Trong tình trạng khan hiếm nguồn nước do thời tiết hạn hán khắc nghiệt, việc sử dụng công nghệ “xanh” để thu về nguồn nước “sạch” đang được sử dụng tại nhiều nơi.
Morocco là một trong những quốc gia châu Phi gánh chịu nặng nề hiện tượng của thiên tai nên việc khan hiếm nước tại đây khiến người dân vốn dĩ đã khó khăn lại thêm phần vất vả. Nay tình hình đã cải thiện phần nào khi những vùng đất khan nước như thế được tiếp cận với công nghệ lấy nước từ sương mù. Công nghệ này được sử dụng rất hiệu quả từ nhiều năm qua tại Chile, Peru, Nambia và Nam Phi.
Thiết bị công nghệ trên là những tấm lưới nhựa công nghiệp, nhiều lỗ, được dựng trên các chiếc cọc và có thể tập hợp những giọt sương trong không khí và chuyển thành nước sạch ở hầu hết điều kiện khí hậu. Tùy thuộc vào số lượng panel mà người ta có thể thu được số lượng nước nhiều hay ít. Những giọt sương ngưng tụ lại trên bề mặt sợi lưới, sau đó nước được thu gom lại, qua ống nước để vào bể chứa. Các nhà khoa học cho biết, về bản chất thì nước từ sương mù (không bị ô nhiễm do khí thải từ công nghiệp) là tinh khiết và an toàn để uống trực tiếp. Đáng lưu ý nữa là phương pháp lấy nước này có chi phí thấp, vật liệu sử dụng có sẵn và bền vững.
Hệ thống lấy nước từ sương rất đơn giản nhưng hiệu quả, đang được sử dụng ở nhiều nơi khô hạn. Ảnh: NTVDB |
Khu vực may mắn đầu tiên ở miền bắc Morocco được sử dụng công nghệ trên - được tài trợ bởi FogQuest, tổ chức từ thiện phụ trách phát triển lưới thu sương mù, là thành phố Sidi Lfni. Mounir Abbar - kỹ sư trưởng của dự án cho biết, dự án bắt đầu hoạt động tại Sidi Lfni vào ngày 22.3 vừa qua (Ngày thế giới về Nước 2015), với chương trình đem nước từ sương về cho 92 hộ dân, khoảng 400 người. “Morocco là khu vực có lượng sương rất dồi dào nhờ vào 3 hiện tượng: khí tượng xoáy nghịch tức thời tiết trong sáng không có mưa và gió mạnh, luồng không khí lạnh, địa hình đồi núi” - Mounir Abbar nói. Khoảng 40 tấm panel được lắp đặt trên diện tích khoảng 1.300m.
Người dân ở ngôi làng of Douar Id Achour của Sidi Lfni rất vui mừng vì từ nay không còn nhọc nhằn bỏ ra những 4 tiếng đồng hồ mỗi ngày để cõng nước từ những khu vực khác hoặc phải mua nước tại nơi với giá cả đắt đỏ. Massouda Boukhalfa, 47 tuổi - một cư dân của làng nói: “Mặc dù nước được lấy từ sương chưa phải quá nhiều, đủ cho cả sản xuất, chăn nuôi nhưng mỗi ngày tôi cũng lấy được 20 lít nước sạch từ sương đã là quý lắm rồi”. Như vậy, sau Sidi Lfni, nhiều thành phố “khát nước” tại Morocco sẽ được áp dụng công nghệ lấy nước sạch từ sương như thế.
Cũng vào năm 2007, hai kiến trúc sư Israel thiết kế và chế tạo một thiết bị đơn giản có tên gọi WatAir, cũng với hệ thống lưới nhựa công nghiệp có khả năng hứng những giọt sương trong không khí và xử lý thành nước sạch. WatAir đến nay được sử dụng rất nhiều ở Israel để cung cấp nước sạch cho mọi người, đặc biệt ở nơi khô hạn. WatAir có thể chiết xuất ít nhất là 48 lít nước sạch từ không khí mỗi ngày, với diện tích của nó khoảng 29,2m2.
QUỐC HƯNG