Từ khi cây sâm Ngọc Linh được nâng tầm cả về thương hiệu lẫn giá trị đã giúp cho người Xê Đăng ở huyện Nam Trà My nâng cao đời sống và làm giàu từ rừng. Vì vậy, họ tự giác giữ rừng, phục hồi rừng, góp phần bảo vệ đại ngàn Ngọc Linh.
Ở xã Trà Nam có hàng trăm hộ dân tự giác lập các chốt canh dọc quốc lộ 40B để thay nhau canh giữ, bảo vệ rừng, còn ở tại Trà Linh lại có nhiều hộ dân tự bỏ tiền túi ra để trồng rừng, phục hồi rừng. Một việc làm hết sức nhân văn và đem lại nhiều giá trị thiết thực. Trà Linh trước đây là xã khó khăn nhất của vùng núi Nam Trà My. Đa số người đồng bào Xê Đăng sống chủ yếu dựa vào việc phát nương, tỉa rẫy, vì vậy nhiều cánh rừng già cứ ngày càng bị thu hẹp để thế chân cho những nương ngô, rẫy lúa. Hơn nữa, tập quán du canh cũng làm cho diện tích rừng già bị xâm hại nhiều. Từ khi cây sâm Ngọc Linh đem lại sự giàu có cho dân làng, bà con Xê Đăng đã nhận thấy giá trị từ rừng già và tập trung bảo vệ hết sức nghiêm ngặt. Đặc điểm cây sâm Ngọc Linh là sống dưới tán rừng, nơi có độ che phủ hơn 80% và nhiệt độ dao động ở mức 20oC trở xuống. Vì thế, muốn trồng sâm thì phải giữ rừng, phục hồi rừng.
Người tiên phong trong phong trào trồng rừng trên đất nương rẫy ở Trà Linh là ông Hồ Văn Du, người gắn bó hơn 40 năm với cây sâm Ngọc Linh. Ông Du cho biết, ở Trà Linh không có cây trồng nào có giá trị cao như cây sâm Ngọc Linh. Trong khi dân làng cứ phát rẫy đã khiến cho diện tích trồng sâm bị thu hẹp, môi trường phát triển bị ảnh hưởng từ việc đốt nương và nhiệt độ tăng lên. Nhận thấy hệ lụy đó, ông Du đã khoanh hơn 3ha đất rẫy sát vùng sâm để tái sinh. Ông đưa những cây bản địa trồng trên toàn bộ diện tích này. Đến nay, cây tái sinh đã cao hơn 4 mét và dần tạo độ che phủ, tạo lớp đất mùn trở lại. Để không lãng phí diện tích đất tái sinh rừng, ông Du đưa cây giảo cổ lam và sâm nam trồng dưới tán cây để tăng thu nhập. “Chừ mình không lo trồng rừng, lấy lại màu xanh cho rừng thì sau này con cháu lấy đất đâu để trồng sâm Ngọc Linh” - ông Du khẳng định.
Còn ông Nguyễn Văn Lượng, một tỷ phú trồng sâm ở Trà Linh cũng đã mua hơn 5ha đất rẫy của dân làng nằm ngoài rìa vùng sâm của gia đình để tái sinh rừng. Ông Lượng đưa nhiều cây gỗ bản địa để trồng với tâm niệm mình sống nhờ rừng thì phải giữ rừng bền vững cho tương lai. Phong trào người dân trồng rừng trên đất nương rẫy ở Trà Linh hiện đã lan tỏa đến rất nhiều làng từ Măng Lùng tới Kon Pin, Tak Ngo... Hay như ở làng Tắc Lan, các tỷ phú trồng sâm đang thi nhau làm nhà xây kiên cố thay cho nhà gỗ để khỏi phải xâm hại tới rừng tự nhiên. Mặc dù chi phí xây nhà nơi rẻo cao tốn kém gấp năm, bảy lần so với làm nhà gỗ nhưng bà con vẫn phấn khởi bởi mỗi cây rừng xanh tốt sẽ chở che cho cây sâm phát triển và đem về no ấm giàu sang. “Chúng tôi thấy đây là tín hiệu đáng mừng. Bà con sống nhờ rừng, gắn bó và giữ rừng thì màu xanh thiên nhiên sẽ phát triển bền vững. Sắp tới đây, chúng tôi sẽ nhân rộng phong trào này ra toàn huyện gắn với phát triển các loại cây dược liệu dưới tán để khôi phục lại diện tích rừng bị xâm hại” - Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh Nguyễn Đình Hoan cho biết.
Với ý thức tự giác phục hồi những cánh rừng bị phát nương tỉa rẫy trước đây, người Xê Đăng ở Trà Linh đang “bồi thường” lại cho thiên nhiên và họ đã thổi thêm làn gió mới vào việc quản lý, bảo vệ rừng ở Nam Trà My.
HOÀNG HUYNH