Nhiều hộ dân sinh sống xung quanh khu vực nghĩa trang cán bộ và nhân dân TP.Tam Kỳ lo ngại nguồn nước sinh hoạt đang bị ô nhiễm từ nghĩa trang.
Năm 2005, nghĩa trang cán bộ và nhân dân TP.Tam Kỳ được xây dựng trên diện tích gần 70.000m2 tại khu vực ranh giới giữa thôn Đồng Hành (xã Tam Ngọc, TP.Tam Kỳ) và thôn Xuân Quý (xã Tam Thái, huyện Phú Ninh). Đến năm 2015, khi nghĩa trang ngày càng có nhiều người chết được an táng, 25 hộ dân ở tổ 5 (thôn Đồng Hành) sinh sống cách nghĩa trang khoảng từ 20 - 30m về hướng đông đã đề nghị cơ quan chức năng kiểm tra nguồn nước. Tháng 5.2015, Phòng Tài nguyên - môi trường TP.Tam Kỳ đã lấy 3 mẫu nước giếng sinh hoạt của các hộ dân ở đây xét nghiệm. Và kết quả cho thấy, 2/3 mẫu bị nhiễm vi sinh. Kết luận của đơn vị này ghi rõ: “Mẫu nước nhà bà Nguyễn Thị Minh Dung phát hiện bị nhiễm vi sinh (Coliform: 14 MPN/100ml và E.coli: 4 MPN/100ml) và mẫu nước tại nhà bà Nguyễn Thị Cúc phát hiện bị nhiễm vi sinh (Coliform: 30 MPN/100ml và E.coli: 7 MPN/100ml). Nguồn nước bị nhiễm khuẩn có thể gây ra bệnh giun sán và bệnh ngoài da cho con người. Vi khuẩn E.coli có thể gây ngộ độc cấp tính, làm tăng nguy cơ mắc bệnh đường ruột, đặc biệt là tiêu chảy”.
Phòng Tài nguyên - môi trường TP.Tam Kỳ cũng đã có kiến nghị UBND thành phố chỉ đạo các ngành chức năng có kế hoạch cung cấp nước sạch đến khu vực này hoặc có kế hoạch di dời các hộ dân ra khỏi khu vực nghĩa trang đến nơi an toàn. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Anh - Tổ trưởng tổ 5 (thôn Đồng Hành), đến nay người dân ở đây vẫn phải sử dụng nguồn nước giếng dù đã có kết luận bị ô nhiễm vì hệ thống nước sạch tại địa phương chưa đến được khu vực này. “Trên 20 hộ dân chúng tôi sinh sống tại đây từ trước khi xây dựng nghĩa trang. Khi thành phố có kết luận nước giếng bị nhiễm vi sinh, chúng tôi rất lo ngại. Nhưng lãnh đạo địa phương cũng chỉ yêu cầu chúng tôi cần thực hiện việc ăn chín uống sôi chứ chưa có biện pháp khắc phục lâu dài nào” - ông Anh cho biết thêm. Bà Nguyễn Thị Cúc - một người dân ở tổ 5 (thôn Đồng Hành) cho biết: “Gia đình tôi sống cách nghĩa trang này chỉ một con kênh nên sợ nước giếng bị ô nhiễm lắm. Khi thành phố có kết luận, tôi rất lo lắng, nhưng vẫn phải dùng nguồn nước này để sử dụng cho sinh hoạt hàng ngày”. Trong khi đó, ông Trần Sinh sinh sống tại đây từ nhiều năm nay cho biết thêm: “Ngoài nguồn nước, chúng tôi còn lo ngại ô nhiễm không khí. Tuy hệ thống lò đốt của nghĩa trang đã được cải tạo nhưng hầu hết người nhà khi đốt các vật dụng của người chết lại không đốt trong lò mà đốt tự do tại các khoảng đất trống xung quanh, làm phát tán bụi, khói thải gây ô nhiễm”.
Cũng theo khảo sát thực tế của Phòng Tài nguyên - môi trường TP.Tam Kỳ, trong phạm vi bán kính 200m của nghĩa trang còn có 7 hộ dân thuộc tổ 6 (thôn Xuân Phú, xã Tam Thái) đang sinh sống. Các hộ này đã ở đây trước khi hình thành nghĩa trang. Ngoài ra, trong phạm vi bán kính từ 200m đến 1.500m, có khoảng 110 nhà dân phát sinh sau khi hình thành khu vực nghĩa trang. Trong khi đó, theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị do Bộ Xây dựng ban hành năm 2010 (QCVN 07:2010/BXD) thì khoảng cách an toàn vệ sinh môi trường nhỏ nhất từ nghĩa trang đến đường bao khu dân cư, trường học, bệnh viện, công sở khi chưa có hệ thống thu gom và xử lý nước thải đối với vùng đồng bằng được quy định là 1.500m.
Người dân sinh sống gần khu vực nghĩa trang cán bộ và nhân dân TP.Tam Kỳ đang rất cần một biện pháp khắc phục hữu hiệu và lâu dài vấn đề ô nhiễm nguồn nước, không khí để ổn định cuộc sống.
P.NGUYÊN - X.TRƯỜNG