Nguồn lực cho vùng ven biển

NGUYỄN QUANG VIỆT 11/04/2013 07:42

Nhờ được “tiếp sức” từ chương trình hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu của Chính phủ, các xã vùng bãi ngang ven biển và hải đảo trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến quan trọng.

  • 19 xã vùng bãi ngang ven biển được hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu
Chợ Lạc Câu được xây dựng phục vụ nhu cầu mua bán của người dân Bình Dương. Ảnh: NGUYỄN QUANG VIỆT
Chợ Lạc Câu được xây dựng phục vụ nhu cầu mua bán của người dân Bình Dương. Ảnh: NGUYỄN QUANG VIỆT

Khởi sắc

Bình Dương là một trong các xã ven biển của huyện Thăng Bình được trợ giúp từ chương trình hỗ trợ đầu tư xây dựng các cơ sở hạ tầng thiết yếu của Trung ương để phát triển sản xuất. Năm 2005, từ nguồn vốn hỗ trợ 500 triệu đồng, xã đã xây dựng chợ Lạc Câu. Các năm tiếp theo, xã tiếp tục được hỗ trợ đầu tư xây dựng đường giao thông, các công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp. Trước đây, sản xuất nông nghiệp của xã hết sức trì trệ, tự phát do không có hệ thống cung ứng nguồn nước tưới mà phụ thuộc vào nước trời. Sau khi đầu tư xây dựng ao gom nước nhĩ tại thôn 1 và thôn 3, sản xuất lúa và hoa màu của địa phương đã có những chuyển biến quan trọng. Nếu như trước kia nông dân chỉ sản xuất 1 vụ lúa thì sau khi đầu tư thủy lợi, có thể sản xuất được 2 vụ với năng suất lúa tăng từ 40 tạ/ha lên 60 tạ/ha; diện tích canh tác từ 80ha tăng lên 130ha… Theo ông Cao Thành Phiện - Chủ tịch UBND xã Bình Dương, gần 10 năm qua kể từ khi được hỗ trợ xây dựng các cơ sở hạ tầng thiết yếu, diện mạo của địa phương đã có nhiều khởi sắc. Nhiều công trình đã giúp người dân phát triển kinh tế, giảm chi phí sản xuất. Năm 2012, xã Bình Dương chỉ còn 19% hộ nghèo so với 39% năm 2005.

Hơn 136 tỷ đồng hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu

Theo thống kê, trong 2 năm (2005 – 2006), Quảng Nam có 13 xã bãi ngang ven biển và hải đảo được “tiếp sức” từ chương trình hỗ trợ đầu tư xây dựng các cơ sở hạ tầng thiết yếu của Chính phủ với số tiền hỗ trợ là 500 triệu đồng/xã. Từ năm 2008 - 2012, Quảng Nam có 21 xã bãi ngang ven biển và hải đảo được nhận hỗ trợ. Từ năm 2008 đến nay, số tiền hỗ trợ đã được tăng lên. Cụ thể, năm 2007 và 2008 là 700 triệu đồng, năm 2009 là 800 triệu đồng, từ năm 2010 đến nay là 1 tỷ đồng. Như vậy, từ năm 2005 - 2012, số tiền hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu cho các xã bãi ngang ven biển trên địa bàn tỉnh là 136,6 tỷ đồng. Năm 2013, Quảng Nam chỉ còn 19 xã được hỗ trợ (không có xã Tam Phú và Tam Thanh của TP.Tam Kỳ).

Thuộc vùng cát ven biển của huyện Duy Xuyên, nhiều năm trước đây, xã Duy Nghĩa luôn gặp khó khăn trong phát triển kinh tế, ổn định đời sống của người dân. Trong 2 năm 2005 - 2006, từ nguồn vốn hỗ trợ của Chính phủ, Duy Nghĩa đã xây dựng trạm y tế xã để nâng cao hiệu quả chăm sóc sức khỏe cho người dân. Những năm tiếp theo, cũng từ nguồn vốn này, xã tiếp tục đầu tư xây dựng các tuyến đường giao thông, trường mẫu giáo, chợ Nồi Rang… Ông Nguyễn Tấn Nam - Chủ tịch UBND xã Duy Nghĩa cho biết: “Tình trạng chợ búa nhếch nhác, trường tạm, lớp tạm, đường sá sình lầy ngày mưa, thiếu thốn điện lưới không còn nữa. Các cơ sở hạ tầng thiết yếu đã được đầu tư xây dựng khiến người dân phấn khởi. Ai cũng lo làm ăn nên số hộ nghèo cũng đã giảm đáng kể. Cách đây vài năm, toàn xã có 31%  hộ nghèo thì năm 2012 chỉ còn 25% hộ nghèo”.

Đa dạng hóa nguồn lực

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt danh sách 311 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, hải đảo giai đoạn 2013 - 2015. Theo ông Nguyễn Quang Hòa - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, đơn vị đang tham mưu UBND tỉnh lập kế hoạch, phê duyệt và tổ chức thực hiện các dự án đầu tư đúng mục đích, đối tượng, nội dung hỗ trợ theo quy định. Theo đó, sẽ tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, kinh doanh và dân sinh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống của người dân, giảm nghèo nhanh và bền vững. Ông Hòa cho biết thêm, việc đầu tư xây dựng hạ tầng tại các xã vùng bãi ngang ven biển và hải đảo trên địa bàn tỉnh trong thời gian đến sẽ căn cứ vào các đề xuất đầu tư xây dựng của các xã. Điều này sẽ nâng cao hiệu quả của các công trình, giảm thiểu lãng phí, tránh đầu tư không sát thực với điều kiện của từng địa phương.

Hỗ trợ đầu tư xây dựng các cơ sở hạ tầng thiết yếu trên địa bàn tỉnh trong thời qua đã giúp các xã nghèo phát triển kinh tế. Tuy nhiên, có thể nhận thấy, nhiều xã vùng bãi ngang ven biển và hải đảo trên địa bàn tỉnh vẫn còn thiếu nước sinh hoạt, đường giao thông nông thôn chưa kiện toàn, trường học chưa được chuẩn hóa… Nhiều ý kiến cho rằng, để giảm nghèo bền vững tại các xã bãi ngang ven biển và hải đảo, Quảng Nam cần đa dạng hóa các phương thức huy động vốn và thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo. Bên cạnh đó, để nâng cao đời sống của người dân tại khu vực này, cần có cơ chế khuyến khích thu hút các doanh nghiệp đầu tư để khai thác thêm các tiềm năng, giải quyết việc làm. Ông Hồ Xuân Khanh - Phó Trưởng phòng Bảo trợ xã hội (Sở LĐ-TB&XH) nói: “Lồng ghép mục tiêu giảm nghèo bền vững vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương là việc làm cần thiết hiện nay. Tuy nhiên, mức hỗ trợ 1 tỷ đồng/xã/năm là tương đối thấp nên kiến nghị các bộ, ngành tăng thêm vốn đầu tư, giúp các xã vùng bãi ngang ven biển và hải đảo giảm nghèo nhanh và bền vững”.

NGUYỄN QUANG VIỆT

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nguồn lực cho vùng ven biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO