Ngoài vận động cải cựu canh tân, Duy tân hội còn phải lo nguồn kinh phí cho hoạt động Đông du. Cùng với sự đóng góp của người trong hội còn có nguồn từ các hội thương vốn được thành lập cho mục tiêu canh cải chuyện làm ăn, bởi hoạt động doanh thương đóng vai trò quan trọng trong đường lối duy tân của cả hai phái: duy tân bạo động (Duy tân hội) và duy tân ôn hòa (do Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp chủ trương)…
|
Bến Hục nay chỉ còn là con lạch nhỏ bên sông Thu Bồn do bị bồi lấp, nhưng trước kia là bến cập của ghe thuyền chở hàng cho thương hội Diên Phong. Ảnh: HUỲNH VĂN MỸ. |
Những đồng tiền vì nghĩa lớn
“Kể tiền hành phí cọng cả hơn 3.000 đồng, trừ các bạn đồng chí trên tặng ngoại thì thảy là của Tiểu La (Nguyễn Thành) trù cấp cho. Còn có ông Chu Thơ Đồng tự ý tặng 200 đồng”. Thật cảm kích khi đọc lại ghi chép của Sào Nam Phan Bội Châu về nguồn tiền ông có được cho sứ vụ Đông du buổi đầu của ông hồi tháng Giêng năm Ất Tỵ 1905.
“Các bạn đồng chí trên (đã) tặng ngoại” như Sào Nam nói là những ai? Đó là các ông Lê Võ, Đội Quyên ở quê nhà Nghệ An đã tặng “ít nhiều” cho ông đi đường khi ông ghé thăm. Và 15 nén bạc của người bạn Trần Đông Phong, cũng ở Nghệ An. Dù gia thế ông Phong giàu có, nhưng là “người bạn mới xáp mặt một lần” mà đã tiễn chân bạn số tiền lớn như vậy là bởi ông biết người bạn mình mới quen xuất dương vì đại sự. Và cũng thật cảm kích khi nghe Sào Nam nhắc lại việc người bạn nghèo ở Nghệ An - cử nhân Trần Văn Lượng đã “moi móc hết vốn trong nhà được 10 đồng” đem tặng ông trong chuyến đi muôn dặm!
Còn khoản tiền tặng 200 đồng của người bạn Châu Thơ Đồng (1845 - 1908) - người trong nhóm mật hữu ba - bốn người mà Sào Nam cùng họp mặt bàn luận lần cuối tại nhà Tiểu La cho chuyến xuất dương của mình quả là một khoản quá lớn. Tặng cho bạn đồng chí một ngân khoản lớn như thế cũng có nghĩa là hiến tặng cho sự nghiệp cách mạng mà bạn mình đang gánh vác. Từng trải nhìn những cuộc dấy nghĩa chống thực dân thất bại qua các phong trào Văn thân, Cần vương; tin tưởng vào Duy tân hội với chủ trương Đông du như là một hướng đấu tranh mới, vị sĩ phu ở giữa phố Hội An không nại tuổi cao đã vào hội, không nệ góp nhiều vật lực cho tổ chức.
Điểm đếm số tiền hơn 3.000 đồng thu góp được buổi đầu cho cuộc Đông du trong thời gian còn phôi thai của Duy tân hội là điểm đếm sự hướng vọng của sĩ - dân vào tổ chức đấu tranh mới.
Đóng góp từ những thương hội
Đọc những biên khảo về hoạt động duy tân của các hội thương xưa rồi nghe các vị cao niên là hậu duệ của nhiều chí sĩ trong các phong trào Duy tân, Đông du kể lại về những hội thương này qua ký ức truyền lưu, thật lý thú. Hơn một trăm năm trôi qua, những gì đã diễn ra cho công cuộc duy tân/đổi mới, cho bước chân Đông du của những con người thức thời ở trong nước có thể hiện ra phần nào.
“Chúng ta nên, ở trong nước, nhân phong triều (trào) này, tổ chức ra các hội nông, thương, học, khiến cho người ta biết có đoàn thể, đặng sau dễ cổ động tấn (tiến) hành. Việc này để tôi với anh em Tập Xuyên mấy ông xem tính toán với nhau…” - lời của Đốc học Nghệ An Đặng Nguyên Cẩn nói với Sào Nam khi ông từ Nhật trở về tuyển du học sinh. Và ông đã cùng các đồng chí của mình lập nên Triều Dương thương quán ở Vinh vào năm 1907, cũng là thời mà hội thương (sau là công ty) Liên Thành ở Phan Thiết (Bình Thuận) và trường Đông Kinh nghĩa thục ở Hà Nội đi vào hoạt động.
Xuất hiện sớm hơn và hoạt động sôi nổi hơn là thương hội Diên Phong ở huyện Điện Bàn của Quảng Nam do cử nhân Phan Thúc Duyện (1873 - 1944) mở ngay tại làng Phong Thử vào cuối năm 1906. Nhưng sớm nhất là thương cuộc duy tân Hội An, được thành lập vào đầu năm 1906, Phan Thúc Duyện cũng nằm trong số những người chủ chốt. Việc kinh doanh của thương cuộc Hội An và thương hội Diên Phong đều phát đạt, bởi nằm ở cửa ngõ giao thương thuận lợi từ lâu của Quảng Nam. “Hàng hóa ở đây (thương hội Diên Phong) là những thổ sản thường buôn bán ở trong tỉnh do những ghe bầu vượt biển đi buôn các tỉnh khác hay mang xuống cho thương cuộc Hội An bán, dụng ý ngầm tranh thương với người Trung Hoa ở đó… Việc mua bán lại do các ông cử nhân, tiến sĩ vốn là những con nhà nòi. Số nhân viên dùng để lo sổ sách, cất hàng hóa, kể cả lao công khuân vác lên đến 40 người…” - lời của nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Xuân (đã mất) cho thấy tầm vóc của hội thương này.
Ông Phan Minh Xong - hậu duệ của cử nhân Phan Thúc Duyện nói còn nhớ cha ông kể rằng lập hội thương là để làm đời sống người dân bớt khổ, sản vật họ làm ra có chỗ bán khiến họ ham làm, vật họ cần mua thì sẵn có tại làng, giá nhẹ hơn giá của tư thương. Khoản lợi của hội thương được dùng cho hoạt động của phong trào Duy tân như mở trường tân học Diên Phong, đóng góp cho Duy tân hội của Tiểu La. Điều này cho thấy khoản đóng góp của các hội thương dành cho Duy tân hội để lo cho việc Đông du vẫn ở mức vừa vì những tổ chức doanh nghiệp duy tân này còn phải dành phần để đóng góp cho các hoạt động duy tân trong nước, trong đó khoản dành để mở trường tân học chiếm không ít. Bởi vậy phí khoản cho Đông du luôn là nỗi lo của những người phụ trách.
-----------
Bài 4: Những cổng trường rộng mở
HUỲNH VĂN MỸ