Người Việt tại giao lộ văn hóa Isan

Kim Oanh 13/01/2013 09:28

Miền đông bắc Thái Lan - còn được gọi là Isan - hội tụ nhiều nền văn hóa khu vực Đông Nam Á, trong đó có cộng đồng người Việt.

ISAN có lịch sử đặc biệt phong phú. Ngay từ thế kỷ thứ IX, người Khmer đã đến định cư, và đến thế kỷ thứ XII xứ Isan trở thành một phần của đế chế Angkor. Sau đó, thế kỷ XVIII - XIX đến lượt người Lào sang sinh sống. Hiện nay, người Lào chiếm đa số trong các cư dân sống tại Isan. Ngoài ra, còn có một cộng đồng rất đông người Việt trong vùng Nakhon Phanom và Sakhon Nakhon. Chính vì thế, sự kết hợp giữa các nền văn hóa rất riêng và đặc sắc đó đã làm nên một Isan đa dạng và hấp dẫn, nhất là trong các dịp lễ hội hay nghi thức thờ cúng tổ tiên.

Một ngôi nhà của kiều bào Việt ở Isan.
Một ngôi nhà của kiều bào Việt ở Isan.

Trong số hơn 100 nghìn người Việt sinh sống tại Thái Lan, có đến 80% tập trung tại Nakhon Phanom bên bờ sông Mêkông. Người Việt sống ở đây kinh doanh buôn bán khá thành công. Mỗi năm, vào dịp lễ lớn của dân tộc như tết cổ truyền, quốc khánh, kỷ niệm sinh nhật Bác..., người Việt ở đây cùng tụ hội để giao lưu và sinh hoạt cộng đồng. Tại Nakhon Phanom, người Việt nhập cư đã xây dựng một ngôi làng đặt tên là Baan Na Jok. Hầu như cư dân nói tiếng Việt song song với tiếng Thái. Làng Baan Na Jok với nhiều ngôi nhà lớn bằng gỗ, được bảo quản tốt. Đặc biệt, Nakhon Phanom cũng là nơi hiện diện của Làng hữu nghị Việt Nam-Thái Lan được phát triển thành khu du lịch nổi tiếng, có khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh - nơi Bác Hồ từng sống và hoạt động từ những năm 1928-1929. Tỉnh trưởng Tỉnh  Nakhon Phanom, ngài Akanul Tangkanukulchai, từng nói rằng nhiều kiều bào gốc Việt sinh sống tại nơi đây đã được nhập quốc tịch Thái Lan, hội nhập tốt vào xã hội nước sở tại và  có nhiều đóng góp quan trọng trên nhiều lĩnh vực cho Nakhon Phanom nói riêng và Thái Lan nói chung.

Mặc dù sống xa quê hương, kiều bào tại Thái Lan vẫn luôn phát huy tinh thần đùm bọc lẫn nhau, trong đó phải kể đến việc thành lập hội người Việt Nam tại Nakhon Phanom. Kiều bào một mặt giữ gìn những nét văn hóa truyền thống, mặt khác góp phần làm đa dạng văn hóa của Nakhon Phanom. Chị Trương Thị Hồng, người Thái gốc Việt định cư tại Nakhon Phanom hơn 15 năm, cho biết: “Tôi và các đồng hương luôn ý thức được trách nhiệm của mình, làm một người công dân tốt trên đất nước sở tại. Chúng tôi vẫn luôn hướng về quê hương qua việc giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc. Sự hòa nhập của các nền văn hóa khu vực càng làm cho Isan sinh động và đa dạng hơn”.  

Cũng chính vì vậy, Tỉnh trưởng Nakhon Phanom cho biết sẽ luôn tạo mọi điều kiện cho cộng đồng người Việt Nam ổn định và phát triển, góp phần vào việc củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị hợp tác giữa hai nước Việt Nam - Thái Lan.

Kim Oanh

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Người Việt tại giao lộ văn hóa Isan
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO