Biến động và thiếu hụt lao động, nhất là lao động có tay nghề là chuyện không mới và được dự báo từ lâu đối với ngành may công nghiệp Quảng Nam. Trong khi đó, hàng loạt doanh nghiệp (DN) đang chuyển hướng đầu tư ra khu vực ngoại thành và các huyện, thậm chí xây dựng nhà xưởng ngay trên địa bàn các xã để thu hút nguồn lao động may tại chỗ.
Lao động may lành nghề, kỹ thuật cao đang thiếu trầm trọng. Ảnh: Đ.HÙNG |
Thiếu lao động có tay nghề
Hiện nay, thu nhập trong ngành dệt may ở Quảng Nam không cao, mức bình quân tương đối thấp so với ngành nghề khác (chỉ đạt khoảng từ 2,5 - 3,5 triệu đồng/người/tháng). Với mức lương này, công nhân khó có thể đảm bảo cuộc sống. Chính vì vậy, tình trạng lao động bỏ việc, tự do chuyển chỗ làm khá phổ biến. Nhiều DN vừa tuyển được lớp công nhân mới, lại có lớp cũ bỏ đi làm chỗ khác. Những DN có chính sách đãi ngộ tốt với công nhân thì biến động lao động thấp hơn. May gia công chiếm nhiều lao động nhưng giá trị gia tăng của ngành rất thấp, do đó nhiều DN không đủ khả năng để lo cho người lao động chế độ đãi ngộ tốt nên họ luôn có ý tìm kiếm việc làm với mức lương cao hơn, gây nên sự xáo trộn nguồn nhân lực trong ngành may.
Thiếu hụt lao động, nhất là lao động có tay nghề là chuyện không mới và được dự báo từ lâu đối với ngành may công nghiệp Quảng Nam. Trong khi đó, ngành may công nghiệp đang có sự dịch chuyển theo hướng phát triển chiều sâu, tăng hàm lượng công nghệ nên yêu cầu lao động phải qua đào tạo nghề được đặt lên hàng đầu. Một chủ DN may cho biết, lao động may lành nghề, kỹ thuật cao bây giờ có quyền chọn DN chứ DN khó có quyền quyết định chọn lựa để tuyển dụng. Trong khi đó, chất lượng đào tạo của các trường dạy nghề trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng đòi hỏi tay nghề của DN may. Nguồn lực lao động may cung không đủ cầu. Do thiếu lao động có tay nghề, một số DN đành tuyển lao động chưa học nghề để mở lớp đào tạo, tuy nhiên cũng rất khó tuyển dụng đủ số lượng. Hầu hết DN dệt may chưa xây dựng được chiến lược nhân sự, thu hút, tuyển dụng và sử dụng lao động vẫn theo kiểu “ăn đong”.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu, trong những năm tới Quảng Nam sẽ tập trung triển khai nhiều giải pháp đồng bộ về đào tạo, thu hút và tạo điều kiện thuận lợi ổn định cuộc sống người lao động, đặc biệt là đội ngũ lao động kỹ thuật may có trình độ, tay nghề cao. Cùng với việc đầu tư nâng cao năng lực của mạng lưới cơ sở dạy nghề, UBND tỉnh sẽ có cơ chế khuyến khích và tạo điều kiện để các tập đoàn kinh tế, các DN dệt may trong và ngoài nước tham gia tích cực vào quá trình đào tạo lực lượng lao động kỹ thuật ngành may, đào tạo theo định hướng gắn với nhu cầu lao động, cung cấp lao động có chất lượng về tay nghề, sức khỏe, có kỷ luật, tác phong công nghiệp, có văn hóa… để đáp ứng đủ nguồn nhân lực cho ngành may. |
Để giữ chân lao động, tránh sự xáo trộn, biến động lớn, thời gian qua một số DN dệt may ở Quảng Nam đã đưa ra nhiều ưu đãi cho người lao động như tăng các khoản thu nhập ngoài lương, tăng tiền chuyên cần hàng tháng, xây dựng nhà trọ miễn phí cho công nhân; hỗ trợ công nhân về tiền thuê nhà, tiền xăng xe và thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với người lao động, cho tham quan du lịch... Các giải pháp trên tuy bước đầu phát huy hiệu quả nhất định nhưng về lâu dài cần nhiều giải pháp đồng bộ hơn.
Chuyển dịch đầu tư
Cách đây hơn 5 năm, khi Công ty May Tuấn Đạt quyết định đầu tư hơn 30 tỷ đồng xây dựng nhà máy tại xã Tiên Cảnh (huyện Tiên Phước), nhiều người cho rằng DN này “mạo hiểm”. Bởi, huyện Tiên Phước thuộc vùng trung du, đường sá, giao thông cách trở, cách Tam Kỳ gần 30km nên chi phí vận chuyển tăng, sẽ khó cạnh tranh với các DN may ở thành phố. Thế nhưng, theo ông Trần Hữu Doãn - Chủ tịch HĐTV Công ty May Tuấn Đạt, công ty đầu tư xây dựng thêm xí nghiệp may ở đây là mang tính chiến lược, với mục tiêu không ngừng mở rộng năng lực và phát triển bền vững của DN. Ông Doãn lý giải, đối với DN may xuất khẩu, 3 vấn đề đáng quan tâm là vốn, khách hàng và nhân công. Cả ba đều quan trọng và tương hỗ lẫn nhau. Khác với trước đây, việc tuyển dụng lao động khá thuận lợi, chỉ cần đầu tư xây dựng được nhà máy, có đơn hàng thì không lo thiếu lao động. Thế nhưng, hiện nay điều này đã không còn phù hợp. Thực tế nhiều DN may đang “đau đầu” về thiếu hụt lao động. Đối với Công ty May Tuấn Đạt, quyết định đầu tư ở Tiên Phước bởi đây là địa phương có lực lượng lao động nữ khá lớn, trong khi đó từ trước đến nay chưa có DN may nào “ra đời” tại đây. Nhờ vậy, khi Xí nghiệp May Tuấn Đạt 4 ở Tiên Phước bắt tay vào sản xuất, chỉ trong thời gian ngắn đã tuyển đủ lao động.
Tiếp sau Công ty May Tuấn Đạt, hàng loạt DN may khác trên địa bàn tỉnh đang chuyển hướng đầu tư, mở xưởng may ở các huyện, thậm chí xây dựng nhà xưởng ngay trên địa bàn các xã để tận dụng nguồn lao động tại chỗ. Mới đây, cùng với Công ty May Hòa Thọ đầu tư thêm 2 nhà máy may tại Hiệp Đức, Phú Ninh..., Công ty TNHH Dệt may thương mại Tấn Minh (đóng tại thị trấn Nam Phước, Duy Xuyên) đã xây dựng thêm 5 nhà máy may ở các huyện Quế Sơn, Thăng Bình, Duy Xuyên..., giải quyết việc làm cho hơn 1.000 lao động tại địa phương. Nhờ đó trong những năm gần đây ngành may mặc phát triển mạnh ở Quảng Nam. Đến nay, toàn tỉnh có 57 DN may công nghiệp đang hoạt động sản xuất, hằng năm kim ngạch xuất khẩu chiếm tỷ trọng hơn 20% trong cơ cấu kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, giải quyết việc làm cho trên 15.500 lao động.
ĐẶNG HÙNG