Nguồn nhân lực khoa học - công nghệ (KH-CN) đối diện với nguy cơ bị “hành chính hóa” là vấn đề không chỉ của riêng Quảng Nam mà là thực trạng chung của cả nước. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có được những giải pháp thiết thực mang tính bền vững cho vấn đề này.
Bất hợp lý
Có thể nói, từ sau tái lập tỉnh đến nay, nguồn nhân lực trí thức có trình độ đại học, sau đại học của Quảng Nam tăng lên đáng kể. Theo thống kê của TS. Ngô Văn Hùng - Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy trong một công trình nghiên cứu mới đây, trong số khoảng 18.000 nhân lực có trình độ cao đẳng trở lên của tỉnh hiện nay, có gần 700 nhân lực có trình độ sau đại học gồm thạc sĩ, tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa II, bác sĩ chuyên khoa I, dược sĩ chuyên khoa I… Điều đó phần nào thể hiện sự quan tâm, chú trọng của tỉnh, các ban ngành, địa phương trong công tác đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực trí thức phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, đáng chú ý là có đến gần 90% lực lượng trí thức KH-CN làm việc trong các cơ quan hành chính - sự nghiệp, giáo dục, y tế... Và 10% lực lượng trí thức KH-CN còn lại có tham gia nghiên cứu khoa học và hiệu quả từ sản phẩm họ tạo ra đến đâu, vẫn chưa thể đánh giá được.
Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng là sân chơi, khơi dậy tiềm năng nghiên cứu khoa học nơi thế hệ trẻ. Ảnh: B.L |
Khi đề cập nguồn nhân lực KH-CN, ông Phạm Viết Tích - Phó Giám đốc Sở KH-CN chia sẻ: “Có một thực tế chung là nguồn nhân lực KH-CN của tỉnh đang đứng trước nguy cơ bị hành chính hóa”. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, nhưng trước hết phải kể đến chiến lược đào tạo, thu hút chất xám KH-CN còn nhiều bất cập. Nguồn cán bộ KH-CN chưa được chú trọng quy hoạch, đào tạo đúng mức. “Hiện tại, chế độ đãi ngộ, cơ chế, chính sách của tỉnh đối với người làm công tác khoa học chưa tương xứng cũng là một thực tế đáng bàn. Định mức cho 1 sản phẩm khoa học chưa xứng đáng với công sức người làm nghiên cứu khoa học bỏ ra; định mức danh mục nghiên cứu khoa học còn quá thấp, do đó người làm khoa học khó có thể cho ra sản phẩm hoàn hảo. Khâu thẩm định kinh phí, xét duyệt đề cương còn quá rườm rà về thủ tục hành chính, dẫn đến đề tài nghiên cứu trải dài, đến khi làm được thì sản phẩm đó đã mất đi tính đột phá, lạc hậu so với thực tiễn. Hoặc có những đề tài/dự án được nghiên cứu thành phẩm, song thiếu cơ chế để duy trì, ứng dụng vào thực tế nên không thể phát huy tác dụng” - ông Tích thông tin.
Cần quy hoạch nguồn
Việc phân bố nguồn nhân lực KH-CN trên địa bàn tỉnh vẫn chưa đồng đều. Chẳng hạn, ở ngành NN&PTNT, cán bộ KH-CN sau đại học toàn ngành chỉ có 11 người, lại phân bố chủ yếu tại văn phòng sở và các đơn vị trực thuộc sở. Ở một số ngành kỹ thuật của tỉnh, số lượng cán bộ KH-CN sau đại học cũng chiếm tỷ lệ thấp. Chẳng hạn, ngành công nghiệp chỉ có 2 cán bộ sau đại học. Tại Trung tâm Khuyến công & tư vấn công nghiệp Quảng Nam (tổ chức KH-CN của ngành công nghiệp), chỉ có 1 cán bộ sau đại học. Trong số 500 cán bộ của toàn ngành giao thông vận tải, số cán bộ làm việc tại văn phòng sở và 7 đơn vị hành chính sự nghiệp trực thuộc sở chiếm 155 người thì lực lượng sau đại học là 11 người. Riêng ở ngành y, tổng số cán bộ có trình độ trên đại học là 1.001 người, chiếm tỷ lệ 23,28% trong tổng số 4.299 cán bộ, công chức toàn ngành. |
Hiện tại, các tổ chức R-D (đơn vị nghiên cứu & phát triển) của tỉnh thiếu hụt nghiêm trọng đội ngũ nhân lực KH-CN đầu đàn. Hầu hết số cán bộ có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ của tỉnh hầu như hoạt động trong lĩnh vực hành chính là chủ yếu, ít tham gia làm khoa học. Một tồn tại khác cũng đáng lo là cán bộ KH-CN, đặc biệt cán bộ có trình độ cao ở nước ta nói chung, Quảng Nam nói riêng đã và đang bị lão hóa. Độ tuổi trung bình của cán bộ trên đại học là 53,1; tiến sĩ: 52,9; tiến sĩ khoa học: 52,7.
Có thể thấy, hoạt động KH-CN của đội ngũ cán bộ KH-CN còn nhiều hạn chế trong lĩnh vực kỹ thuật - công nghệ, chưa tác động nhiều đến đổi mới công nghệ của doanh nghiệp, chưa đóng góp tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa của tỉnh. Minh chứng là trong vòng 15 năm qua, trong số 182 đề tài cấp tỉnh được phê duyệt thực hiện thì số đề tài nghiên cứu ở lĩnh vực khoa học xã hội & nhân văn có đến 86 đề tài, chiếm khoảng 47%; trong khi đó, các đề tài trong lĩnh vực kỹ thuật - công nghệ chiếm tỷ lệ thấp, khoảng 5,5%. “Trước tình hình đó đòi hỏi các cấp ủy đảng, các cơ quan chức năng phải khẩn trương thực hiện công tác quy hoạch, tạo nguồn nhân lực bền vững cho KH-CN” - TS. Ngô Văn Hùng nhấn mạnh.
Bích Liên