Nhiều nơi trong tỉnh đã có chuyển biến tích cực về môi trường không khí, đất, nguồn nước sông hồ cũng như khu vực ven biển.
Chất rắn lơ lửng ít phát sinh tại các con sông do gần đây các dự án, công trình xây dựng tác động trên sông ngày càng ít đi. TRONG ẢNH: Sông Thanh, đoạn chảy qua địa bàn Nam Giang. Ảnh: TR.HỮU |
Chất lượng môi trường đất nông nghiệp ở 4 cánh đồng tại Đại Lộc, Điện Bàn, Hội An và Duy Xuyên đều đạt mức cho phép, với hàm lượng các kim loại trong đất nằm trong giới hạn. Trầm tích ở 2 vị trí cuối nguồn của hai hệ thống sông chính là Vu Gia - Thu Bồn và Tam Kỳ đều có hàm lượng các kim loại nằm trong giới hạn cho phép theo Quy chuẩn Việt Nam (QCVN) 43:2012/BTNMT. Môi trường không khí, tiếng ồn ở các khu dân cư được cải thiện đáng kể.
Ông Lê Văn Việt - Giám đốc Trung tâm Quan trắc và phân tích môi trường đánh giá, kết quả quan trắc năm 2017 cho thấy, nồng độ các khí ô nhiễm CO, NO2, SO2 tại khu dân cư Điện Ngọc (gần Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc, Điện Bàn) và tại khu dân cư 617 Tam Hiệp (gần Khu công nghiệp Tam Hiệp, Núi Thành) đều ở ngưỡng cho phép. Các khu vực được quan trắc như thị trấn Ái Nghĩa (Đại Lộc), phường Vĩnh Điện (Điện Bàn); các trung tâm TP.Hội An, TP.Tam Kỳ, Núi Thành; thị trấn Nam Phước (Duy Xuyên), thị trấn Đông Phú (Quế Sơn), thị trấn Hà Lam (Thăng Bình) nồng độ các khí ô nhiễm CO2, NO2, SO2 nằm tromg giới hạn cho phép của QCVN năm 2013. Còn tiếng ồn ở khu dân cư cũng được kiểm soát, ngoại trừ khu dân cư Điện Ngọc tại thời điểm tháng 5, 6, 7 và 9 có độ ồn vượt giới hạn.
Ông Nguyễn Viết Thuận - Chi cục phó Chi cục Bảo vệ môi trường (thuộc Sở Tài nguyên - môi trường) nhận định, kết quả công bố quan trắc trên địa bàn tỉnh gần đây cho thấy, điểm sáng nhất là chất lượng nguồn nước của các hệ thống sông khá ổn định trong 3 năm lại đây. Một số thời điểm có biểu hiện ô nhiễm TSS, Fe trên sông chủ yếu do yếu tố tự nhiên; riêng tình trạng ô nhiễm trên sông Bồng Miêu (Phú Ninh) chủ yếu là do yếu tố tác động của con người trong quá trình khai thác thác vàng trái phép. Tương tự các thông số quan trắc môi trường nước dưới đất vùng ven biển (pH, TSS, dầu mỡ) đạt yêu cầu. Trung tâm Quan trắc và phân tích môi trường đánh giá, chất lượng nước ở các dòng sông chính từ 2017 đã cải thiện so với 2 năm (2015 - 2016). Các thông số gồm pH, DO, BOD5, COD, cyanua, dầu mỡ, chất hoạt động bề mặt, các kim loại… biến động không đáng kể và phần lớn nằm trong mức cho phép; trừ sông Bồng Miêu bị ô nhiễm Pb qua hầu hết các đợt lấy mẫu nhưng ô nhiễm này không thể hiện rõ chiều hướng tăng hay giảm qua các năm. Trong khi đó, chất rắn lơ lửng (TSS) cải thiện rõ rệt. Năm 2015, số nhánh sông Bồng Miêu, sông Thanh, sông Trường, sông Thu Bồn tại Câu Lâu, ít nhất có một tháng vượt mức độ về hàm lượng TSS. Từ năm 2016 đến nay, TSS phát sinh ít do việc xây dựng các công trình trên sông ít đi, các nhà máy thủy điện vận hành ổn định.
Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường Lê Thị Tuyết Hạnh, năm 2018, mạng lưới quan trắc sẽ mở rộng ở các địa bàn mà người dân bức xúc dai dẳng về môi trường. Sáu thành phần môi trường sẽ tiếp tục được quan trắc trong năm gồm nguồn nước mặt, nước dưới đất, nước biển ven bờ, không khí xung quanh, đất và trầm tích; tần suất quan trắc cao nhất là mỗi tháng một lần với nước mặt và không khí xung quanh; tần suất thấp nhất là đất và trầm tích mỗi năm một lần. Trên cơ sở kết quả quan trắc năm 2017, Sở Tài nguyên và môi trường phối hợp nhịp nhàng với chính quyền các địa phương, ngành hữu quan tiến hành thanh tra, kiểm soát các đơn vị sản xuất, kinh doanh khai khoáng có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao; tiếp tục đầu tư xây dựng hệ thống xử lý môi trường tại các chu công nghiệp.
TRẦN HỮU