Cuộc sống thường ngày

Người Việt ở châu Âu hướng về biển đảo Việt Nam

TRẦN ĐỨC ANH SƠN 25/06/2024 19:40

(Đặc san 21/6) - Cộng đồng người Việt ở các nước châu Âu luôn có những hoạt động thiết thực, ủng hộ Việt Nam bảo vệ chủ quyền biển đảo ở Biển Đông, Hoàng Sa và Trường Sa.

nguoi-viet-chau-au-01.jpg
Phụ nữ Việt kiều ở Cộng hòa Czech chụp ảnh lưu niệm bên mô hình cột mốc chủ quyền Việt Nam tại đảo Trường Sa trưng bày ở triển lãm “Việt Nam: Đất nước, con người - Nhìn từ biển, đảo” do Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam tổ chức ở Praha, vào tháng 7/2017. Ảnh: T.Đ.A.S

Hơn 15 năm nghiên cứu về lịch sử chủ quyền biển đảo Việt Nam, trong những chuyến công tác ở các nước Czech, Pháp, Ba Lan, Đức… tôi thường xuyên gặp gỡ những người Việt định cư ở đây.

Quan tâm về chủ quyền

Tháng 7/2017, Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam tổ chức triển lãm “Việt Nam: Đất nước, con người - Nhìn từ biển, đảo” tại Praha, thủ đô Cộng hòa Czech. Ngoài sự ủng hộ của chính quyền nước sở tại, cuộc triển lãm còn nhận được sự hưởng ứng tích cực của Việt kiều ở Czech.

Tại đây, chúng tôi được các bạn sinh viên người Czech gốc Việt dịch giúp tài liệu thuyết minh sang tiếng Czech. Kiều bào thì hỗ trợ phương tiện, nhân lực phục vụ công tác trưng bày. Trong ngày khai mạc triển lãm, các nghệ sĩ người Việt ở Czech đã trình diễn nhiều tiết mục văn nghệ đặc sắc để chào mừng.

nguoi-viet-chau-au-02b.jpg
Việt kiều ở Cộng hòa Pháp tham quan triển lãm “Việt Nam: Đất nước, con người - Nhìn từ biển, đảo” do Bộ Thông tin & Truyền thông Việt Nam tổ chức ở Paris vào tháng 12/2017. Ảnh: T.Đ.A.S

Nhiều Việt kiều ở Czech rất quan tâm đến những tư liệu, bản đồ, hình ảnh chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được trưng bày tại triển lãm.

Cuộc triển lãm diễn ra tại Quảng trường Cộng hòa ở quận Praha 1 trong 3 ngày, lúc nào cũng có người Việt đến tham quan và trao đổi với chúng tôi về chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa, Trường Sa, Biển Đông, với mối quan tâm và sự hiểu biết rất sâu sắc.

Cũng trong năm 2017, Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục đưa triển lãm “Việt Nam: Đất nước, con người - Nhìn từ biển, đảo” đến Paris - thủ đô Cộng hòa Pháp.

Lần này triển lãm được tổ chức tại Nhà Việt Nam (Maison du Vietnam) ở trung tâm Paris. Triển lãm thu hút đông đảo Việt kiều và các nhà nghiên cứu, nhà báo cùng bằng hữu người Pháp đến tham quan, dự tọa đàm trao đổi về hồ sơ biển đảo Việt Nam và tính pháp lý của các hồ sơ này.

Pháp là nơi có những người Việt và người Pháp là luật sư, học giả, giảng viên đại học rất quan tâm và am tường về chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa, Trường Sa và Biển Đông.

Khi chúng tôi đang thực hiện trưng bày, đã có nhiều học giả người Việt đến thăm và trao đổi với chúng tôi về việc nên chọn tài liệu nào để trưng bày ở những nơi thu hút sự chú ý của công chúng nhất; giúp chúng tôi hiệu đính những thuyết minh, chú dẫn bằng tiếng Pháp.

Ngày khai mạc triển lãm, đại diện của các hội đoàn người Việt tại Pháp đã đến dự lễ khai mạc, tham quan và thảo luận với các chuyên gia về Biển Đông từ Việt Nam sang.

Nhiều người Việt cao tuổi đã đến xem triển lãm rất lâu, tìm gặp chúng tôi để hỏi thêm thông tin về những tư liệu, hình ảnh, hồ sơ trưng bày.

Một số học giả người Pháp gốc Việt còn cung cấp cho tôi thông tin về các fond tư liệu về Hoàng Sa - Trường Sa đang lưu giữ tại Pháp, chỉ dẫn địa chỉ và cách thức khai thác trực tiếp và trực tuyến các nguồn tư liệu từ những văn khố, thư viện này.

Vì biển đảo Việt Nam

Tháng 5/2024, tôi sang Ba Lan tham dự hội thảo quốc tế “Biển Đông: Hợp tác nghiên cứu và phát triển” do Ban Liên lạc người Việt châu Âu “Vì biển đảo Việt Nam”, Hội Người Việt tại Ba Lan và Hội Khoa học công nghệ Việt Nam tại Ba Lan đồng tổ chức.

nguoi-viet-chau-au-07a.jpg
Tác giả bài viết tặng cho đại diện Việt kiều tại Ba Lan sách biên khảo, tư liệu và bản đồ về chủ quyền biển đảo Việt Nam nhân tham dự hội thảo quốc tế “Biển Đông: Hợp tác nghiên cứu và Phát triển” tại Đại học Warsaw ở Ba Lan vào tháng 5/2024. Ảnh: Cao Hồng Vinh

Đây là lần thứ 2, Ban Liên lạc người Việt châu Âu “Vì biển đảo Việt Nam” tổ chức hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông (lần đầu tổ chức tại Paris vào tháng 6/2023).

Hội thảo lần này có sự ủng hộ của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao), Đại sứ quán Việt Nam tại Ba Lan và Viện Biển Đông (Học viện Ngoại giao Việt Nam).

Hội đã mời được 10 học giả chuyên nghiên cứu về Biển Đông từ Việt Nam, Ba Lan, Pháp và Đức tham gia, trình bày tham luận và thảo luận tại 4 phiên họp. Ngoài ra còn có gần 100 cử tọa, đa số là Việt kiều tại Ba Lan, Pháp và Czech đến tham dự.

Ba Lan là nơi có Câu lạc bộ Hoàng Sa - Trường Sa, tập hợp nhiều người Việt Nam có tình yêu sâu nặng với Hoàng Sa - Trường Sa và biển đảo Việt Nam. Hàng năm, câu lạc bộ này đều cử thành viên tham gia các phái đoàn đi thăm và ủng hộ các chiến sĩ hải quân Việt Nam đang bảo vệ chủ quyền Việt Nam tại quần đảo Trường Sa.

Trong 10 năm qua, đã có hơn 30 thành viên của Câu lạc bộ Hoàng Sa - Trường Sa từ Ba Lan về Việt Nam đi thăm quần đảo Trường Sa, đóng góp vật chất và ủng hộ tinh thần cho quân dân Việt Nam đang sinh sống, làm việc, bảo vệ các đảo ở Trường Sa.

Có một cuộc triển lãm đặc biệt do Câu lạc bộ Hoàng Sa - Trường Sa phối hợp với Ban tổ chức trưng bày ngay trong những ngày diễn ra hội thảo. Tất cả hình ảnh, tư liệu, hiện vật về Hoàng Sa và Trường Sa… do các hội đoàn người Việt ở Ba Lan và châu Âu sưu tầm trực tiếp từ Trường Sa, từ các fond tư liệu đang lưu giữ ở châu Âu.

Cũng tại hội thảo, các nhà khoa học Việt Nam đang sinh sống ở Ba Lan, đứng đầu là TS. Nguyễn Quốc Cường, đã thông tin về việc vận động Chính phủ Ba Lan tài trợ dự án hợp tác nghiên cứu “Polish-Vietnamese Tropical Research Centre” (Trung tâm Nghiên cứu Nhiệt đới Ba Lan - Việt Nam), đặt tại Việt Nam.

Trung tâm này ra đời nhằm nghiên cứu về tài nguyên biển, địa hình, địa chất, năng lượng tái tạo từ biển và hải đảo Việt Nam. Dự án này sẽ được ký kết để triển khai vào tháng 7/2024, nhân chuyến thăm chính thức Ba Lan của Thủ tướng Việt Nam.

Từ anh Cao Quang Nghiệp - người đồng tổ chức các hội thảo thường niên về Biển Đông tại Đại học Hamburg (Đức), trong cuộc gặp với tôi tại Đức hồi tháng 5 này, cho biết, tháng 11 năm nay, Phân khoa Việt Nam học của Đại học Hamburg sẽ tổ chức hội thảo lần thứ 5 về “Tầm nhìn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và tranh chấp ở Biển Đông”.

Dẫu sinh sống ở đâu, đã mang gốc gác người Việt Nam, ai cũng hướng về đất nước và nặng lòng quan tâm chủ quyền biển đảo Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Người Việt ở châu Âu hướng về biển đảo Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO