Người xưa bảo tồn di tích

NGUYỄN HOÀNG THÂN 28/02/2016 08:55

Bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa không chỉ là một trong những vấn đề cấp bách được đặt ra hiện nay mà từ lâu đã được cha ông chú trọng và thực hiện có hiệu quả trong quá khứ. Điều này chúng ta có thể thấy rải rác qua những thư tịch cũ. Song có lẽ tập trung nhất vẫn là những văn bản văn bia, nhất là văn bia trùng tu di tích, bởi loại “văn bản” này thường hiện diện trong một công trình di tích. Và Quảng Nam cũng có rất nhiều văn bia Hán Nôm đã biểu đạt nội dung như vậy.

Thực hiện trùng tu một công trình kiến trúc tại Hội An.Ảnh: HIỀN - VINH
Thực hiện trùng tu một công trình kiến trúc tại Hội An.Ảnh: HIỀN - VINH

Trước hết văn bia Quảng Nam đã có một ý thức và quan niệm về việc bảo tồn di tích lịch sử - văn hóa, như tấm bia Trùng tu Cẩm Hải nhị cung đã viết: “Thức giả đều nói: Bảo tồn cổ tích ngày nay là một vấn đề lớn, người trước có công gây dựng, người đời sau phải tiếp tục sự nghiệp”. Tư tưởng này của người xưa có giá trị mãi đến tận ngày nay và sẽ là bài học kinh nghiệm cho các nhà quản lý văn hóa hiện thời.

Cùng với những quan niệm và ý thức về việc bảo tồn di tích như trên, văn bia Quảng Nam đã có nhiều văn bản ghi lại việc trùng tu công trình di tích. Mỗi một văn bia trùng tu di tích dường như đều có phần hoặc đoạn đầu trình bày về những lý do đã xâm hại, ảnh hưởng đến di tích, làm cho di tích xuống cấp và cần phải được khẩn trương trùng tu bảo tồn. Mỗi công trình lại có những lý do khác nhau.

Có văn bia chỉ ghi lý do đơn giản là, di tích “lâu ngày phải sửa lại” như văn bia Trùng tu Cẩm Hải nhị cung, “vì đã lâu ngày hư hoại, tất phải ra công tu sửa” trong văn bia Trùng tu Quan Thánh miếu bi. Có văn bia nêu một quy luật tự nhiên “có thành ắt có hư” như văn bia trùng tu Lai Viễn kiều: “Nhưng, sự việc ở đời, đã sinh thành thì phải bị hủy hoại. Gỗ (làm cầu) lâu ngày sẽ mục nát, (nếu) không kịp thời tu sửa, (thì) sẽ có sự lo lắng không thôi. Do vậy, viên chức toàn xã phát nguyện quyên góp tiền của thu mua gỗ, dốc sức làm mới lại cầu”.

Còn lại phần lớn các văn bia nêu lý do vì thời tiết và nhân vi ảnh hưởng đến di tích. Về lý do vì thời tiết, như văn bia chùa Hải Tạng ở Cù Lao Chàm (Hải Tạng tự bi) nêu: “Chẳng may tháng 9 năm ngoái (tức 1857 – người viết chú) bị trận gió lớn, ngói trên điện thờ bị trốc hết”. Hay lời lẽ trong văn bia ở miếu Thanh Minh của Ngũ Bang thật thê lương, thống thiết: “Qua nhiều đời, nhiều năm vách xiêu, ngói đổ, rêu phong dấu chữ thê nhiên. Mưa tạt gió lùa, trăng dọi dòng khe lặng lẽ. Hương tàn khói lạnh, lấp loáng mấy bầy đom đóm, thương tâm hồn dưới trăng mờ. Vun vút mấy luồng gió dặt, trông buồn ngọn cỏ úa tàn xuân. Nay thử tưởng người xưa rơi lụy đi đâu? Thấy cảnh sinh tình, khôn ngăn than thở. Nay Bốn Bang cùng thương khách chọn nơi nền cũ mở rộng mới hơn. Kẻ xuất lực cùng làm, kẻ cúng tiền xây dựng” (Nguyễn Bội Liên dịch). Về lý do nhân vi, chủ yếu là bởi khói lửa chiến tranh, như văn bia Trùng hưng Viên Giác tự bi có ghi: “sau lúc binh qua thiêu đốt, chùa trở thành hoang rậm”. Hay văn bia ở Quan Thánh đế miếu bi đã viết: “Trải qua cơn binh loạn, các miếu đều hư hại, mà miếu Ông vẫn y như cũ, thấy rõ thần linh hiển hách, miếu [xứng được] thờ tự nghìn năm vậy!”. Chính những văn bia này cũng chính là sử liệu minh chứng cho cuộc giao tranh của chúa Trịnh và nhà Tây Sơn vào năm 1775 tại Hội An.

Trước di tích bị hư nát, suy tàn, cùng với quan niệm và ý thức về việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, cha ông Quảng Nam xưa đã “đỉnh lực” - dốc sức trùng tu, giữ gìn nhiều di tích của địa phương. Trong tổng số 252 văn bia Quảng Nam có niên đại từ 1945 về trước, trừ đi những văn bia về mộ táng, thì còn hơn một nửa là văn bia về trùng tu di tích lịch sử - văn hóa của địa phương.

Ngoài ra, văn bia Quảng Nam cũng có một số văn bản nêu lên giá trị của di tích, nói theo ngôn ngữ của ngành du lịch hiện nay, là thắng cảnh của địa phương, là tài nguyên du lịch cho du khách bốn phương: “đấy là thắng cảnh của một làng” (Trùng tu Viên Giác tự bi), “khách bác cổ Âu, Á đến du lãm chẳng ai là không khen, chụp ảnh cho là một kiến trúc đẹp” (Trùng tu Cẩm Hải nhị cung), “trên cầu có mái che, dưới lát ván bằng phẳng như trên mặt đất, người qua lại được an toàn, mệt thì nghỉ ngơi, hóng mát cũng tốt, đứng trên cầu mà ngắm cảnh, nhìn nước chảy mà làm thơ cũng thú vị” (Trùng tu Lai Viễn kiều ký)…

Việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn Quảng Nam xưa không chỉ là do người Việt, người Hoa trên địa bàn mà còn có cả người Pháp (cụ thể là Công sứ Pháp ở Hội An) đã đứng ra trùng tu chùa Cầu vào năm Khải Định 2 - 1917, được ghi lại trong văn bia Lai Viễn kiều Khải Định nhị niên bi 3, người Cao Miên trong văn bia Vu Lan tự bi với dòng chữ “(khách) thập phương của phủ Sài Tiếp tỉnh Cao Miên cúng 237 đồng bạc Tầm”. Có di tích còn được dân làng đặt tên theo danh sĩ của địa phương, như cầu Hội Nguyên ở Đông Bàn (thuộc đất Điện Bàn ngày nay) là được đặt tên theo danh vị đỗ đạt của Phạm Phú Thứ - người xuất tiền của xây dựng. Việc đặt tên như vậy sẽ có giá trị khuyến khích, xiển dương giáo dục địa phương. Đây chính là nguồn tư liệu góp phần nghiên cứu văn hóa của địa phương, mà cụ thể là vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa.

NGUYỄN HOÀNG THÂN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Người xưa bảo tồn di tích
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO