Ở Quảng Nam, nguồn cán bộ công chức hoạt động văn hóa - nghệ thuật (VHNT) “vừa thiếu vừa yếu”, như thực trạng chung của cả ngành này trên toàn quốc lâu nay. Điều này đòi hỏi cấp thiết một chính sách đầu tư bài bản hơn.
Ước tính sơ bộ, trong vòng hơn 20 năm từ khi tách tỉnh ngành văn hóa Quảng Nam đã từng bước “quy chuẩn hóa” cán bộ, viên chức ngành theo hướng chính quy (cử nhân, sau đại học) qua việc tuyển dụng, đào tạo, đào tạo lại (hệ tại chức cử nhân văn hóa, văn hóa học, các khóa, các lớp bồi dưỡng chuyên môn…) với hơn 70% cán bộ, viên chức có bằng đại học. Trong số 70% cán bộ, viên chức đó đa số là các cử nhân văn hóa quần chúng, cử nhân khoa quản lý VHNT, cử nhân văn hóa học, tức những cử nhân học theo kiểu “tích hợp”, tổng hợp các bộ môn (lý luận văn hóa, nghệ thuật học, hát, múa, kịch, biểu diễn nhạc cụ, tổ chức sự kiện…).
“So với các ngành khác, như y tế, giáo dục… về cơ bản lực lượng cán bộ VHNT của ngành vẫn còn yếu và thiếu. Chế độ lương, thưởng, chính sách đánh giá, đãi ngộ cho đội ngũ này còn nhiều hạn chế. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân đến từ sự đầu tư nguồn lực của Nhà nước cho ngành văn hóa so với các ngành khác còn khiêm tốn, việc huy động các nguồn lực thông qua xã hội hóa còn nhiều hạn chế”.
(Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện)
Sự thiếu vắng rõ nhất là các bộ môn chuyên ngành chuyên sâu như thanh nhạc, biểu diễn âm nhạc, sân khấu, điện ảnh, múa, bảo tàng, thư viện, triển lãm, mỹ thuật, tổ chức sự kiện văn hóa, nghệ thuật… như một ngành học độc lập ở các đại học chuyên ngành (học viện âm nhạc, trường múa, đại học mỹ thuật…). Thực tế cho thấy, hoạt động văn hóa ở các huyện, thành phố trong tỉnh có quá nhiều cán bộ, viên chức thiên về quản lý, tổ chức các hoạt động văn hóa hơn là hướng dẫn công chúng “thực hành văn hóa” theo hướng chuyên sâu một bộ môn nghệ thuật.
Chính vì vậy, mỗi khi thiết kế một chương trình tham gia hội thi, hội diễn cấp tỉnh, nếu không dựa vào lực lượng có năng khiếu tại chỗ, các đơn vị phải mời các cộng tác viên chuyên nghiệp bên ngoài với giá cả “thị trường” trong điều kiện nguồn kinh phí tổ chức hạn hẹp. Ngược lại do chế độ đãi ngộ quá thấp, nhiều cán bộ sáng tác, biên soạn, biên đạo, biên kịch, đạo diễn, diễn viên, nhạc công… của đơn vị mình quản lý lại hướng tài năng ra bên ngoài do “bụt chùa nhà không thiêng”, do đãi ngộ thấp, do khó chi “hoa hồng”, “tiền típ” cho nhà tổ chức. Như vậy, mặc dù đã quy chuẩn hóa trình độ cán bộ, viên chức nhưng vẫn yếu, thiếu về chuyên môn, nghiệp vụ do đào tạo kiểu đại trà thiên về đào tạo cán bộ quản lý văn hóa mà thiếu đào tạo, tuyển dụng, phát huy các tài năng nghệ thuật.
Nguyên nhân sâu xa chính là do sự khủng hoảng của các bộ môn nghệ thuật, trong đó rõ nhất là sân khấu truyền thống trong bối cảnh thực tiễn hôm nay. Điều bức thiết nhất ở Quảng Nam hiện nay là làm sao cứu vãn nghệ thuật hát bội đang trên bờ vực mai một. Hai mươi năm qua, ngành văn hóa tỉnh đã tổ chức hội thảo biên soạn công trình khoa học “Tuồng Quảng Nam”, đã phối hợp với các cơ quan hữu quan trung ương và địa phương tổ chức nhiều hội thảo, hội diễn để bảo tồn, phát huy hát bội. Tuy nhiên, một chính sách cụ thể cho hát bội Quảng Nam vẫn chưa được quan tâm triển khai như việc đào tạo nguồn nhân lực cho hát bội (đội ngũ biên kịch, nghiên cứu, đạo diễn, diễn viên, biên đạo, họa sĩ mỹ thuật sân khấu…).
Đã đến lúc không thể cứu vãn hát bội bằng việc hội thảo suông và nhất là dựa vào lực lượng “phong trào”, lực lượng không chuyên mà phần lớn các diễn viên không chuyên ngày càng cao tuổi, mất hết “thanh sắc” nói chi đến “tinh, khí, thần”. Với một bộ môn vừa mang tính dân gian vừa mang tính bác học như hát bội, việc tự đào tạo, hướng dẫn lớp trẻ theo kiểu phong trào cũng đâu là việc dễ dàng trong bối cảnh đào tạo mà không có “đầu ra” như hiện nay. Việc cấp thiết sau hai mươi năm thiếu quan tâm là đào tạo ngay một lực lượng diễn viên hát bội trẻ trong một cơ chế sát hợp với thực tiễn (chính sách đãi ngộ ăn học, bảo đảm công việc theo hướng chuyên nghiệp…) với chính sách ưu tiên trọng điểm để bảo tồn một ngành nghệ thuật tinh hoa, đặc sắc của Quảng Nam.
Với nguồn nhân lực cho văn hóa, cần quan tâm hơn nữa về lĩnh vực sáng tác, biên kịch, dàn dựng, tổ chức sự kiện… Hiện nay, thế hệ các nghệ sĩ biểu diễn sân khấu truyền thống (hát bội, ca kịch bài chòi…) phần lớn đã cao tuổi nên chú trọng khâu đào tạo trẻ, nhất là ở tuyến cơ sở thông qua các lớp bồi dưỡng ngắn hạn. Ở lĩnh vực sáng tác âm nhạc, thế hệ các nhạc sĩ Hoàng Bích, Huỳnh Ngọc Hải, Phan Văn Minh… đã nghỉ hưu, thế hệ biên kịch dân ca bài chòi như Ngọc Kỳ, Phú Sương, Văn Toản (đã mất), Xuân Giá, Lê Trung Thùy, Hải Triều… đã cao tuổi, đã lộ ra sự thiếu vắng một lực lượng kế tục giàu tài năng cho bước đường phía trước của VHNT Quảng Nam.
Điều quan ngại nữa là xu hướng đại chúng hóa trong các hoạt động VHNT đã làm nghèo đi sự đa dạng, phong phú của các bộ môn, loại hình nghệ thuật. Chẳng hạn như ngành văn hóa cứ tổ chức phong trào hát nhạc boléro, các loại hình nhảy hiphop đương đại mà “quên” các ca khúc nghệ thuật, nhạc thính phòng, giao hưởng hay múa dân gian, diễn xướng dân gian… thì hoạt động VHNT vẫn còn nhiều bất cập…
Văn hóa, suy cho cùng là mục tiêu của phát triển kinh tế - xã hội, nghĩa là xây dựng một cộng đồng, một xã hội mà trong cộng đồng, xã hội đó mỗi thành viên đều có mức sáng tạo và hưởng thụ văn hóa cao (tất nhiên đạt được điều này cộng đồng phải có một đời sống kinh tế tăng trưởng cao). Chính vì lẽ đó, những nhà hoạch định chính sách xã hội luôn nói văn hóa vừa là mục tiêu vừa là động lực của sự phát triển cộng đồng, xã hội. Chú trọng phát triển nguồn nhân lực VHNT là bảo đảm cho sự phát triển bền vững của văn hóa. Về phía Trung ương, Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Xây dựng đội ngũ trí thức ngành VH-TT&DL đến năm 2020, tầm nhìn 2030”; Đề án “Đào tạo tài năng VHNT giai đoạn 2016 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” cũng với mục tiêu phát triển bền vững nêu trên.