Đồng bào dân tộc Xơ Đăng ở Nam Trà My sinh sống chủ yếu tại 3 xã là Trà Cang, Trà Nam và Trà Linh. Đời sống của họ chủ yếu dựa vào các thung lũng ruộng bậc thang, trồng trọt và canh tác nương rẫy xung quanh plơi (làng) nên bảo tồn khá nguyên vẹn nhiều giá trị văn hóa gắn liền với quá trình canh tác nông nghiệp.
Trẻ em Xơ Đăng. Ảnh: V.LỘC |
Tín ngưỡng thờ thần lúa
Người Xơ Đăng (hay Xê Đăng) thường sống theo plơi, mỗi plơi có khoảng 15 - 20 nóc và mỗi nóc thường có 8 - 10 gia đình. Đa số ở nhà sàn, mái thấp, lợp bằng lá và xúm xít gần nhau, xen vào giữa là những kho thóc của từng gia đình. Mỗi plơi thường có một ngôi nhà sàn dựng ở giữa làm nơi tập hợp vui chơi của mọi người, đây cũng là nơi tiến hành các nghi lễ truyền thống, nhất là trong lễ hội đâm trâu. Theo truyền thống, bà chủ nóc là người duy nhất được tiến hành các lễ thức liên quan đến hồn lúa. Cũng có những nơi, công việc đó do ông chủ nóc hay những người già có kinh nghiệm mà sức khỏe còn tốt am hiểu phong tục tập quán đảm nhận. Người Xơ Đăng cho rằng, mỗi mùa rẫy, việc sản xuất thuận lợi lúa, bắp đầy kho đều do thần lúa ban tặng; nếu thất thu là do thần lúa hờn trách vì dân làng có những lời xấu đối với thần. Nên vào mùa lúa trĩu hạt, đồng bào Xơ Đăng thường có tục ăn mừng lúa mới với nghi thức rước hồn lúa diễn ra khá long trọng.
Tại Nam Trà My, tùy từng nơi, người Xơ Đăng chỉ trồng trọt một số loại cây như hành, cây nghệ, cây mào gà… làm “nhân ngãi” cho lúa. Các cây chọc lỗ dùng xong được dựng lại tại chỗ để bảo vệ hồn lúa. Lúa giống được để vào chiếc gùi dưới chân cây nêu, trên ngọn có cắm bông lau tượng trưng cho hoa lúa, các gia đình trong nóc được phân phát dần thứ lúa đó để trỉa trên rẫy. Bao giờ đồng bào cũng để một ít giống nhằm tổ chức bữa ăn mời bạn bè đến dự và trong bữa ăn đó, họ tổ chức lễ đầu mùa (pưa pang) để mời người sống, các vong hồn, các thần linh về tham dự và tiễn đưa hồn lúa lên rẫy với mong muốn hồn tác động đến cây trồng. Theo già làng Hồ Văn Bông, thôn 1, xã Trà Linh, người Xơ Đăng quan niệm hồn lúa thường trú ngụ trong một giống lúa xưa nhất. Giống lúa ấy được trồng riêng vào một mảnh đất thiêng trên rẫy. Bà chủ nóc tự tay trồng, săn sóc và tự tay mang về, để dùng vào lễ cơm mới trong dịp tuốt lúa. Số còn lại được giữ trong kho ở một vị trí đặc biệt. Khi cất giữ hồn lúa ở kho thì chọn ngày trăng tròn; tránh đưa hồn lúa cũng như tránh tổ chức các nghi lễ vào các ngày chẵn (là ngày xấu). Họ tin ở ngày lẻ thì hồn lúa có điều kiện tác động đến mọi cây trồng trên rẫy và trong suốt quá trình canh tác nương rẫy đồng bào đỡ tốn công. “Trong tín ngưỡng thờ thần lúa của người Xơ Đăng có tục căng dây đưa hồn lúa về kho và được tổ chức khá chu đáo. Những nơi qua suối đều phải bắc cầu (cho hồn lúa đi). Ở những ngã ba phải cắm hoa làm dấu chỉ đường cho hồn lúa, khi đến kho cũng phải bắc cầu cho hồn lúa lên. sau khi sửa soạn chỗ nghỉ cho hồn lúa trong kho thóc còn phải bảo vệ không cho lúa dính nước khi tiến hành các nghi lễ. Đặc biệt, trong những tháng nghỉ ngơi sau thu hoạch người Xơ Đăng đỏ lửa lò rèn tranh thủ rèn các công cụ phục vụ sản xuất hoặc dự lễ ở mọi nhà, ở nhiều làng”, già làng Bông cho biết.
Bảo tồn để phát triển du lịch
Cũng như các dân tộc anh em khác, người Xơ Đăng có những lễ thức dân gian truyền thống có ý nghĩa hết sức quan trọng. Theo kinh nghiệm cổ truyền, mùa lao động sản xuất được báo hiệu bằng tiếng sấm đầu năm. Nếu tiếng sấm phát ra trước khi con chim klang pong kêu thì năm đó sẽ mất mùa, nhiều bệnh tật đến với người và gia súc. Còn ngược lại tiếng sấm phát ra sau khi con chim klang pong kêu và ríu rít gọi đàn về đậu trên những cây cổ thụ xung quanh làng, làm tổ đẻ trứng thì năm đó sẽ được mùa, dân làng đoàn kết, đùm bọc và giúp đỡ nhau thịnh vượng... Vào những ngày trăng tròn tháng ba, đồng bào Xơ Đăng có tục tổ chức sửa sang máng nước và làm lễ cúng máng nước, cầu mong cho cả làng một năm mới thịnh vượng. Máng nước tượng trưng cho sự sống của cả làng, cúng máng nước là một hình thức củng cố cộng đồng làng, con cháu đi làm ăn xa, những người đi lấy chồng hay ở rể các làng xa đều về họp mặt. Họ tổ chức ăn uống chung. Sau đó cả làng bỏ ra 3 ngày đi kiếm cá, hái rau, đánh chuột, chim, sóc, đặt bẫy chim thú... Thông thường, mỗi nhà có bao nhiêu người thì có bấy nhiêu ống cơm lam và đem theo rượu cùng với các thứ săn bắt, hái lượm được đến nhà sàn chung giữa làng để chủ làng cúng thần làng và các thần linh khác, cầu xin cho mọi người được khỏe mạnh, mùa màng năm tới bội thu, gia súc phát triển. Cầu xin cho từng nóc, cúng hồn cho các công cụ, vũ khí, các chuồng gia súc… Cuộc vui cứ thế kéo dài thâu đêm suốt sáng.
Ngoài các tín ngưỡng liên quan đến lúa, người Xơ Đăng còn có tục trồng cây gạo khi lập làng mới với quan niệm có thần linh trú ngụ và tượng trưng cho sự trường sinh bất tử. Cây gạo cũng tượng trưng cho quê hương xưa của tổ tiên người Xơ Đăng. Đồng bào Xơ Đăng ở Nam Trà My mỗi năm đều mong muốn được giết trâu hiến tế thần linh, nên tục ăn trâu thường được tổ chức vào các tháng nghỉ ngơi, những ngày đầu xuân. Ông Đoàn Ngọc Ba – Trưởng phòng VHTT huyện Nam Trà My cho rằng, tín ngưỡng của người Xơ Đăng luôn tồn tại cùng các nghi thức dân gian mang tính tâm linh trong các lễ hội cổ truyền, vừa phản ánh nhân sinh quan, thế giới quan của đồng bào hàng bao đời nay gắn với kinh tế nương rẫy.
“Huyện đã xây dựng đề án bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số huyện Nam Trà My giai đoạn 2015 -2020 định hướng đến năm 2030 gắn với phát triển du lịch bền vững. Trong đó xác định các giá trị văn hóa đặc trưng gắn với đời sống, sản xuất, lao động của đồng bào từ các lễ hội như lễ cúng máng nước, mừng lúa mới, cúng lúa kho, lễ hội cồng chiêng… đến đám cưới, lễ mừng nhà mới, tết; các trò chơi dân gian, các phong tục, tín ngưỡng, các nghi lễ; các loại hình nghệ thuật biểu diễn; các làn điệu dân ca, múa, nhạc cụ; các nghề truyền thống… Vừa qua, huyện cũng đã phối hợp với Sở VH-TT&DL tổ chức khảo sát đánh giá tiềm năng du lịch tại làng đồng bào dân tộc Xơ Đăng ở xã Trà Linh nhằm định hướng quy hoạch, xây dựng sản phẩm du lịch gắn với phát triển du lịch sinh thái văn hóa, tâm linh, dự kiến tháng 6 này sẽ hoàn thành bước đầu” - ông Ba thông tin.
VĨNH LỘC