Người viết sử bằng sơ đồ

Ghi chép của TRẦN HỮU PHÚC 24/03/2014 08:26

Ông luôn kiệm lời khi kể về những chiến công 3 lần bắn rơi máy bay giặc. Qua sơ đồ tác chiến do mình tự vẽ, ông đã quay ngược dòng lịch sử oai hùng trên đất Kỳ Trà xưa về với hiện tại, chỉ đường cho nhiều người tìm chính xác hài cốt liệt sĩ…

Ba lần bắn rơi máy bay giặc

Một buổi chiều, với chất giọng ấm áp qua điện thoại, ông gọi tôi: “Có phải chú bên nhà báo không, khi nào thì vô được?”. Không đắn đo, tôi thưa: “Dạ, sáng mai cháu có mặt trước 9 giờ”. Đã mấy chục năm nay, ngoài làm việc cho xã, thời gian còn lại ông dành chăm sóc những thửa ruộng, vạt chè trên núi. Ông là Trần Văn Tâm (SN 1947, trú tại thôn 2, xã Tam Trà, Núi Thành). Tôi đến nơi, ngôi nhà mở toang cửa, nhưng vắng chủ. Cô hàng xóm bảo, lên UBND xã là gặp ổng liền. Đợi đến gần trưa, ông mới chịu đưa tôi về nhà. “Về hưu lâu rồi, nhưng mấy anh lãnh đạo xã cứ mời làm hết hội cựu chiến binh, rồi qua người cao tuổi. Hưởng lương Nhà nước thì phải làm cho tròn trách nhiệm. Ở xã miền núi này, không làm việc buổi chiều” - ông như giãi bày lý do để khách đợi.

Sơ đồ tái hiện những cuộc đấu tranh hào hùng của quân dân Kỳ Trà năm xưa do ông Trần Văn Tâm vẽ. Ảnh: HỮU PHÚC
Sơ đồ tái hiện những cuộc đấu tranh hào hùng của quân dân Kỳ Trà năm xưa do ông Trần Văn Tâm vẽ. Ảnh: HỮU PHÚC

Lên 10 tuổi, với sự hoạt bát, nhanh nhẹn, cậu bé Trần Văn Tâm đã được cấp trên tin tưởng giao những công việc bình thường như đưa thư, mang cơm, mà sau này ông mới biết là giữ liên lạc với cơ sở cách mạng. Cậu bé Tâm cần cù, chu đáo, năng nổ đã chiếm được cảm tình của cấp trên và bước sang tuổi 17 đã là Xã đội trưởng Kỳ Trà, Đội trưởng Đội công tác vùng địch huyện Núi Thành. Hoạt động trong vùng địch đóng, ông Tâm nắm rất rõ ấp chiến lược Đức Phú, các đồn bốt, khu dồn Kỳ Trà, Kỳ Chánh, Kỳ Bích… Lội hết vùng đất Kỳ Trà (xã Tam Trà ngày nay), ông hình dung rồi vẽ lại sơ đồ tác chiến, cung cấp cho cách mạng “đường đi nước bước” của quân “Mỹ lết”. Là người chỉ huy trực tiếp, nên ông mô tả đầy đủ thế trận giằng co giữa ta và địch, những chiến tích chói lọi mà quân dân Kỳ Trà đã lập nên.

Thời gian, ký ức có thể phai nhòa, nhưng với ông, sẽ không bao giờ quên được thời khắc 3 lần bắn rơi máy bay giặc. Ông nhớ lại: “Năm 1967, trong lần nhìn máy bay Mỹ rà soát ngọn tre chuẩn bị đổ quân, sẵn có khẩu súng ga-râng M1 bên mình, tôi đã lấy đường ngắm bắn liên tục hàng chục phát. Máy bay trúng đạn, sà cánh rơi xuống suối gần cầu Ri. Năm 1970, tôi lấy khẩu ga-râng M2 bắn cháy trụi chiếc HU1A khi phát hiện nó bay thấp tại đồi núi thôn 6. Và lần cuối, là lúc đi công tác vào cuối năm 1970, tại thôn 5, tôi đã dùng súng AK bắn trúng máy bay địch, sau đó rơi tại Đức Phú, kề sông Mùi”. Cũng trong thời điểm này, ông Tâm đã cài mìn tự tạo để đánh xe tăng bọc thép, cắt đứt ý đồ rải quân của địch. Lục ngăn tủ trong nhà, ông Tâm mang ra nhiều kỷ vật, danh hiệu cao quý như: 3 huy hiệu “Dũng sĩ bắn máy bay” bằng súng trường, hàng loạt huân chương, huy chương và nhiều tặng thưởng khác. Nhưng với ông niềm tự hào là lịch sử đã gọi tên ông, lịch sử đã minh định về vùng đất Kỳ Trà ác liệt trong chiến tranh nhưng rất đỗi anh hùng.

Viết sử bằng sơ đồ

“Lịch sử địa phương đã được vẽ lại khách quan, trung thực trên bản đồ này. Kỳ Trà là xã anh hùng, nên tôi muốn ghi lại những thời điểm chói lọi của lịch sử đấu tranh tại địa phương. Cứ đến kỷ niệm ngày Giải phóng quê hương (24.3), ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22.12), sơ đồ này lại được đem ra trưng bày để góp phần giáo dục truyền thống của quê hương cho thế hệ trẻ”.
(Cựu chiến binh Trần Văn Tâm)

Đất Kỳ Trà xưa là vùng đồi núi rộng lớn, có cả đồng bào dân tộc Co sinh sống. Suốt tuổi thơ leo đèo vượt suối nắm tình hình, chỉ huy các trận đánh, nên ông Tâm cũng chỉ học đến lớp 2. Chưa hiểu sâu học rộng, nên với ông, cái khó lớn nhất là trình bày suy nghĩ của mình với cấp trên một cách mạch lạc, lôgíc. Thế nhưng, ông nắm vanh vách số lượng quân địch đóng cũng như mọi cửa ngõ hoạt động của chúng. Không thể diễn đạt bằng lời nói và ghi chép cụ thể, ông mày mò phác thảo sơ đồ tác chiến xã đội Kỳ Trà, chạy dọc theo dòng sông Mùi, sông Xà Lang và vùng giáp ranh. Từ năm 1965, tấm sơ đồ tác chiến thô mộc do ông Tâm vẽ trên khổ giấy học trò đã ra đời, phục vụ không nhỏ cho chiến trường, quyết định sáng suốt của du kích Kỳ Trà. Từng vị trí đồn địch, bãi xe tăng, địa điểm máy bay địch rơi xuống, hay như các điểm cao đèo Ba Ví, U Voi, suối Bà Bảy… đã tái hiện chi tiết trên sơ đồ. Được đồng đội, cấp trên động viên, từ 1965 đến ngày giải phóng, sơ đồ chiến đấu của lực lượng vũ trang xã Kỳ Trà của ông Tâm đã được bổ sung, hoàn chỉnh. Ông bảo, thời chiến tranh, “nhất cử nhất động” đều phải giữ bí mật, ở nơi thâm sơn cùng cốc thiếu thông tin này, sơ đồ vẽ bằng tay đã định vị chính xác từng cứ điểm, nơi giặc đặt đồn bốt. Nhờ đó, mà du kích Kỳ Trà đã mở những cuộc tấn công chiến thuật hợp lý.

Nghĩa tình đồng đội
“Tôi đọc báo, xem đài nghe người ta nói phải nhờ đến nhà ngoại cảm trong việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ. Không biết thực hư thế nào, chứ hễ ai đến vùng đất Tam Trà này đều nhờ tôi chỉ đường, hoặc tận tay bốc từng sợi tóc, miếng xương, nắm tro tàn của đồng đội. Hài cốt của đồng đội còn bọc trong túi ni lông ở hố Bà Dun, sông Mùi cũng đều tự tay tôi bốc đem về nghĩa trang liệt sĩ xã” - ông Tâm kể. Hàng chục năm nay, qua tấm sơ đồ tác chiến Kỳ Trà, ông Trần Văn Tâm đã giúp nhiều thân nhân gia đình tìm kiếm hài cốt liệt sĩ. Bất cứ ai đề nghị, ông cũng đều thành tâm nhận lời. Ông Tâm đau đáu, chính sách của Đảng và Nhà nước tiếp tục tìm kiếm hài cốt liệt sĩ rất nhân đạo, nhưng còn nhiều người hy sinh trên những chiến trường khốc liệt vẫn chưa được trở về nằm cạnh đồng chí, đồng đội của mình. “Vẽ lại sơ đồ tác chiến cũng là cách tái hiện lại vùng đất Kỳ Trà trong chiến tranh, mong cho các cháu sau này không bao giờ quên xương máu của cha ông mình” - ông nói.

Qua thời gian, tấm sơ đồ cũ, khổ hẹp nhàu nát nên cách đây 5 năm, ông Tâm đã sang vẽ lại sơ đồ tác chiến trên khổ giấy to (dài hơn 1m, rộng 0,8m). “Lịch sử địa phương đã được vẽ lại khách quan, trung thực trên bản đồ này. Kỳ Trà là xã anh hùng, nên tôi muốn ghi lại những thời điểm chói lọi của lịch sử đấu tranh tại địa phương. Cứ đến kỷ niệm ngày Giải phóng quê hương (24.3), ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22.12), sơ đồ này lại được đem ra trưng bày để góp phần giáo dục truyền thống của quê hương cho thế hệ trẻ” - ông bộc bạch. Những nét vẽ, ký hiệu bằng bút mực tuy thô mộc nhưng rất chi tiết, rõ ràng và các “tác phẩm” này cũng nhanh chóng đến với người dân, đặc biệt là các cựu chiến binh, gia đình chính sách. Ông bảo, nhiều năm qua, việc giải quyết chế độ chính sách tại xã miền núi Tam Trà rất thuận lợi, chính xác, hoàn toàn không có chuyện “cướp công đồng đội”, hay làm giả hồ sơ, giấy tờ có đóng góp lớn của sơ đồ tác chiến này. Những đồng đội đã từng vào sinh ra tử ai cũng trầm trồ khen độ chính xác về địa danh, thời điểm lịch sử thể hiện qua sơ đồ. Mỗi lần đề nghị danh hiệu, huy hiệu, giải quyết chế độ chính sách, địa phương đều tham khảo ý kiến của ông.

Điều làm tôi xúc động là người lính già Trần Văn Tâm vẫn sống một cuộc đời thanh đạm, giản dị và trước sau luôn phụng sự Tổ quốc, nhân dân. Ngôi nhà tình nghĩa cấp 4 cũ kỹ ông đang ở là do Sư đoàn Bộ binh 315 xây cách đây 10 năm. Tiễn tôi ra về, ông cười mãn nguyện: “Tôi ở rừng từ thuở lọt lòng đến nay, nhưng chỉ sở hữu 1ha đất trồng chè, làm ruộng. Gia tài lớn nhất là có 6 người con đều trưởng thành, gia đình đề huề, trong đó có 4 đứa làm cán bộ nhà nước. Nghỉ hưu mười mấy năm, nhưng địa phương vẫn mời ở lại làm việc. Còn sức ngày nào, được phục vụ cho nhân dân, tôi thấy cũng có ích lắm”.

 Ghi chép của TRẦN HỮU PHÚC

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Người viết sử bằng sơ đồ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO