(QNO) - Phước Sơn là một trong những huyện đầu tiên tiến hành viết lịch sử Đảng bộ huyện và người góp công lớn trong công cuộc ấy là ông Nguyễn Tường Vân - Phó Trưởng ban Tuyên giáo huyện.
Ông Nguyễn Tường Vân và những tư liệu quý sưu tầm được để phục vụ việc viết sách. |
“Chiến tranh đã khép lại 45 năm, nếu không làm bây giờ thì "những nhân chứng sống" của lịch sử sẽ dần mất đi, lúc đó rất khó trong việc tìm tư liệu. Hơn nữa trong dòng chảy thời gian cùng sự xâm nhập của nhiều trào lưu tác động đến giới trẻ, cần ghi lại lịch sử để nhắc nhớ thế hệ mai sau" - ông Vân trải lòng.
Cho đến thời diểm hiện tại, ông Vân là tác giả chính của 5 cuốn sách: "Lịch sử Đảng bộ huyện Phước Sơn giai đoạn 1975 đến nay", "Lịch sử của Mặt trận Tổ quốc huyện", "Lịch sử lực lượng vũ trang huyện", "45 năm chiến thắng Khâm Đức - Ngok Tavak". Mỗi cuốn sách là cả một sự dụng tâm, nhưng quan trọng nhất đối với ông chính là giúp những tầng lớp kế cận có thể hiểu rõ hơn quá khứ hào hùng của người dân địa phương trong thời kỳ kháng chiến.
“Mỗi lần gặp được nhân chứng sống cùng tài liệu quý, tôi mừng như gặp được vàng, thấy mình sống lại trong những ngày hào hùng. Cứ thế tôi lặn lội từ Bắc chí Nam để có được những cái nhìn rõ nét, chính xác nhất”- ôgn Vân nói. Để hoàn thành những cuốn sách này, nhất là là về lịch sử của Lực lượng vũ trang huyện, ông đã lặn lội tìm gặp nhân chứng đã từng chiến đấu, chỉ huy trên địa bàn huyện. Nhiều lúc tưởng chừng như đi vào ngõ cụt khi người đã mất, người không còn ở chỗ cũ nữa mà đã ra Hà Nội, Đà Nẵng sống. Nhưng với quyết tâm làm cho bằng được, ông không quản ngại xa xôi để gặp được nhân chứng. Hễ có manh mối là ông đi với cuốn sổ ghi chép, máy ghi âm làm bạn đồng hành.
Từ những tư liệu tìm được, cộng với hồ sơ lưu trữ, ông bắt đầu hệ thống lại và viết. “Quý nhất vẫn là những cuốn sổ chép tay của trực tiếp chiến đấu tại Phước Sơn là nguồn tư liệu chân thực và sinh động. Không dễ gì họ giao cho mình những vật quan trọng như vậy, nhưng với sự tâm huyết và nỗ lực thuyết phục, mọi người đã đồng ý hỗ trợ…” - ông Vân tâm sự.
Mỗi cuốn sách là một sự dụng tâm. Công việc tưởng chừng khô khan nhưng lại mang nhiều niềm vui cho ông. Để viết được một cuốn sách lịch sử cần có sự hệ thống lô gic, xâu chuỗi những sự kiện một cách hợp lý, quan trọng vẫn là đúng với lịch sử. Những lúc “bí” ông lại tìm đến người có kinh nghiệm trong lĩnh vực này để tham khảo từ đó có cách viết hay hơn, khoa học hơn.
Ông Hồ Văn Điều - nguyên Bí thư Huyện ủy Phước Sơn cho biết, ông Vân là một trong những người tâm huyết đối với lịch sử của huyện. Những vấn đề còn khúc mắc, ông Vân thường trao đổi với những nhân chứng sống như ông để biết thêm thông tin thực tiễn. “Việc viết lại lịch sử rất khó, khi phần lớn nhân chứng lịch sử không còn, đa số sự kiện chỉ được lưu lại ở các tài liệu một cách rời rạc. Anh Vân thường hỏi tôi những vấn đề còn khúc mắc, dù sao mình cũng đã từng sống và chiến đấu ở đây hơn 70 năm nên biết cái gì đều nói cho anh Vân cả”- ông Điều chia sẻ.
Hiện nay, huyện Phước Sơn đang triển khai việc viết lại lịch sử cho tất cả các xã trên địa bàn huyện. “Hiện huyện đã triển khai ở 8 xã như: Khâm Đức, Phước Mỹ, Phước Chánh, Phước Thành, Phước Kim…Trong đó, kinh phí được UBND tỉnh hỗ trợ 30 triệu, còn lại huyện hỗ trợ 90 triệu cho công tác này. Đây được đánh giá là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng của địa phương, để những lớp trẻ sau này có thể hiểu rõ hơn về lịch sử hào hùng Phước Sơn nói riêng, của dân tộc nói chung cho sự nghiệp cách mạng" - ông Phạm Thế Quyền - Bí thư huyện ủy Phước Sơn cho hay.
Đam mê với việc làm sách sử, ông Vân quan niệm: “Từ khi viết cuốn sách lịch sử đầu tiên, tôi đã bị cuốn hút vào lĩnh vực này. Hy vọng đóng góp nhỏ này giúp huyện Phước Sơn có được những tư liệu quý giá về những ngày tháng hào hùng của dân tộc”.
NGUYỄN DƯƠNG