ai quen biết ở đó. Khi đặt chân lên cầu Tràng Tiền thơ mộng, hẳn chàng trai Lê Công Cơ tuổi 20 không ngờ dòng Hương Giang lững lờ hay xoáy cuộn sẽ trở thành con sông của cả cuộc đời mình!
Chuyện như huyền thoại
Gần 40 năm sau chiến tranh, một câu hỏi đặt ra: Do đâu, bằng cách nào Lê Phương Thảo (bí danh của Lê Công Cơ) - “người truyền lửa” cho phong trào Thanh niên, sinh viên - học sinh miền Trung thời chống Mỹ lại sống sót trong ma trận của quân thù?
Biểu tình của học sinh - sinh viên trên đường phố Huế năm 1971.Ảnh tư liệu |
Ông Đoàn Nhuận- nguyên Chủ tịch Hội đồng đại diện sinh viên Liên khoa Viện Đại học Huế (1973 - 1974) nhớ lại, giữa năm 1972, phong trào đấu tranh ở Huế bị khủng khoảng nặng, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có hơn 150 nghìn tên địch với mạng lưới vũ trang, cảnh sát... dày đặc. Vì thế đã có đến 2.500 người bị địch bắt, trong đó TP.Huế hơn 1.000 người. Cuối 1973, Lê Phương Thảo - Thành ủy viên, Bí thư Thành đoàn Huế được cử về trực tiếp lãnh đạo, phong trào đấu tranh ở Huế từng bước khôi phục và phát triển nhanh chóng.
Khi mới ra Huế, Lê Công Cơ ghi danh vào Đại học Khoa học và đăng tin xin làm gia sư... Ông được Lê Khắc Duyệt - Tổng Giám đốc Công an Trung phần của chế độ Sài Gòn mời về nhà, dành riêng phòng ở để dạy cho hai con. Như vậy, Lê Công Cơ đã tạo được một vỏ bọc chắc chắn khiến bọn mật vụ, cảnh sát không bao giờ dám dòm ngó. Và đây cũng là nơi bắt đầu nhen nhóm, hình thành kế hoạch xây dựng các cơ sở cốt cán trong sinh viên - học sinh Huế. Cả gia đình ông Duyệt rất yêu quý Lê Công Cơ. Dần dà, qua những lời tâm huyết, anh đã thuyết phục ông Duyệt từ chức Tổng Giám đốc Công an, về làm ở Đại học Y.
Lê Công Cơ khá nổi tiếng bởi chính là nguyên mẫu của nhân vật Nguyễn Phi trong bộ tiểu thuyết “Bay qua cõi chết” 4 tập, dày 1.200 trang của nhà văn Nguyễn Khắc Phục (Nhà xuất bản Thanh niên, 1985). Mới đây, tập hồi ký “Những chân trời khát vọng” của 33 tác giả (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 10.2013) cũng đề cập về cuộc đời ông. Đặc biệt, Lê Công Cơ đã viết hồi ký “Năm tháng dâng người”, khai trương tủ sách truyền thống “Đáp lời sông núi” do trường Đại học Duy Tân - Đà Nẵng liên kết Nhà xuất bản Trẻ thực hiện từ năm 2012. Các tác phẩm của nhiều tác giả đã và sẽ ra đời, tái hiện hình ảnh của phong trào thanh niên, sinh viên - học sinh trong các đô thị miền Nam giai đoạn 1954 - 1975. Liệu có giấy bút nào tả xiết máu lửa tranh đấu và sự hy sinh của bao lớp trí thức trẻ miền Nam ngày ấy? |
Ly kỳ hơn, từ cuối năm 1973, cho đến ngày Huế giải phóng, Lê Công Cơ cùng những cán bộ cốt cán đều ẩn náu hoạt động tại một tư dinh trên đường Lê Văn Duyệt (nay là Nhật Lệ) của con một đại tá quân đội Sài Gòn. Các anh chị đã sử dụng nơi này như văn phòng Tổng chỉ huy cách mạng nội thành. Sân thượng tầng ba, có lúc là nơi tập kết tài liệu và vũ khí từ chiến khu chuyển về. Chính nơi đây, Lê Công Cơ đã tổ chức kết nạp Đảng cho các anh Nguyễn Xuân Hoa, Trần Đại Vinh, nhà thơ Tần Hoài Dạ Vũ... Chẳng bao lâu, con của đại tá quân đội Sài Gòn cũng được giác ngộ, trở thành Trưởng đoàn Công tác xã hội Nữ Sinh viên Liên khoa Viện Đại học Huế...
Hàng chục lần Lê Công Cơ suýt bị địch bắt và đã thoát hiểm một cách thần kỳ, đến nỗi Tướng Nguyễn Chánh Thi - Tư lệnh Vùng I chiến thuật từng treo giải “Thưởng 2 triệu đồng cho ai bắt được tên Cộng sản đầu sỏ Lê Công Cơ” (số tiền 2 triệu khi ấy lớn gấp 200 lần lương Quận trưởng). Nhưng không một người dân nào báo tin hết, không cơ sở nào chỉ điểm để nhận giải thưởng. Ngược lại, tất cả mọi người đều bảo vệ người cán bộ của Đảng, vì lý tưởng cách mạng, giải phóng dân tộc, vì độc lập, thống nhất của Tổ quốc.
Suốt hai mươi năm qua, là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Hiệu trưởng trường Đại học Dân lập Duy Tân, nay đã bước qua tuổi 74 nhưng Nhà giáo ưu tú Lê Công Cơ vẫn tiếp tục là “người truyền lửa”, đi tiên phong trong duy tân giáo dục, truyền ngọn lửa yêu nước cho thế hệ trẻ hôm nay, xứng đáng với quá khứ và ngẩng cao đầu với tương lai.
XUÂN LAN